THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:12

Sách được in, mình mới tin làm được

Tuy nhiên, cũng như số phận của các cuốn sách tư liệu nghiên cứu khác, cuốn “Những trận chiến trên bầu trời Việt Nam-Nhìn từ hai phía” dù đã có mặt trên kệ của nhà sách nhưng vẫn dừng ở số lượng hạn chế. Vì sao số lượng sách còn hạn chế? Mời các bạn theo tôi tìm hiểu sự ra đời của cuốn sách này. Không đến mức ly kỳ, nhưng cũng thật gian nan...

Ông Nguyễn Sỹ Hưng và ông Hà Quang Hưng

Từ ý tưởng…

Ngày 19/5/2009, trong chuyến công tác tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang châu Âu, ông Nguyễn Sỹ Hưng-nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) - cựu phi công tiêm kích, cùng cơ trưởng Nguyễn Nam Liên - là phi công dân dụng, nhưng lại rất say mê tìm hiểu về phi công tiêm kích, đã chuẩn bị một bài phát biểu nhân kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ và đề nghị Chủ tịch nước cho phép phát thanh bài này trên chặng bay từ Thụy Sỹ sang Phần Lan. Đây không biết có phải là lần duy nhất có một bài phát biểu kỷ niệm ngày sinh của Bác được phát ngay trên bầu trời châu Âu hay không, nhưng quả thật, tôi rất ấn tượng với ý tưởng "đầy ý nghĩa và ý thức chính trị" của Vietnam Airlines.

Khi nghe báo cáo, Chủ tịch nước rất vui, biểu dương tình cảm của cán bộ tổ bay đối với Bác Hồ và đồng ý cho cơ trưởng phát trên hệ thống phát thanh của chiếc máy bay Boeing-777 vào lúc 9 giờ sáng khi đang bay trên không phận nước  Pháp - nơi Bác đã bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, tìm đường cứu nước. Toàn bộ hành khách trên chuyến bay bất ngờ và xúc động khi nghe bài phát biểu của cơ trưởng về Bác Hồ kính yêu ngay trên bầu trời châu Âu trong xanh trong một sáng tháng 5.                

Gần một năm sau, ông Nguyễn Sỹ Hưng và cơ trưởng Nguyễn Nam Liên lại có dịp gặp lại các Anh hùng không quân trong buổi gặp mặt giữa Việt Nam Airlines và các cựu chiến binh không quân tại Hà Nội. Tại buổi gặp, ông Nguyễn Sỹ Hưng đã có bài phát biểu về tâm nguyện viết lại gần 400 trận không chiến hào hùng của Không quân nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Sau cuộc gặp, các ông Nguyễn Sỹ Hưng và Nguyễn Nam Liên còn có một số buổi trao đổi về đề tài này. Thời điểm lựa chọn để bắt đầu được khẳng định khi ông Sỹ Hưng nói với ông Nam Liên:  “Chúng ta sẽ bắt tay thực hiện cuốn sách sau khi tôi nghỉ hưu nhé!”

Những cuốn sách tham khảo bằng tiếng Anh, tiếng Nga.

* … đến thực hiện

Tháng 11/2011, sau khi nghỉ hưu được một tháng, ông Sỹ Hưng đã mời các cựu phi công MIG đến uống trà tại phòng khách rộng 10m2 của mình, và trong cuộc hội ngộ tâm huyết của  6 cựu phi công tại Hà Nội thì khát vọng “Những trận không chiến…” mới thực sự được thổi bùng lên thành ngọn lửa. Sáu người đó là Hà Quang Hưng, đại tá phi công Mig21, một người nắm giữ nhiều tài liệu quý về Không quân Việt Nam cũng là người đau đáu tâm nguyện viết được điều gì đó về thế hệ Mig21; Nguyễn Xuân Phong, cựu phi công, sỹ quan dẫn đường; Nguyễn Sỹ Hưng, trung tá cựu phi công Mig21; Nguyễn Văn Quang, đại tá phi công Mig21; đại tá Vũ Đình Rạng, cựu phi công Mig-21 và đại tá Nguyễn Thanh Quý, cựu phi công Mig-21. Ở phía Nam, có sự góp mặt của của cơ trưởng Nguyễn Nam Liên và đại tá Lữ Thông. Ngay sau “cuộc gặp lịch sử” ông Nguyễn Sỹ Hưng làm một bức thư gửi xin ý kiến thường trực Ban liên lạc cựu phi công, đồng thời lên đề cương cho cuốn sách.

Kể từ lúc này, nhóm tác giả lao vào một “trận chiến mới”. Đó là lao động sáng tạo, chọn lọc các dữ liệu từ các nguồn tin cậy nhất từ cả hai phía, thảo luận với với nhau về cách tiếp cận và hình thức thể hiện cuốn sách. Hàng ngàn trang tài liệu của phía Việt Nam, với gần 100 cuộc phỏng vấn các anh hùng phi công, các cựu chỉ huy Không quân Việt Nam, cùng hàng trăm cuốn sách tư liệu bằng các thứ tiếng Anh, Nga do các phi công kỳ cựu, các nhà nghiên cứu không quân nổi tiếng trên thế giới và của Mỹ viết đã được nhóm tra cứu, tổng hợp. Viết theo phong cách nào? Dữ liệu đối chiếu rồi bình luận hay viết theo lối mòn sách sử như những cuốn “sách cúng cụ” khác đã từng? Đó cũng là việc cần phải bàn cho “nát nước” mới thôi.

Dự án sách thực hiện được chừng vài tháng thì nhóm tác giả bổ sung thêm đại tá Từ Đễ và đại tá Nguyễn Công Huy, trong khi có hai người do lý do sức khoẻ không tiếp tục tham gia. 

Sau 8 tháng làm việc "hết công suất” thì tập bản thảo đầu tiên đã có. Cầm bản thảo dày hơn một 1.000 trang trên tay, ông Hà Quang Hưng nói đùa vẻ bi quan: “Sách như cục gạch thế này, mất công mà chưa chắc đã được duyệt in!”. Lo lắng của ông không phải không có lý do, bởi gần đây, sách tư liệu vốn đã là mảng sách khó được các nhà xuất bản duyệt, vì cần phải có thời gian kiểm định chất lượng, đương nhiên để có thể kiểm định cần phải có người am hiểu lĩnh vực. Hơn nữa, đây là một cách thể hiện hoàn toàn mới so với tư duy làm sách tư liệu cũ. Cách này đưa thông tin đa chiều, tất nhiên là thông tin đã được nhóm tác giả lựa chọn kỹ lưỡng bằng trình độ chuyên môn, kỹ thuật cũng như khả năng phân tích giúp độc giả nhận định một cách chính xác nhất.

Thành công của cuốn sách ngoài nỗ lực của nhóm tác giả phải nói đến sự ủng hộ, động viên và tham gia rất nhiệt tình của các cựu Thủ trưởng Quân chủng, các cố vấn của cuốn sách. Có cố vấn đã thức đến 2-3 giờ sáng để sửa trực tiếp vào bản thảo. Ông Nguyễn Sỹ Hưng đã mang bản thảo đến nhà các tướng lĩnh, các anh hùng đã trực tiếp tham chiến để phỏng vấn và xin ý kiến.

Sách xong rồi, đặt tên sách như thế nào? Đây cũng là một công việc tốn nhiều thời gian của nhóm tác giả, đặc biệt là cụm  từ “nhìn từ hai phía". Đã có lúc cụm từ này phải gạch đi, nhưng rất may là một ngày trước khi đưa đi in, nhóm đã quyết  định giữ lại cụm từ này.

Tên sách đã có, đến phần bìa cũng tiêu tốn khá nhiều công sức, thời gian của nhóm tác giả. Ban đầu bìa 1 cuốn sách được họa sỹ thiết kế Từ Phương Thảo (con gái đại tá Từ Đễ) thiết kế có hình ảnh của bốn phi công nổi tiếng. Phía Việt Nam là Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Cốc, phía Mỹ là trung tướng S.Ritchie, tướng R.Old, nhưng rồi do có những vướng mắc pháp lý liên quan đến chân dung hai vị phi công Mỹ trên bìa cuốn sách mà chưa có sự đồng ý bằng văn bản, nên ông Sỹ Hưng mặc dù rất thích phương án này nhưng đành quyết định không sử dụng.

Tôi hơi tiếc cho nhóm tác giả, vì đã được nhìn mẫu bìa ban đầu khá đẹp, hiện đại, phong cách Âu-Mỹ. Giá như bìa đó được sử dụng thì cuốn sách “Những trận không chiến…” trên kệ sẽ thu hút độc giả ngay lập tức, khác hẳn với mẫu bìa đang sử dụng- một motip bìa cũ giống hàng loạt sách lịch sử mà chúng ta thường thấy trong thư viện, nhạt nhòa không có tính sáng tạo khác hẳn với nội dung cuốn sách vô cùng giá trị này.

Tôi nói cuốn sách giá trị vì nếu bạn muốn biết thông tin về lịch sử Không quân Việt Nam bạn chỉ cần tra cứu “Những trận không chiến…” là bạn đã có đủ. Kể cả những thông tin khá nhạy cảm, như các trận đánh có tổn thất, các thông tin về các phi công đã hy sinh, trong cuốn này có thể nói là đầy đủ nhất thay vì bạn phải tra cứu từng quyền lịch sử của trung đoàn, sư đoàn… lên tới mấy chục cuốn. Cũng trong cuốn sách này, bạn sẽ bắt gặp những thông tin, nhận định của tướng lĩnh, chính khách Mỹ mà mất cả năm đọc mấy chục cuốn sách tư liệu bằng tiếng Anh, tiếng Nga mới có thể có. Cũng qua đọc cuốn sách này tôi đã trả lời được một số câu hỏi mà từ lâu tôi vẫn thắc mắc, ví dụ như nguyên nhân tại sao các số liệu thống kê về số máy bay bị bắn rơi của hai phía lại “vênh” nhau khá nhiều như vậy?  Nhân thể, qua cuốn sách này khẳng định thêm rằng vấn đề lưu trữ từ phía Mỹ đã được chính phủ và quân đội Mỹ triển khai khá bài bản từ rất lâu. Cùng trong một thời điểm xảy ra chiến tranh nhưng phía Mỹ lưu trữ khá đầy đủ bằng văn bản.

… và kết quả.

Phải là những ai đã từng viết sách mới thấu hiểu được nỗi gian truân của việc này, cho nên khi ông Nguyễn Sỹ Hưng nói “Cầm được cuốn sách đã in mới tin mình làm được” thì dường như niềm vui đã không thể nói thành lời đối với nhóm tác giả. Cuốn sách ra được trong một thời gian ngắn với cường độ làm việc khẩn trương trong vòng một năm, chứng tỏ tâm huyết của nhóm tác giả không vô ích. Các ông đã dồn tất cả tâm huyết và công sức để hoàn thành công trình, mà nhiều người đánh giá như cuốn "Tiểu bách khoa thư" về không chiến trong chiến tranh Việt Nam.

Hiện cuốn sách “Những trận không chiến…” đã và đang được những người yêu thích nghiên cứu lịch sử quân sự tìm đọc, cuốn sách cũng đang được các trường quân sự sử dụng làm tài liệu tham khảo và bổ trợ trong giảng dạy cho sinh viên.

Và giờ đây, tôi ước gì nó được dịch ra tiếng Anh để có thể xuất bản cho cả độc giả quốc tế được biết, giúp họ hiểu hơn về một thế hệ Không quân Việt Nam hào hoa mặt đất, hào hùng trên không trong suốt những năm chiến tranh từ 1965-1973 rất đáng tự hào!

Xin chân thành cảm ơn nhóm tác giả!

Thủy Hướng Dương- tác giả cuốn “Chúng tôi và Mig17”

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh