THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:57

Ngành hàng gia dụng, tiêu dùng: Sẵn sàng để không “bơi” trong hội nhập

 

Hàng gia dụng nông thôn: Bỏ ngỏ thị trường lớn !

Xu hướng mở rộng thị trường hàng hóa tập trung vào khu vực nông thôn và sự “chuyển mình” của DN nội địa đang từng bước khẳng định triển vọng của ngành hàng gia dụng, tiêu dùng tại Việt Nam. Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện tiêu dùng vào hàng gia dụng chiếm 9% tổng gói tiêu dùng cá nhân và đứng thứ 4 quy mô về tiêu dùng. Ở Việt Nam, quy mô thị trường ngành hàng gia dụng khoảng 12,5 đến 13 tỷ USD với mức phát triển cao hơn bình quân. Riêng năm 2014, giá trị bán lẻ tăng 10,65%, trong đó nhóm hàng này tăng từ 12 - 14%.

Cơ hội đầu tư vào ngành hàng gia dụng, tiêu dùng Việt Nam rất lớn.

Ở góc độ dân số, Việt Nam là nước có trên 90 triệu dân với số lượng hộ gia đình mới không ngừng tăng, dẫn tới nhu cầu về mặt hàng gia dụng cũng tăng theo. Đặc biệt, dư địa phát triển tại thị trường nông thôn, khu vực chiếm 70% tổng dân số cho ngành hàng này là rất lớn. Ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, cho biết: Trong khi thị trường tại các thành phố lớn đã bão hoà thì ở nông thôn, hàng gia dụng đang thiếu thốn. Đây là phân khúc đầy tiềm năng mà DN phải nắm giữ, vì các mặt hàng tiêu thụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa là các mặt hàng giá cả phải chăng, không quá đòi hỏi dây chuyền công nghệ cao và nguồn lao động tay nghề tốt, nên mức đầu tư của DN đáp ứng ngay được. “Mặc dù đã có những chính sách, chương trình nhằm mục đích cải thiện tiêu dùng như chiến dịch Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt, nhưng thực tế chưa có sự chuyển biến rõ rệt”, ông Ruệ nói.

Doanh nghiệp cần có chiến lược đầu tư, kinh doanh

Nhận định về cơ hội đầu tư vào ngành hàng gia dụng trong xu thế hội nhập, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sunhouse dự báo, đây sẽ là ngành cực kỳ triển vọng trong vòng 3 năm tới: “Ngành này không yêu cầu công nghệ quá cao, lại sử dụng nhiều lao động, giúp tạo công ăn việc làm tốt cho người lao động. Từ trước đến nay, đây vốn là ngành thế mạnh của Trung Quốc, tuy nhiên sắp tới, giá nhân công của Trung Quốc sẽ tăng nhanh khi thu nhập người dân phát triển, Trung Quốc không thể tiếp tục thực hiện chiến lược giá rẻ. Khi đó, Việt Nam sẽ là thị trường nhiều tiềm năng thay thế Trung Quốc trong xuất khẩu với sự dịch chuyển thị trường của các tập đoàn đa quốc gia”.

Tuy nhiên, theo ông Phú, khi hội nhập, hàng loạt các đối thủ cạnh tranh ở Thái Lan, Hàn Quốc cũng được hưởng lợi khi thuế về 0%, sẽ đem lại lợi thế cho các Cty thương mại và bất lợi cho các DN sản xuất trong nước. Nguy cơ mất thị trường nội địa là rất lớn do xu hướng tiêu dùng yêu cầu sự đa dạng về sản phẩm. Trong vòng 3 đến 5 năm nữa, DN Việt sẽ rất khó khăn, do đó các Cty sản xuất ngành hàng này cần phải tập trung đầu tư công nghệ, nâng cao tay nghề cho người lao động, để đủ sức sáng tạo các mặt hàng phong phú, đa dạng, chất lượng tốt, cạnh tranh khi đã hội nhập. 

Song song với những nỗ lực tự thân của DN, rất cần có thêm nhiều sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Ông Nguyễn Việt Đức, Tổng giám đốc Tổng Cty Giấy Việt Nam chia sẻ: Trong hoàn cảnh hội nhập sâu rộng, Nhà nước cần coi đầu tư vào hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống phân phối là yêu cầu của sự phát triển, là một chính sách kích cầu để có cơ chế tài chính hỗ trợ DN. Các cơ quan chức năng của Chính phủ cần tăng cường các hoạt động nghiên cứu, dự báo và phổ biến kịp thời, công khai các thông tin kinh tế đến các DN và hiệp hội DN, để DN có thể nâng cao chiến lược đầu tư, kinh doanh của mình. Cùng với đó, các cơ quan quản lý thị trường, hải quan, thuế... cũng nâng cao hiệu quả hoạt động chống làm hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, gian lận thương mại. Ngoài ra, cần có những hỗ trợ và định hướng rõ ràng về chi tiêu công theo hướng ưu tiên hàng Việt Nam, nhất là những chi tiêu từ ngân sách Nhà nước.    

THANH NHUNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh