THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:34

Sân chơi của những yêu thương

 

 - Ảnh 1Bộ trưởng Lao động -TB&XH Đào Ngọc Dung chung vui cùng các em Đội bóng Hà Tĩnh (Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Tĩnh) đoạt Cup Vô địch

Cống hiến hết mình vì một tinh thần thể thao fair play 

Không đơn thuần chỉ là sân chơi thể thao, các cầu thủ nhí cho biết, đây còn là cơ hội cho các em sát lại gần nhau, cho các em thấy vòng tay ấm áp của cộng đồng luôn quan tâm, khích lệ, giúp các em nhìn cuộc sống tích cực, gần bên nhau, cùng nhau xây đắp những ước mơ về tương lai tươi sáng.

Lễ Bế mạc và Lễ trao “Giải bóng đá quốc gia dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt lần thứ nhất năm 2019” được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV6 Đài Truyền hình Việt Nam. Giải do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ Lao động-TB&XH) chủ trì, phối hợp với Báo Nhi đồng, và các đơn vị liên quan tổ chức.

Tham dự sự kiện có Bộ trưởng Lao động-TB&XH Đào Ngọc Dung- Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, cùng đại diện các Bộ, ngành và đại diện các Nhà tài trợ cùng 16 đội bóng xuất sắc tại Vòng Chung kết.

Đêm nay, hai đội xuất sắc nhất đã cống hiến màn tranh tài hấp dẫn. Các cầu thủ nhí đã cống hiến trận chung kết hấp dẫn tranh Cup Vô địch giữa hai đội Hà Tĩnh (Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Tĩnh) và Đội Bộ Công an (Trường giáo dưỡng số 4 - Đồng Nai).

Với lối chơi kỹ thuật vượt trội, đội Hà Tĩnh đã giành Cup Vô địch một cách thuyết phục. Chiến thắng với tỉ số 5- 1, đội bóng nhí Hà Tĩnh hoàn toàn không gây bất ngờ khi thắng đậm đội Công an trong một thế trận vượt trội về trình độ kỹ thuật, cũng như khả năng phối hợp và dứt điểm.

Chiếc Cup Vô địch đã có chủ, trong sự vui mừng của tất cả các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt của các đội bóng tụ hội về Hà Nội tham dự giải Chung kết.

Những ngày qua, tại sân Quần Ngựa Hà Nội, những tài năng trẻ thơ ấy đã cống hiến hết mình với một tinh thần thể thao fair play cho sân chơi dành cho các em.

 - Ảnh 2Đội Hà Tĩnh (Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Tĩnh) thắng cách biệt 5- 1 trước đội Bộ Công an (Trường giáo dưỡng số 4 - Đồng Nai)

 

Thắp lên niềm tin và những hi vọng

13 tuổi, cậu bé Đoàn Trung Nguyên đến từ Làng trẻ mồ côi tỉnh Hà Tĩnh. Mồ côi mẹ từ khi 3 tuổi, gia cảnh vùng quê nghèo khó, bố sau đó cũng bỏ đi biệt tích, tuổi thơ với em là các mẹ giàu tình thương ở làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh, anh em là các bạn nhỏ có hoàn cảnh như mình. Em không còn nhớ nổi ký ức định mệnh từ năm 3 tuổi ấy…

Chơi ở vị trí tiền vệ phải của đội bóng Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh, bóng đá giúp Nguyên bay xa với những khát vọng, ước mơ về tương lai của mình, gắn kết em và các bạn, cho em thấy chân trời của những yêu thương. Nguyên mơ đến ngày mai em khoác lên mình chiếc áo tuyển thủ quốc gia.

Để nuôi giấc mơ ấy, Đoàn Trung Nguyên cho biết, chiều chiều đi học về, em và các bạn ở Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh tham gia đá bóng, và giải đấu này đã cho các em niềm vui sướng khôn tả, và cũng nhờ giải đấu, các em lần đầu được ra Hà Nội. Ngoài tham dự giải đấu, các em còn được Ban tổ chức bố trí đưa đi tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nơi các em thi đấu.

Giấc mơ lớn lên vì màu cờ sắc áo thi đấu trong màu áo đội tuyển quốc gia càng khiến em chăm học hơn, để lại tiếp nối thành tích nhiều năm liền là học sinh giỏi của em.

Các cầu thủ nhí lần đầu được khoác trên mình màu áo đội tuyển thi đấu toàn quốc. Phần lớn các em có hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng lại rất đam mê môn thể thao vua và có năng khiếu bóng đá từ nhỏ. Bóng đá đã đưa các em gần lại với nhau, giúp các em quên đi những khó khăn, thiệt thòi, bất hạnh mà số phận đã an bài cho các em.

“Con ước mơ sau này trở thành cầu thủ, được đá bóng như anh Văn Hậu, ngôi sao bóng đá con rất hâm mộ”, em Lý Trọng Vỹ cũng 13 tuổi, đội Bộ Công an (Trường giáo dưỡng số 4 - Đồng Nai) chia sẻ trước buổi chung kết.

Khuôn mặt khôi ngô, đôi mắt sáng lấp lánh tràn đầy hạnh phúc vì lọt vào chung kết, không ai nghĩ em đã phạm tội ở tuổi 13, chỉ vì thiếu hiểu biết, do ít được quan tâm, giáo dục thiếu đầy đủ. Gia cảnh nghèo, ba mất, mẹ ở nhà làm mướn, ai thuê gì làm nấy, tuy là con út trong gia đình có 3 chị em, nhưng tuổi thơ của em gắn liền với những buổi đi làm mướn cùng mẹ.

“Đến giải này con vui lắm cô. Con mong sau này là cầu thủ nổi tiếng, khoác áo đội tuyển quốc gia cô ạ”, Vỹ nói, lễ phép và hồn nhiên.

Với những em đã vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đủ tuổi để khởi tố vụ án hình sự nên phải vào Trường giáo dưỡng như Lê Trọng Vỹ thì ước mơ đó đã chắp cánh cho em về một tương lai bình yên, tươi sáng.

 - Ảnh 3Các cầu thủ nhí đã cống hiến trận chung kết hấp dẫn 

Giải tổ chức quy mô, giàu tính nhân văn

Đứng nhìn các em một cách yêu mến, Thượng tá, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 4 Lê Công Hiệp bày tỏ, ông thấy hạnh phúc và ấm lòng vì cơ quan chức năng đã tổ chức giải bóng tầm cỡ quốc gia này.

“Lần đầu tiên, trong suốt 35 năm trong nghề, vừa là thầy vừa là bạn, chia sẻ với các em, đây là giải đấu có quy mô nhất, và giàu nhân văn dành riêng cho các em, cho thấy sự quan tâm đặc biệt lớn đến các em có hoàn cảnh đặc biệt. Không chỉ thế, Ban tổ chức lo toàn toàn bộ kinh phí và chu đáo từ những việc nhỏ nhất, rất tâm lý với trẻ thơ. Giải bóng này cho thấy tính ưu việt, sự quan tâm của các cấp chính quyền nói chung, và Bộ Lao động-TB&XH nói riêng”, Thượng tá Lê Công Hiệp đánh giá.

Vòng Chung kết “ Giải bóng đá quốc gia dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt lần thứ nhất năm 2019” với sự tham dự của gần 200 cầu thủ của 16 đội bóng xuất sắc nhất đến từ làng trẻ em SOS, trung tâm bảo trợ xã hội, trường giáo dưỡng trên cả nước thuộc Bộ Công an, TP. HCM, Khánh Hòa, Quảng Bình, Hà Nội…

Các cầu thủ nhí có đội tuổi từ 11- 14 tuổi, hầu hết mồ côi cha mẹ, lang thang cơ nhỡ đang sinh sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội trên toàn quốc. 

Ban tổ chức mong muốn, từ giải đấu này, lan toả yêu thương tới đông đảo người hâm mộ bóng đá cả nước để từ đó thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

Phát biểu bế mạc, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức giải Hoàng Văn Tiến cho biết, trẻ em tham gia giải đấu được tài trợ toàn bộ kinh phí đi lại, ăn nghỉ và được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Giải đấu là hoạt động văn hóa thể thao ý nghĩa giúp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thêm cơ hội giao lưu, thể hiện bản thân, tự tin hơn trong cuộc sống; tạo điều kiện cho các em được tham quan các địa điểm du lịch ở những địa phương tổ chức giải.

Đây là một giải đấu bổ ích, được tổ chức còn nhằm mục đích tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về quyền trẻ em và thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam, tạo sân chơi bổ ích và ý nghĩa cho trẻ đang sinh sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội trên toàn quốc.

Đồng thời, phát hiện những trẻ em có năng khiếu bóng đá để bồi dưỡng và bổ sung vào các đội tuyển bóng đá khu vực, quốc gia, kêu gọi cộng đồng xã hội đóng góp nguồn lực để cùng nhà nước hỗ trợ thực hiện quyền trẻ em cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Ngoài tranh giải nhất, nhì, ba, ban tổ chức còn trao giải phong cách, giải đội bóng có tinh thần thi đấu tích cực và các giải cá nhân ở vòng chung kết: Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất; Thủ môn xuất sắc nhất; Cầu thủ xuất sắc nhất; 10 cầu thủ tiêu biểu được chọn.

 

Được biết, để tổ chức được giải bóng đá này dành cho các em có hoàn cảnh đặc biệt, là tâm huyết của và ý tưởng của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhằm tạo ra cho các em một sân chơi vui tươi, bổ ích.

Sáng kiến được Bộ trưởng nêu ra tại buổi tiếp ngài Chủ tịch Làng SOS Quốc tế Siddhartha Kaul vào cuối năm ngoái, và được ngài Siddhartha Kaul bày tỏ sự vui mừng trước sáng kiến nhân văn, mong sớm thành hiện thực để các đối tượng trẻ em này có những hoạt động ý nghĩa.

Trên cơ sở đó, giải bóng đá quốc gia dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt lần thứ nhất năm 2019 đã ra đời. Giải thành công ngoài dự kiến, nhận được sự hưởng ứng và hoan nghênh của chính các em, của các trung tâm bảo trợ xã hội, trường giáo dưỡng, làng trẻ em SOS, và xã hội.

 

Một số hình ảnh tại Đêm Chung kết, khép lại những ngày vui của các em có hoàn cảnh đặc biệt đến từ các nơi trên cả nước:

 - Ảnh 4

Lần đầu tiên, những em nhỏ mồ côi, lang thang cơ nhỡ được cùng nhau thi đấu, giao lưu tại “Giải bóng đá quốc gia dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt 2019”. 

 - Ảnh 5

Những tài năng trẻ thơ ấy đã cống hiến hết mình với một tinh thần thể thao fair play cho sân chơi dành riêng cho các em

 - Ảnh 6

Đội Hà Tĩnh chơi áp đảo, vượt trội

 - Ảnh 7Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Huy chương cho đội bóng Vô địch

 - Ảnh 8

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà trao huy chương bạc cho đội Bộ Công an (Trường giáo dưỡng số 4 - Đồng Nai)

 - Ảnh 9Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng đội bóng vô địch


Thanh Nhung - (Ảnh: Mạnh Dũng)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh