CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:13

Sân Golf ở Việt Nam và suy nghĩ của một ông Hàn Quốc

 

Tôi gặp lại ông bạn người Hàn Quốc cách đây vừa đúng một tuần, ông này nguyên là trưởng phòng Lãnh sự của Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh, đã hết nhiệm kỳ cuối năm 2015. Ông giờ đã nghỉ hưu nhưng thi thoảng vẫn sang Việt Nam chơi. Gặp nhau, tay bắt mặt mừng nhưng câu đầu tiên ông hỏi tôi là Việt Nam bây giờ có bao nhiêu sân golf ?. Tôi trả lời nhanh là Việt Nam chúng tôi có khoảng hơn 30 sân Golf trên khắp cả nước, ông không nói gì rồi buông một câu dài thượt … chán thật.

Như để giải thích thêm với tôi, ông nói Hàn Quốc chúng tôi diện tích hơn 100 ngàn km2, dân số 51 triệu người tính đến hết 2015 nhưng có 447 sân golf, chưa kể khoảng gần 300 sân golf  9 hố và khoảng hơn 300 sân tập Golf. Xa hơn một chút là Nhật Bản có tới gần 2.400 Sân Golf  lớn nhỏ các loại, gần hơn là Philippin có tới 940 sân Golf, hay Thái Lan có 253 Sân trên toàn quốc … ông dông dài về sân golf và chuyện golf khắp đó đây. Rằng golf mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách đó là đóng thuế, đó là giải quyết việc làm cho lao động, đó là tận dụng quỹ đất mà đa số diện tích đất đai đó không thể khai thác, trồng trọt được gì … vân vân và vân vân. 

 

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

 

Tôi chợt nhớ ra chuyện đang ầm ĩ trên các diễn đàn về golf trong sân bay Tân Sơn nhất và hỏi ông rằng, ở góc độ khách quan nhất, ông đánh giá thế nào chuyện này (ông là người đã từng nhiều lần chơi trên sân golf Tân Sơn Nhất khi còn tại nhiệm), cũng một tiếng thở dài ông nói: tôi sẽ buồn nếu sân golf này bị xóa sổ. Chậm rãi như  là thanh minh cho suy nghĩ của mình ông nói: những ai đã từng đến Hàn Quốc đều biết, sau khi ra khỏi sân bay quốc tế Inchoen, mọi người đều nhìn thấy bên tay phải là một sân Golf  sừng sững với 72 hố golf có tên gọi là sân Sky 72, cũng ở sân này, mọi người chơi đều được ngắm máy bay cất cánh, hạ cánh và khung cảnh vô cùng hùng vĩ của đồi núi và hệ thống hồ điều hòa chống ngập cho sân bay. Như vậy, không phải duy nhất Việt Nam có Sân golf trong sân bay. Tuy nhiên, trong điều kiện tắc nghẽn của thành phố Hồ Chí Minh, một sân golf được xây dựng nên như vậy là vô cùng phản cảm, nếu ở Hàn Quốc chắc chắn người ta không thể làm được vì sức ép của dư luận là rất lớn. Nhưng để đầu tư nó, nhà dầu tư đã phải bỏ ra chi phí rất lớn , chỉ tiếc rằng các nhà lãnh đạo và cả truyền thông đang quyết liệt vào cuộc để giải quyết cái “sự đã rồi”. Giá đừng làm, giá đừng cho xây dựng, giá đừng và đừng phê duyệt thì mọi chuyện đã ổn.

Ông nói tiếp, ở Hàn Quốc, để làm một sân golf 18 hố cần tối thiểu 50 đến 60 ha đất, với điều kiện địa hình chiếm tới ¾ diện tích là đồi núi, các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc luôn khuyến khích các nhà dầu tư làm sân golf trên những diện tích đất cằn cỗi, địa hình phức tạp không có khả năng canh tác nông nghiệp và nhất là không thuộc phạm vi đất rừng phòng hộ, đất tái tạo rừng trồng vì mục đích bảo vệ môi trường. Đấy cũng là lý do vì sao ở Hàn Quốc, người chơi golf phải đi 50 đến 100 km mới tới được sân golf gần nhất và đa số các sân golf đều ở những vùng hẻo lánh, xa dân cư và phí chơi golf đắt gấp 2 đến 3 lần ở các quốc gia Đông Nam Á.

Quay trở lại câu chuyện làm sân Golf ở Việt Nam, ông nói rằng đa số các sân golf ở Việt Nam người ta hay gắn với các công trình phụ trợ, họ gắn vào đấy nhũng dự án xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng, những chung cư cao cấp …và điều quan trọng hơn cả là họ làm sân golf trên những thửa đất được coi là “bờ xôi ruộng mật”, vô hình chung, diện tích đất nông nghiệp vốn đang bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa rất nhanh, nay lại phải thu hẹp hơn để nhường chỗ cho những sân golf và biệt thự vốn dành cho giới thượng lưu trong đất nước thu nhập bình quân dầu người mới chỉ bằng 1/5 của Hàn Quốc.

Vậy ở Việt Nam cần bao nhiêu sân golf ? Tôi hỏi. Câu trả lời rất nhanh của ông là tối thiểu cần có 150 sân golf ở cả 3 miền. Ông giải thích, với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bình quân 6,5 đến 6,7% như hiện nay thì trong vòng 10 năm nữa thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ cán mốc gần 5000 Usd/người, như vậy cùng với nó đội ngũ doanh nhân sẽ phát triển rất nhanh và mạnh, nhu cầu chơi golf sẽ lớn hơn rất nhiều. Hơn thế, nếu quy hoạch hệ thống sân golf ở nhũng vùng sâu, vùng xa, vùng đất đồi núi, vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” sẽ tận dụng được quỹ đất nhàn rỗi, sân golf không những giúp giải quyết việc làm (mỗi sân golf bình quân giải quyết khoảng 4 đến 500 việc làm) với mức thu nhập cao cho người lao động, giúp thu hút du lịch và các lợi ích kinh tế khác sẽ giúp kinh tế xã hội của vùng và khu vực phát triển và đây là nhu cầu thực tế giúp các doanh nhân trong nước và các doanh nghiệp FDI đầu tư vào những vùng kinh tế cần đầu tư nếu có sân golf.

Tâm sự của ông bạn người Hàn Quốc giúp tôi hiểu thêm nhiều điều nhất là về vấn đề xây dựng sân golf ở Việt Nam. Nếu chính sách của Nhà nước là nhất quán, quy hoạch bài bản, đừng “xà xẻo” những “bờ xôi ruộng mật” để làm sân golf trong khi vẫn đảm bảo cơ cấu hợp lý cho phát triển thì ắt hẳn không ai nghi ngờ, dị nghị đối với một trong những môn thể thao thú vị hàng đầu này, 1 triệu doanh nghiệp và một đất nước hơn 90 triệu dân chắc chắn cần nhiều hơn con số 30 sân golf, vấn đề là nên làm sân golf ở đâu ? 

PHẠM ANH THẮNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh