CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:06

Những 'ca sĩ' kém may mắn mưu sinh ở góc phố hàng đêm

Những sân khấu ca múa nhạc từ thiện ở các góc phố mỗi buổi tối từ lâu đã không còn sự lạ lẫm đối với người dân Thủ đô. Chỉ cần một tấm phông với dòng chữ “Ca nhạc khuyết tật”, một bộ loa đài, vài ba bóng đèn chiếu sáng và chiếc micro là đã đủ để những người khuyết tật có thể cất lên tiếng hát phục vụ người đi đường.

Mỗi buổi diễn ở một điểm thường có 3 "ca sĩ". Họ đều là những người khuyết tật do nhiễm chất độc da cam hoặc tai nạn.

Mỗi lần các giọng ca cất lên, rất hiếm người đi đường dừng lại để nghe. Mặc dù vậy, các "ca sĩ" vẫn cố gắng biểu diễn, vẫn hát hết lòng mình. Trừ những ngày thời tiết xấu như mưa to, gió lớn, đều đặn 4-5 buổi/tuần, anh Minh Đức - một trong những thành viên của đoàn từ thiện Nhất Tâm - đều đi 7 km từ Cầu Giấy sang đường Phan Văn Trị (Đống Đa) để biểu diễn với sự hỗ trợ của các tình nguyện viên trong đoàn.

Bị di chứng do một vụ tai nạn ngày còn nhỏ, anh mất đi khả năng lao động như người bình thường. Được bạn bè giới thiệu, anh đến với đoàn từ thiện Nhất Tâm để xin tham gia ca hát. Mỗi buổi anh diễn 3 lượt, mỗi lượt 3 bài với “cát-xê” là 200.000 đồng. Ngoài ra nếu hát nhiều hơn anh sẽ được thưởng thêm.

Anh Thanh, giáo viên khiếm thị dạy Tin học tranh thủ đi hát buổi tối để trang trải cuộc sống. Anh phải chuẩn bị từ 50-60 bài thay đổi liên tục trong các đêm diễn như “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Nắng ấm quê hương”, “Bài ca xây dựng”, “Đường chúng ta đi”…

Gắn bó với nghề hơn 2 năm nay, anh chia sẻ: “Đây là nơi tôi có cơ hội được cất lên những bài hát mình yêu thích, được giao lưu với nhiều người mới. Có người còn yêu cầu tôi hát đấy. Một ca sĩ, được hát và được người khác (dù ít thôi) yêu mến giọng hát của mình, có thể xem như đã hạnh phúc lắm rồi".

Từ việc làm thêm, giờ đây công việc đi hát mỗi buổi tối trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình chị Thu Trang. Ban ngày vợ chồng chị mở tiệm xoa bóp bấm huyệt người mù nhưng một ngày cũng chỉ có vài ba khách ghé qua. Buổi tối chị đi hát, còn chồng ở nhà chăm đứa con mới lên 2.

Chị Hoàn vừa đảm nhiệm vài trò là ca sĩ, vừa là người trông hòm từ thiện nhận tấm lòng hảo tâm của mọi người.

Số tiền nhận được từ lòng hảo tâm của mọi người, một phần trả cho ca sĩ, một phần để làm chi phí duy trì đoàn hát.

Do chưa đủ kinh phí để trang bị riêng cho mình dàn loa âm thanh nên đoàn vẫn phải thuê bên ngoài với giá 400.000 đồng/đêm. Ước mơ của những người kém may mắn này, giờ đây có thể là một dàn âm thanh riêng, những nhạc cụ tốt hơn hay một sân khấu tươm tất.

"Nhưng đến bao giờ, những giấc mơ ấy mới trở thành hiện thực với những buổi diễn tự hát tự nghe như thế này", một thành viên đi hát chia sẻ. Và để đỡ tốn chi phí, họ tự hát tự đệm đàn cho chính mình.

Và như thường lệ, khi ánh đèn ở phố bật sáng anh Đức, anh Thanh, chị Trang... lại cất lên giọng hát của mình để mưu sinh. Họ tâm sự, khi đứng trên sân khấu đơn sơ và có phần cô độc ấy để cất lên tiếng hát, rất cần ai đó trên dòng người nhộn nhịp trên đường dừng lại một chút lắng nghe.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh