CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:26

Sai phạm khó tin trong vụ tàu vỏ thép nằm bờ

 

Mệt mỏi ngồi buồn bã trên tàu thép hoen gỉ, ông Đinh Công Khánh (ngụ huyện Phù Cát), chủ tàu thép Khánh Đỏ nói tàu thép gặp sự cố hỏng máy chính phải nằm bờ ở cảng Đề Gi suốt hai tháng qua khiến kinh tế gia đình rơi xuống vực... khốn cùng. 

Vị chủ tàu than thở tàu mới ra khơi được hai chuyến biển thì trục trặc, hỏng hóc thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Tháng 3, anh em đưa về bờ sửa chữa, sau đó vay mượn tiền thuê lao động, mua lương thực, thực phẩm, đá lạnh, dầu diesel... ra khơi chuyến thứ ba. Ai ngờ tàu vừa nổ máy ra biển 15 phút thì máy nóng đỏ rực như lò lửa, trục pô cũng nóng hừng hực, hỏng luôn sau đó. Khói cuồn cuộn trên nóc tàu nhuộm đen cả vùng trời.

 

Ngư dân tự đưa tàu thép lên bờ sửa chữa ở cảng Tam Quan. ẢnhMinh Hoàng.

 

Hai ngày trước, sau khi nghe kết quả giám định máy chính tàu thép của mình không đúng chính hãng Mitsubishi, không phải máy thủy, nhiều thiết bị đồng bộ... ông Khánh bảo lúc đó "chân tay như muốn rụng rời".

"Tàu của tôi hành nghề lưới vây có 22 lao động. Họ làm ăn gian dối như vậy lỡ tàu hỏng máy giữa thời tiết xấu, sóng lớn nhấn chìm chẳng khác nào đẩy hàng chục sinh mạng con người vào chỗ chết. Tôi nghe kết quả giám định chất lượng tàu thép mà tức không chịu nổi", ông Khánh bức xúc. 

Sai ngoài sức tưởng tượng

Trong văn bản của mình, đại diện Mitsubishi (Nhật Bản) xác nhận thông số công suất và tốc độ động cơ 9 tàu thép của ngư dân Bình Định không đúng theo tiêu chuẩn động cơ thủy của hãng. Mitsubishi cho rằng đã có sự thay đổi mác ghi thông tin của các máy chính trên tàu.

Ngoài ra, các bộ phận bơm nước biển, bộ trao đổi nhiệt và hệ thống trao đổi nhiệt của các máy chính trên tàu không phải thiết kế và cung cấp bởi Mitsubishi.

Riêng tàu của ông Nguyễn Ảnh với động cơ S6R- MPTA, số serial 68051, Mitsubishi xác nhận với số serial này, động cơ nguyên bản từ nhà máy là động cơ sử dụng trên bộ chứ không phải máy thủy. 

 

Nhóm thợ hì hục sửa máy chính trên tàu thép của ông Đinh Công Khánh (ngụ huyện Phù Cát). Ảnh: Minh Hoàng.

 

Sau thời gian dài né tránh, ông Lê Hoàng Phong, Giám đốc công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát (TP HCM) gửi văn bản thừa nhận với tỉnh Bình Định "máy chính không phù hợp với tàu cá ngư dân"; đồng thời cam kết thay máy mới cho ngư dân.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho biết, trong khi chồng gửi văn bản cam kết thay máy mới cho ngư dân thì bà Nguyễn Thị Sinh (vợ ông Phong) đến địa phương nhận sai và xin được cải hoán máy hỏng cho ngư dân. 

"Sai thì phải có trách nhiệm thay máy mới cho bà con chứ không sửa chữa. Cái sai này quá nghiêm trọng, tôi đề nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố xử lý hình sự mới thỏa đáng", ông Công quả quyết. 

Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho biết thêm bà Sinh thừa nhận công ty cung cấp máy cho tàu thép có ký hiệu là máy bộ chứ không phải máy thủy.

"Việc làm sai trái này ngoài sức tưởng tượng của tôi. Ai đời đi lấy động cơ trên bộ đem xuống lắp thay cho máy thủy. Cán bộ đăng kiểm giám sát mà không phát hiện được sự nhầm lẫn này là quá vô lý", ông Công nói. 

Về vấn đề này, ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định, phân tích đặc thù của máy thủy là hoạt động suốt ngày đêm trên biển. Hệ thống làm mát, vật liệu chống ăn mòn, máy thủy có lớp vỏ bảo quản chống oxy hóa bên ngoài... hoàn toàn khác với động cơ sử dụng trên bộ. Máy bộ mà đưa xuống lắp thay cho máy thủy thì khó thể đồng bộ, hoạt động lâu dài được. 

 

Máy chính liên tục gặp sự cố khiến ống khói tàu thép mới bàn giao đã nhuộm đen. Ảnh: Minh Hoàng.


Bộ Công an điều tra nguồn gốc "máy rởm"

Để khắc phục những vấn đề tồn tại này, ông Phúc cho hay, các chuyên gia Tổ giám định độc lập Bình Định đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu thay mới toàn bộ 10 máy chính không đồng bộ cho ngư dân (kể cả máy của ông Lê Hoài Thanh chưa được thẩm định nhưng cũng trang bị máy chính S6R-MPTA); thay mới máy chính Doosan cho ông Trần Đình Sơn.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu cũng cam kết đối tác sẽ vận chuyển bảy máy đến Bình Định, lắp hoàn thành trước ngày 15/7. Những máy còn lại sẽ được thay thế trong tháng 8.

Cùng lúc, Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an) đã thu giữ hồ sơ, hợp đồng phục vụ điều tra về nguồn gốc máy tàu thép. 

Theo điều tra bước đầu, Công ty Hoàng Gia Phát đã cung cấp máy không đúng với hợp đồng. Trong khi hợp đồng ghi là máy thủy Mitsubishi mới (gồm máy có công suất 940 HP và 811 HP) nhưng đơn vị này lại cung cấp máy không đồng bộ, máy cải hoán; hợp đồng mua máy có công suất 940 HP nhưng lại giao máy có công suất 800 HP...

 

Đăng kiểm viên yếu năng lực

Ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, cho biết  khi kiểm tra máy tàu, rõ ràng đầy đủ hồ sơ, có ghi là máy thủy, mới 100% nên cán bộ đăng kiểm mới cho lắp ráp vào tàu. Khi lắp đặt thực tế và chạy thử thì máy vẫn hoạt động bình thường nhưng bàn giao về cho ngư dân đưa ra khơi đánh bắt thì gặp sự cố.

"Sau khi kiểm tra thì máy tàu được làm giả tinh vi, trình độ của đăng kiểm viên yếu năng lực nên không phát hiện đâu là thật, giả. Hiện các cơ quan chức năng chưa phát hiện ra tiêu cực của đăng kiểm viên", ông Đức nói. 

Trong quá trình nghiệm thu phần máy chính trước khi Công ty TNHH MTV Nam Triệu lắp trên các tàu cá vỏ thép, các đăng kiểm viên khẳng định máy mới 100% đồng ý chuyển bước lắp đặt trên tàu. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra trước và sau khi lắp đặt máy của các đăng kiểm viên đã không kiểm tra kỹ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (CO), chứng nhận chất lượng (CQ)...

 

 

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh