THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:16

Reuters: Foxconn và nhiều công ty châu Á tính chuyện dịch chuyển sang Mexico vì rủi ro ở Trung Quốc ngày càng lớn

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin thân cận cho biết hai nhà sản xuất Foxconn và Pegatron của Đài Loan (Trung Quốc) đang xem xét việc mở nhà máy mới ở Mexico trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 buộc họ phải tính toán lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đó, 2 công ty này có thể đầu tư hàng tỷ USD vào nền kinh tế lớn thứ hai ở khu vực Mỹ Latinh trong vài năm tới. Đây sẽ là "cơ hội vàng" cho nền kinh tế Mexico vốn đang ở trong thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng 1930.

Foxconn và Pegatron là những nhà thầu lớn của một vài công ty điện thoại thuộc hàng lớn nhất thế giới, trong đó có Apple. Hiện vẫn chưa rõ họ sẽ làm việc với công ty nào của Mexico.

Theo 2 nguồn tin thân cận, Foxconn có kế hoạch sử dụng nhà máy ở Mexico để sản xuất iPhone. Tuy nhiên 1 nguồn tin khác lại cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy Apple trực tiếp tham gia vào kế hoạch này. Nhiều khả năng từ nay đến cuối năm Foxconn sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về nhà máy mới.

Trong khi đó Pegatron được cho là đang thực hiện những cuộc đàm phán đầu tiên với các ngân hàng về việc mở nhà máy mới chủ yếu sản xuất chip và các linh kiện điện tử khác tại Mexico.

Foxconn hiện có 5 nhà máy ở Mexico nhưng chủ yếu sản xuất tivi và máy chủ. Nếu Foxconn mở nhà máy lắp ráp điện thoại ở đây, sự kiện sẽ thể hiện rõ ràng làn sóng chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Kế hoạch này cũng phù hợp với chủ trương mang hoạt động sản xuất về quê nhà của Washington. Chính quyền Trump đang nghiên cứu đưa ra những ưu đãi tài chính để khuyến khích các công ty dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ châu Á về Mỹ cũng như các nước Mỹ Latinh và Caribe.

Ngoài việc có thỏa thuận thương mại tự do (vừa được điều chỉnh lại) với thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, Mexico cũng có những lợi thế về địa lý, chi phí nhân công và múi giờ. Bất chấp kinh tế toàn cầu suy thoái và những lo lắng về môi trường kinh doanh dưới thời Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador, dữ liệu chính thức cho thấy kể từ đầu năm đến nay lượng vốn FDI đổ vào Mexico vẫn tăng mạnh.

Foxconn từng khẳng định mặc dù vẫn đang tiếp tục mở rộng hoạt động trên toàn cầu và hiện là "nhà đầu tư tích cực" ở Mexico, hãng hiện không có kế hoạch tăng đầu tư ở thị trường đây. Hôm 12/8, Chủ tịch Foxconn Liu Young-way phát biểu tại 1 hội nghị nhà đầu tư diễn ra ở Đài Bắc rằng thế giới đang bị chia thành 2 nhóm vì căng thẳng Mỹ - Trung và công ty của ông sẽ "cung cấp 2 chuỗi cung ứng để phục vụ cả 2 thị trường".

"Công xưởng thế giới không còn tồn tại nữa", ông khẳng định và bổ sung thêm rằng hiện khoảng 30% sản phẩm của Foxconn được làm ra bên ngoài Trung Quốc. Con số sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Sharp, công ty Nhật Bản đã bị Foxconn mua lại, cho biết đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất tivi ở Mexcio. Năm ngoái Sharp tuyên bố sẽ chuyển 1 phần hoạt động sản xuất ở Trung Quốc sang Việt Nam.

Luxshare Precision Industry, công ty dẫn đầu sản xuất tai nghe Airpods cho Apple, cũng đang xem xét mở nhà máy ở Mexico để giảm thiểu tác hại từ cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Mexico cho biết Foxconn quan tâm đến việc xây thêm nhà máy ở Ciudad Juarez, 1 địa điểm thuộc bang Chihuahua nằm gần biên giới với Mỹ.

Đại dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng xuyên Thái Bình Dương gần như bị đóng băng, gây thiệt hại cho các công ty sản xuất ô tô, điện tử và dược phẩm đặt nhà máy ở Trung Quốc. Sự kiện này càng khiến các công ty phải suy nghĩ lại về việc đặt cơ sở sản xuất ở nơi cách người tiêu dùng Mỹ cả 1 đại dương.

Thêm vào đó, thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ - Mexico – Canada cũng yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa cao hơn để có thể được miễn thuế khi xuất khẩu vào Mỹ.

Dù tiềm năng là rất lớn và các con số cũng thể hiện rõ ràng làn sóng đầu tư mới, nhiều người cho rằng Tổng thống Lopez Obrador đang bỏ lỡ cơ hội lịch sử. Hiện Mexico đang có số ca tử vong vì Covid-19 cao thứ ba thế giới vì xử lý dịch bệnh yếu kém. Thêm vào đó ông Obrador đôi lúc can thiệp vào các quyết định đầu tư của khu vực tư nhân, ví dụ như hủy bỏ khoản đầu tư 1 tỷ USD của 1 công ty Mỹ hay xóa bỏ hoàn toàn dự án xây sân bay mới và gây nhiều áp lực cho các công ty năng lượng.

 

Thu Hương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh