THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:57

"Rừng" camera giám sát giao thông để làm gì?

 

Hàng loạt camera cùng chĩa về một hướng

Ngã tư Kim Mã - Núi Trúc hiện có tới 12 camera giám sát. Có vị trí, các camera được lắp cùng chiều, cùng hướng đến một điểm nhìn. 
Cách đó không xa, nút giao Nguyễn Thái Học - Cửa Nam được lắp 9 camera giám sát giao thông. Nút giao thông Điện Biên Phủ - Trần Phú cách nút giao Nguyễn Thái Học - Cửa Nam vài trăm mét, mỗi chiều cũng được lắp 2 camera đặt gần nhau trên cùng một cần vươn. 
Điểm dày đặc “mắt thần” nhất tại nội thành Hà Nội phải kể đến nút giao Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch. Xung quanh nút giao này,  có đến hơn 20 camera. Cá biệt có vị trí có đến 6 camera cùng quay ống kính về một hướng.
Sáu trong hơn 20 camera tại nút giao Xã Đàn – Phạm Ngọc Thạch cùng chĩa về một hướng. Ảnh: Sỹ Lực

Trung tá Huỳnh Tấn Nam, Đội trưởng Đội chỉ huy giao thông và Điều khiển đèn tín hiệu giao thông (Phòng CS, Công an thành phố Hà Nội)  cho biết: Hiện nay, Trung tâm đang quản lý 578 camera các loại. Tại nút giao Kim Mã - Núi Trúc, CSGT kiểm soát toàn bộ 12 camera nhưng có các chức năng khác nhau: 3 camera đo đếm lưu lượng, 1 camera quan sát và 8 camera xử lý vi phạm
Ông Nam cho hay, đây là những nút giao thông quan trọng, ngoài camera của CSGT ở trên còn có camera của các đơn vị khác như Công an quận, Cục Cảnh sát Bảo vệ phục vụ an ninh, dẫn đoàn Nhà nước, quốc tế... Ngoài ra, một số lượng camera không nhỏ tại Hà Nội do kênh VOV giao thông thuộc Đài tiếng nói Việt Nam đầu tư. 
Khó dùng để phạt nguội
Bến xe buýt trên Phạm Hùng, đoạn đối diện Bến xe Mỹ Đình tụ điểm xe khách dừng đỗ đón khách, gây ùn tắc nặng nề. Các đoàn kiểm tra của Bộ GTVT, Ủy ban ATGT quốc gia nhiều lần đề nghị ban ngành Hà Nội lắp camera theo dõi. Tuy nhiên, camera được lắp sau đó lại chĩa về phía ngã tư Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết mà không có camera chĩa vào điểm nóng nêu trên. Thành ra, ngay phía sau camera có nhiều xe khách nối đuôi nhau chạy kiểu “rùa bò”, gây ách tắc nặng nề. 
“Có nhiều điểm như Bến xe Mỹ Đình, cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy có lưu lượng giao thông lớn hay trước các cổng bệnh viện như Bạch Mai rất đông xe taxi dừng đỗ bắt khách chúng tôi đã đề nghị cần sớm lắp camera để bên CSGT nắm tình hình sẽ kịp thời chỉ đạo các lực lượng liên quan, hay chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý đảm bảo tính chỉ đạo thống nhất về một mối” - trung tá Nam đề nghị.
Trung tá Nam cho hay, những điểm phức tạp này phát sinh sau khi việc lắp camera được thực hiện theo dự án của toàn thành phố do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư. Còn cơ quan công an, theo chức năng nhiệm vụ sau khi dự án hoàn thành mới được bàn giao để khai thác.
Ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội xác nhận, Sở GTVT Hà Nội là bên thực hiện dự án, sau đó chuyển giao cho CSGT. Về những điểm được cho là còn thiếu hoặc chưa hiệu quả, ông Hà cho biết phải khảo sát, đánh giá lại vì đầu tư hệ thống camera rất tốn kém.   
Đặc biệt, theo ông Hà, hệ thống camera này gồm nhiều chủng loại. Có loại chỉ có chức năng quan sát, có loại có chức năng đếm được lưu lượng xe và một số không lớn mới có chức năng ghi nhận và xử phạt vi phạm giao thông. 
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền, điều tra tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) đề nghị: “Chúng tôi mong muốn thời gian tới sẽ xây dựng được quy chuẩn cơ bản và hợp nhất hệ thống camera xử lý hình ảnh vi phạm trong lĩnh vực giao thông; thậm chí tận dụng được hết các camera kể cả trong nhà dân. Trước hết, việc lắp camera giao thông, xử lý hành chính bằng hình ảnh, cần phải có sự chuẩn hóa nhất định". 

Theo Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh