THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:07

Kon Tum: Người trồng sâm Ngọc Linh vui mừng vì đã có nơi mua sản phẩm

 

Loài sâm quý cần được bảo vệ và phát triển

Sâm Ngọc Linh được các nhà khoa học đánh giá là loại sâm quý nhất thế giới, hơn cả nhân sâm Cát Lâm của Trung Quốc, nhân sâm Trường Bạch Triều Tiên, nhân sâm Tây Dương của Mỹ. Sự quý hiếm của loài sâm Ngọc Linh là vậy, nhưng loài cây này chủ yếu sống trên các đỉnh núi cao từ 1200 mét đến 1800 mét so với mặt nước biển, mà chủ yếu sống ở đỉnh Ngọc Linh nơi tiếp giáp của 3 huyện Đắk Glei, Tu Mơ Rông của Kon Tum và Phước Son của tỉnh Quãng Nam.Nơi đây là vùng xa xôi, hẻo lánh, đường xá đi lại hết sức khó khăn, nơi đây chủ yếu là địa bàn sinh sống của người đồng bào dân tộc thiểu số Dẻ Triêng, Mơ Nông. Người dân nơi đây cho biết , đây là đỉnh Trường Sơn hùng vĩ, thời tiết hết sức khắc nghiệt, hàng năm có tới 7-8 tháng là mùa mưa lạnh và chỉ có 3 – 4 tháng là mùa khô. Vì điều kiện thời tiết như vậy nên rất khó khăn trong điều kiện trồng một số loài cây nông nghiệp phục vụ đời sống cho bà con  và phát triển kinh tế nơi đây. Cuộc sống của bà con sống chủ yếu dựa vào một số gia súc như dê, bò, heo.. và trồng cây Mì ( củ Sắn) và một ít lúa nước. Vì vậy để làm đủ ăn và phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu nơi mảnh đất này không dễ.

Nói về cây sâm Ngọc Linh, loại cây này được Gíao sư Đào Kim Long dẫn đầu đoàn khoa học tìm thấy vào năm 1973 trên đỉnh núi Ngọc Linh, nhưng trước đó từ rất lâu bà con nơi đây đã biết dùng sâm Ngọc Linh để uống làm nâng cao sức khỏe, cầm máu và chữa các bệnh thường thấy ở đây như sốt rét.

Ông A Minh một người dân sống lâu năm tại đây cho biết: “ Tôi sinh ra và lớn lên ở nơi này, đã trãi qua rất nhiều đời già làng rồi. Ngày xưa củ sâm này chúng tôi hay đào về nấu uống nước, ăn sống và phơi khô để dành để chữa một số bệnh mà bà con hay gặp như sốt rét, chảy máu và thậm chí tiêu chảy… Hồi đó loài sâm này cũng như một số loài củ trong rừng mà thôi, bán chẳng ai mua, có nhà nọ cho nhà kia thì lấy, nó không quý bằng gạo và mì đâu. Nhưng mấy năm trở lại đây người Kinh lên mua nhiều, giá lại cao nên bà con đi nhổ từng cái rễ cây sâm về bán, giờ tìm mãi chẳng thấy, đi 2, 3 ngày chưa chắc đã tìm được. Lâu lâu mới tìm được có khi sâm bị hư mất, vì đường đi ra huyện rất xa và bán cho thương lái nhiều lúc lỗ công của chúng tôi”.

Ông A Minh- đang cầm trên tay quả sâm Ngọc Linh để chờ kỷ thuật viên hướng dẫn trồng để bảo tồn loại cây quý hiếm này.

Vui mừng vì có nơi thu mua được giá và hướng dẫn kỹ thuật trồng sâm

Ngày 9/12 vừa qua, tại xã Ngọc Lây, huyện Đắk Glei ( xã nằm trên đỉnh Ngọc Linh) bà con vô cùng vui mừng và phấn khởi khi có một doanh nghiệp đã xây dựng cơ sở chế biến rượu và các sản phẩm từ củ sâm Ngọc Linh.

Ông Ngô Quang Cường, Gíam đốc Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh, Kon Tum, chia sẻ: “Tôi là người quê ở Bắc vào đây đi trồng nấm và thu mua một số sản phẩm từ rừng, nhưng khi thấy sâm Ngọc Linh là một loại dược liệu quý hiếm, có nhiều công dụng có ích cho con người nhưng đang có nguy cơ mai một vì dân ta khai thác và tìm nhổ hết để bán nên tôi và một số người mong muốn giúp cho bà con nơi đây bán sâm đúng giá và nhân giống để trồng, bảo tồn và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con đồng bào nơi đây. Ngoài sâm Ngọc Linh nơi đây cũng đang bảo tồn được gần 1 ha cây Lan Kim Tuyến vì giá trị kinh tế của loài cây này rất cao”.

Ông Ngô Quang Cường, Gíam đốc công ty và cũng là người gắn bó với bà con với cây Sâm Ngọc Linh nơi đây.

Theo quan sát của phóng viên thì gần như tất cả các nhân công vào làm việc ở công ty này là người đồng bào, ở đây họ được hướng dẫn cách ươm giống, cách trồng cây và kỹ thuật chế biến.

Anh A Vương, một thanh niên làm trong công ty cho biết: “Ngày trước công việc của em là đi chăn bò, giúp gia đình làm vườn. Khi rộ lên việc đi tìm sâm để bán thì em cũng như các thanh niên trong làng đi vào rừng, nhưng cây gì tìm và hái nhiều thì cũng hết, bây giờ không còn để nhổ nữa. Mà lúc tìm được Sâm cũng không dễ để bán vì thương lái ép giá thấp, nếu để lâu thì củ sâm bị hư hỏng không dùng được nữa, đi ra ngoài thị trấn thì rất xa. Từ khi có công ty này lên đây họ đã mua sâm đúng giá, tìm về đến đâu là hết đến đó. Giờ đây các em đã xin vào đây làm cho công ty nên cuộc sống ổn định hơn, có lương, có thưởng, khu vườn nhà em cũng được rào lại để trồng sâm bán cho công ty để nâng cao đời sống”.

 

Anh A Vương đang chồng và chăm sóc cây sâm.

Tác dụng và giá trị của cây Sâm Ngọc Linh quý như thế nào, hiếm ra sao đã được các nhà khoa học và các nhà chuyên môn cũng như các thương lái và người dùng Sâm đã được biết. Nhưng để thu mua được giá, lưu trữ cho Sâm không hư hỏng, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật và bảo tồn loại cây này nhằm nâng cao hiệu quả, nâng cao đời sống và phát triển kinh tế cho vùng đặc niệt khó khăn này là một sự cố gắng và có tâm huyết của những người dám nghĩ, dám gắn bó với loài sâm quý và với bà con đồng bào nơi đây.

NGỌC ANH-LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh