THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:33

Rồi cá lại đầy khoang

Không nản lòng, biển cả vẫn mang lại ân huệ

Dõi theo thời tiết để tiếp tục vươn khơi xa, ngư dân Lê Văn Bảy (Vạn Ninh, Khánh Hòa) đúc rút rằng: Nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản đã yêu thì không bỏ được. Càng ngày thời tiết càng có những biến đổi cực đoan, có chuyến vươn khơi gần tháng trở về chỉ đủ trang trải tiền dầu, xăng. Thậm chí phải nợ tiền công bạn thuyền đi cùng. Thế nhưng, không thể bỏ được vì tình yêu nghề. 

 Bởi vậy, đã bao đời nay, hàng trăm gia đình ở Vạn Ninh cha truyền, con nối đều đi biển. Có đận đánh bắt lẫn nuôi trồng đều thất bát nhưng biển luôn mang lại ân huệ. Để tận dụng tối đa sức lao động, linh hoạt ứng phó với biến động của thời tiết, các xóm "ngư phủ" còn phân chia lao động hợp lý. Trai tráng lực lưỡng thì vươn khơi, bám các ngư trường. Phụ nữ cần mẫn chăm chút những lồng bè.

Nhìn chiếc tàu đã gắn với mình gần nửa thế kỷ, ông Trần Văn Tám (Vạn Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hòa) tâm tình rằng: Nếu biển là nhà thì tàu là bạn tri kỷ. Khi ra khơi xa, mỗi chiếc tàu còn như một cột mốc nơi biển khơi, góp sức bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.  

Nhiều ngư dân vừa vươn khơi một tháng trở về, sản lượng đánh được rất ít, giá dầu và nhân công lại tăng cao. Tiền không nhiều. Thế nhưng niềm hy vọng vẫn ở phía trước. Tin rằng, chuyến ra ngư trường sắp tới sẽ bội thu.

Ngư dân Phước Đồng (Nha Trang) luôn yêu nghề biển

Ngư dân Phước Đồng (Nha Trang) luôn yêu nghề biển

 

Sống ở làng bè trong Vịnh Vân Phong (Vạn Ninh) gần trọn đời, bà Nguyễn Thị Thanh chia sẻ: Chồng và con trai thì đánh bắt khơi xa. Chị em phụ nữ thì nuôi cá bè. Có những mùa mưa bão, gánh chịu thiệt hại chồng chất. Tàu thuyền vươn khơi trở về cũng chẳng đầy khoang. Vậy nhưng người nọ vẫn cứ động viên người kia khẩn trương gia cố, dựng bè, mua thêm hàng triệu con giống. Có bội thu thì cũng phải có lúc mất mát. Nếu nản lòng thì sẽ thiếu hụt đi nguồn cung ứng thủy, hải sản cho người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay. 

Luôn sát cánh bên ngư dân, thương lái Đào Long (Vạn Ninh, Khánh Hòa) bộc bạch: Làm kinh doanh du lịch biển nhưng yêu nghề nuôi trồng hải sản quá nên cũng đã thiết lập lồng bè để nuôi. Giữa mênh mông biển cả, thiếu kinh nghiệm nên nhiều lần thất bại. Thương những ngư dân bốn mùa da sạm đi vì nắng gió nên chuyển sang thu mua. "Thấy có chuyến họ đi đánh bắt nhiều ngày trở về được ít quá, mình mua hết. Có khi tờ mờ sáng đã chầu trực ở cảng. Có ngày mua vào bán ra hàng tấn, không lời lãi đồng nào vẫn vui. Nếu mình bán ra giá cao thương người mua, mua vào giá thấp quá lại tội ngư dân”- bà Đào Long chia sẻ.  

Tự tin nơi biển cả 

Cũng như các làng "ngư phủ" ở Vạn Ninh, hàng trăm ngư dân chuyên làm nghề đánh bắt khơi xa ở Phước Đồng (Nha Trang, Khánh Hòa) xem biển cả là nơi nuôi sống, tạo dựng nên thôn xóm. 

Nhìn những dãy nhà khang trang bên cảng Hòn Rớ (Phước Đồng, Nha Trang, Khánh Hòa), ngư dân Huỳnh Tấn quả quyết rằng: Các xóm ngư phủ như đô thị đó cũng nhờ thành quả từ các chuyến vươn khơi cả. Thời gian gần đây khó khăn hơn vừa vì dịch bệnh, thời tiết không thuận nhưng ai cũng một lòng sắt son tình yêu biển.  

Hết cuồng nộ của thời tiết lại đến ngày bình yên thôi. Trong bổi cảnh dịch COVID-19, ngư dân vươn khơi cũng phải đáp ứng nhiều yêu cầu nghiêm ngặt hơn như: Đã tiêm vaccine COVID-19; đăng ký lịch trình chặt chẽ… Nhưng tất cả điều ấy cũng là để bảo vệ an toàn cho bản thân cũng như các bạn thuyền, đồng nghiệp. 

Sau vài tháng "dưỡng sức", háo hức chờ chuyến vươn khơi mới, ngư dân Nguyễn Mười (Phước Đồng, Nha Trang) tin tưởng: Rồi cá lại đầy khoang thôi. Hầu hết ngư dân đều đã được tiêm vaccine COVID-19 nên đã sẵn sàng vươn khơi xa. Chỉ cần sóng yên, biển cả không gầm gào lên nữa thì lại có cá biển cung ứng cho thị trường.  

Ngư dân Khánh Hòa vươn khơi xem biển như nhà

Ngư dân Khánh Hòa vươn khơi xem biển như nhà

 

Vươn khơi, các chủ tàu, thợ đánh cá một lòng đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Ở các làng bè cũng vậy. Dẫu làm nghề nuôi lồng bè này như "đánh cược" với thời tiết. Yên bình thì thu lời lớn, bất thường thì điêu đứng. Nhưng nếu chán nản thì càng thêm bết bát.  

Sống giữa những đồng tôm, bè cá rộng lớn, từ làng bè này sang xóm bè khác ngư dân nhắn nhủ nhau làm quen và hiểu dần "lịch trình" của mưa nắng. Ngư dân Nguyễn Hậu ở Đầm Nha Phu (Nha Trang, Khánh Hòa) thổ lộ: Khánh Hòa như cái vựa thủy hải sản khổng lồ phục vụ cho cả xuất khẩu, không thể nhạt phai tình yêu nghề được.  

Xưa kia chỉ biết đánh bắt nhưng nay hầu hết ngư dân đều tích hợp "3 trong 1". Nghĩa là một người vừa biết đánh bắt, nuôi trồng vừa biết buôn bán nữa. Năm tháng trôi đi có thể mài mòn nhiều thứ nhưng ký ức của những cư dân ở các làng bè về "mẹ biển" luôn khắc sâu. Những khoảnh biển từng mướt mồ hôi đóng cọc thăm dò, xước rách bàn tay để dựng ván gỗ làm nhà trên các bè trở thành một phần ký ức. Từ đó cứ sau mỗi lần thất bát, hy vọng lại được thắp lên để có hàng ngàn tấn cá sạch tỏa đi khắp nước và vươn ra xuất khẩu.                                                                                                                          

  

HÀ VĂN ĐẠO

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh