Samsung “tung” hàng mới, góp phần đưa xuất khẩu điện thoại đạt 5,8 tỷ USD, tăng vọt 114,8%
- Huyệt vị
- 21:13 - 03/02/2021
Kim ngạch xuất khẩu điện thoại đứng đầu
Cụ thể, Báo cáo Tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại của cả nước trong tháng 1/2021 được đưa ra chiều ngày 1/2 của Bộ Công Thương cho biết, tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2020, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 1/2021 đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả này do chủ yếu do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm điện thoại di động phiên bản mới S21 và do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2020 rơi vào tháng 1” (tức tháng 1 năm nay có nhiều ngày hơn năm ngoái).
Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2021 ước tính đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27,7 tỷ USD, tăng 50,5%; còn kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 26,4 tỷ USD, tăng 41% .
Tính ra, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 1 ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Trong tháng 1 có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 5,8 tỷ USD, chiếm 20,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 114,8% so với cùng kỳ năm trước.
"Xuất khẩu mặt hàng này tăng mạnh do hãng Samsung cho ra mắt bộ ba sản phẩm mới là Samsung Galaxy S21, Samsung Galaxy S21 Plus và Samsung Galaxy S21 Ultra. Đây được xem là những chiếc điện thoại cao cấp Android mở màn cho làng công nghệ trong năm mới 2021" - Bộ Công thương báo cáo.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Bên cạnh việc tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, đáng chú ý trong tháng đầu tiên của năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 23,96 tỷ USD, tăng tới 54,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 86,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ngoài mặt hàng túi sách, vali, mũ, ô dù có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ (giảm 6,1%), các mặt hàng khác duy trì được tăng trưởng xuất khẩu dương so với cùng kỳ.
Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 48,4%; giấy và sản phẩm giấy tăng 32,5%; hàng dệt và may mặc tăng 3,3%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 114,8%; máy ảnh, máy quay phim và kinh liện tăng 80,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 115,3%...
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 7,5 tỷ USD, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm trước; đứng sau lần lượt là Trung Quốc, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong tháng 1, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,6 tỷ USD, tăng 72,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 2/2021 và những tháng tiếp theo, Bộ Công Thương xác định tập trung chỉ đạo sản xuất, đặc biệt là các dự án trọng điểm ngay từ đầu năm nhằm tạo nguồn hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu…