THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:22

Raya và Rồng thần cuối cùng - hành trình chinh phục lòng tin của con người

Raya và Rồng thần cuối cùng - hành trình chinh phục lòng tin của con người - Ảnh 1.

Raya và Rồng thần cuối cùng là bộ phim hoạt hình đầu tiên của Disney lấy cảm hứng từ văn hóa Đông Nam Á

Phim chính thức ra rạp tại Mỹ ngày 5/3/2021; ra mắt trên nền tảng Disney+ cùng ngày và được công chiếu tại nhiều rạp trên khắp thế giới ít ngày sau đó, Raya và Rồng thần cuối cùng đã thu về 8,6 triệu USD tại phòng vé Bắc Mỹ chỉ trong tuần đầu công chiếu.

Bộ phim cũng thành công tại phòng vé thế giới với doanh thu 26 triệu USD trong đó hai thị trường Trung Quốc và Nga lần lượt đạt mốc 8,4 triệu USD và 2,8 triệu USD. Tại thị trường Việt Nam, phim thu khoảng 4,2 tỷ đồng (khoảng 182.000 USD) trong tuần đầu ra mắt.

Raya và Rồng thần cuối cùng kể về một vương quốc huyền bí có tên là Kumandra – vùng đất mà loài rồng và con người sống hòa thuận với nhau. Tuy nhiên, một thế lực đen tối bỗng đe dọa bình yên nơi đây, loài rồng buộc phải hy sinh để cứu lấy sự tồn vong của loài người.

500 năm sau, thế lực ấy bỗng trỗi dậy khi thủ lĩnh các vùng đất vì sự bán tín bán nghi về sức mạnh của một viên ngọc mà quay ra mâu thuẫn, tranh giành và làm thế lực đen tối thức giấc. Thời gian này, nhiều vùng đất đã không còn sự sống; muông thú cùng với loài người hóa đá; một số vùng đất còn sót lại luôn trong trạng thái thấp thỏm, lo lắng.

Trong bối cảnh này, Raya - nữ chiến binh duy nhất mang trong mình trọng trách đi tìm Rồng Thần cuối cùng trong truyền thuyết phải tiếp cận các vương quốc khác để tìm kiếm những mảnh ngọc đã vỡ để cứu lấy vương quốc và hồi sinh sự sống cho cha cô.

Và… thông qua cuộc hành trình nhiều khó khăn và nguy hiểm của Raya, nhiều chi tiết, tình tiết, giá trị và thông điệp đã được hãng phim thể hiện công phu với tinh thần nhân văn sâu sắc.

Về bối cảnh, phim lấy bối cảnh từ đời sống cộng sinh, văn hóa tại sứ Kumandra - một không gian viễn tưởng đại diện cho Đông Nam Á với 5 vùng đất trong đó Long Tâm là nơi canh giữ báu vật rồng. Ngoài Long Tâm, các vùng đất còn lại gồm Long Nha, Long Cốt, Long Vĩ và Long Trảo. Đây đều là các bộ phận cấu tạo của rồng. Đây cũng là 5 vùng đất nắm giữ 5 mảnh ngọc rồng sau khi báu vật bị vỡ khiến thế lực hắc ám trỗi dậy và xâm chiếm các nền văn minh. Raya - công chúa cuối cùng của vùng đất Long Tâm là người đi tìm kiếm những mảnh ngọc vỡ còn lại và cũng là người đối đầu với 4 vùng đất bất hòa còn lại.

Có thể thấy, số 5 hoàn toàn là một sự sắp đặt có chủ ý của Disney như đại diện của 5 châu lục đang có sự hiện diện của đời sống con người trên trái đất. Giữa các châu lục này luôn có những bất hòa khó giải quyết bằng lời.

Về nhân vật, tình tiết, nhà sản xuất phim đã khéo léo lồng ghép vào nhân vật một số tính cách, phẩm chất riêng biệt, vừa đối lập nhưng cũng vừa thống nhất.

Raya và Rồng thần cuối cùng - hành trình chinh phục lòng tin của con người - Ảnh 2.

Raya và Rồng thần cuối cùng - hành trình chinh phục lòng tin của con người - Ảnh 3.

Raya và Namaari - những công chúa đại diện cho vùng đất Long Tâm và Long Nha. Trong khi một người cả tin thì người còn lại mang tính cách đầy mưu mô. Raya và Namaari vừa là bạn xong cũng là kẻ thù; là những người gây ra thảm họa đồng thời cũng là những người khép lại câu chuyện khi công chúa Long Tâm đã dùng sự hóa đá của bản thân để chiến thắng sự nghi kỵ lẫn nhau của đại diện các vùng đất còn lại.

Trong phim, Công chúa Raya của xứ Long Tâm - hộ vệ của ngọc rồng, với sự ngây thơ của một đứa trẻ đã vội đặt lòng tin vào người khác và vô tình tiếp tay cho kẻ thù cướp đi viên ngọc quyền năng, cũng như làm lũ Druun sống dậy sau hơn 500 năm và càn qua 5 vùng đất trong đó có cả cha cô - thủ lĩnh Benji. Suốt 6 năm độc hành đi tìm vị rồng thần Sisu để sửa sai sau đó, Raya vì bóng ma trong quá khứ mà chẳng còn tin tưởng bất kỳ ai dù chỉ là điều nhỏ nhặt nhất, kể cả chính vị rồng thần Sisu. Thậm chí, việc cô đi tìm Sisu chỉ là vì muốn hồi sinh cha mình chứ không phải là vì muốn hàn gắn Kumandra.

Namaari - công chúa của Long Nha chính là người đã đâm sau lưng Raya năm xưa và gián tiếp gây nên ngày tàn của nhân loại. Nhưng thực chất, mọi hành động cô gây ra đều được dạy bởi mẹ cô - thủ lĩnh Virana - một nữ hoàng ích kỷ chỉ nghĩ cho xứ sở của mình, là hậu quả của mối thù hằn trăm năm của xứ Kumandra.

Tương tự, những người dân từ 4 vùng đất còn lại trong đó có cả những người đồng hành của Raya: Chú Tòng, thuyền trưởng Boun nhỏ tuổi, cô bé Noi (và 3 chú khỉ) cũng không còn lòng tin vào người Long Nha khi gọi họ là "quân ăn cướp". Ngay cả chính Namaari, vì chẳng còn niềm tin vào sự tồn tại của Rồng Thần Sisu và sự hợp nhất của Kumandra nên luôn mù quáng tin vào những lời răn dạy sai trái của mẹ mình.

Raya và Rồng thần cuối cùng - hành trình chinh phục lòng tin của con người - Ảnh 4.

Thủ lĩnh Benji - cha của Raya đã từng nói: "Nếu ta không dừng lại và học cách tin tưởng lẫn nhau một lần nữa, chuyện xé xác nhau chỉ là vấn đề thời gian thôi". Và rồi lần đầu tiên trong suốt 500 năm, phép màu đã xảy ra khi Raya cùng những người bạn và Namaari đã quyết định gạt bỏ những mối hiềm khích dân tộc để cùng nhau cứu lấy nhân loại.

"Druun" - thế lực hắc ám được mô tả như một thứ dịch bệnh sinh ra từ lòng tham của con người và Druun trỗi dậy khi sự đoàn kết của loài người trở nên yếu nhất; nó biến sự sống của con người và thực vật thành tượng đá. Thậm chí ngay cả khi lũ Druun đã biến mất, lòng tham và sự bất hòa vẫn còn đó. Loài người nghĩ rằng sự thịnh vượng chỉ có được khi sở hữu được viên ngọc rồng của Sisu. Vì vậy, chiến tranh vì lòng đố kỵ đã nổ ra, mảnh đất hình rồng Kumandra bị chia cắt thành 5 bộ phận: Nha, Tâm, Cốt, Trảo và Vĩ.

Raya và Rồng thần cuối cùng - hành trình chinh phục lòng tin của con người - Ảnh 6.

Công chiếu trong những ngày đầu tháng 3/2021, Druun như phản ánh hiện thực khi đại dịch Covid-19 xâm chiếm thế giới hơn một năm qua.

Thực chất, không phải Drunn mà chính những thói xấu, lòng tham và vị kỷ của loài người mới là yếu tố phản diện và Drunn xuất hiện. Vì hiềm khích và bạo lực, loài người một lần nữa khiến Drunn trỗi dậy, thêm mạnh đến độ chẳng thể chế ngự.

Ngọc rồng ghép từ năm mảnh vỡ là hình ảnh ẩn dụ cho sự hợp sức, đồng lòng của năm tiểu vương quốc chia cắt từ Kumandra. Trên đường đi, Raya và rồng thần đã kết nạp thêm nhiều thành viên đến từ các vùng đất khác vào nhóm, chỉ thiếu đại diện từ Long Nha - gia tộc mà Raya ôm mối thù sâu nặng. Buông bỏ thù hận, vượt qua cái tôi định kiến và học cách trao niềm tin là sứ mệnh chẳng hề đơn giản đặt trên vai nàng công chúa gốc Đông Nam Á.

Nếu Druun được tạo nên từ sự bất hòa, sự tham lam và dối trá của loài người thì Rồng Thần Sisu lại là hiện thân của sự tin tưởng, sự đoàn kết và hòa bình của họ. Sisu đã thuyết phục Raya bắt tay với Namaari để cùng nhau cứu lấy 5 vùng đất. Và dù do dự, Raya đã mạnh dạn trở thành người tiên phong trong việc hàn gắn những mảnh ngọc rồng đã vỡ bằng cách tự mình nhường lại mảnh ngọc cho Namaari khi đặt niềm tin vào công chúa Long Nha. Bước đi đầu tiên này đã tạo động lực để những thành viên còn lại đã trao gửi lòng tin trở lại nơi Namaari.

Về văn hóa, lấy cảm hứng từ nền văn hóa Đông Nam Á, bom tấn hoạt hình Raya và Rồng thần cuối cùng của Disney đã khiến cả thế giới phải chú ý vì nội dung, hình ảnh mới lạ.

Đặc trưng văn hóa Đông Nam Á được thể hiện rõ nét trong phim này từ cảnh mở đầu phim, khi phần tóm tắt diễn biến trận chiến giữa loài rồng và Druun 500 năm trước được thể hiện bằng cách mô phỏng các con rối bóng. Rối bóng là loại hình biểu diễn phổ biến tại khu vực Thái Lan, Indonesia và Malaysia...

Raya và Rồng thần cuối cùng - hành trình chinh phục lòng tin của con người - Ảnh 7.

Cảm hứng từ Angkor Wat và Bayon từ Cambodia

Dù khó để tách bạch và phân biệt từng hình ảnh xuất hiện trong Raya and the Last Dragon đến từ quốc gia nào, khán giả Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung chắc chắn vẫn nhận ra hình ảnh quê hương mình trên màn ảnh. Yếu tố văn hóa bản địa Đông Nam Á được phản chiếu trong các công trình kiến trúc, thiết kế trang phục, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nếp sống gắn liền với sông nước, nền ẩm thực đa dạng...

Trong cảnh đầu phim, bữa tiệc do Benja tổ chức có những món như cơm trắng, lẩu Thái... và nhiều loại trái cây nhiệt đới khác. Tiếp đến, trong các cảnh chiến đấu của Raya, thế tấn công cô sử dụng được tổng hợp từ nhiều môn võ khác nhau bắt nguồn từ Đông Nam Á như Muay Thái, Arnis (võ gậy Philippines), Lethwei (quyền anh Myanmar) và Vovinam.

Với riêng Việt Nam, trong một bài phỏng vấn, nhà biên kịch Adele Lim của phim đã chia sẻ nguồn cảm hứng cho hình tượng 2 nữ chiến binh này - không ai khác mà chính là giai thoại về Hai Bà Trưng.

Nhờ giai thoại cưỡi voi rửa nợ nước, trả thù nhà đầy mạnh mẽ của Trưng Trắc và Trưng Nhị, đoàn làm phim đã bị thôi thúc để tạo ra một tác phẩm tương tự với hai nhân vật nữ hùng mạnh, thông minh. Khi xem phim, nhiều khán giả cũng sẽ phải xúc động trước mối quan hệ giữa Raya và Namaari - những người phụ nữ tài giỏi bị đặt vào thế đối đầu chỉ vì nghịch cảnh của xã hội.

Trong Raya và Rồng thần cuối cùng, khán giả Việt cũng có thể bắt gặp một số chi tiết đến từ Việt Nam ở vùng đất Long Tâm (Heart) với địa hình nhiều sông, nước và các tảng đá lớn cũng được lấy cảm hứng từ vịnh Hạ Long. Nhân vật Raya gọi cha của mình là "ba" trong tiếng Anh cũng giống như phương ngữ của người Việt.

Tại thảm đỏ trực tuyến công chiếu bộ phim Raya và Rồng thần cuối cùng trên toàn thế giới, nữ diễn viên Kelly Marie Tran (gốc Việt) cũng khiến nhiều người Việt tự hào khi cô diện một chiếc áo dài và đeo mấn lộng lẫy. Hình ảnh này mang ý nghĩa sâu sắc về cội nguồn của nữ diễn viên đồng thời họa tiết trên áo dài cũng có ý nghĩa "phượng hoàng trỗi dậy từ đống tro tàn" phần nào nhắc đến quá khứ bị phân biệt ở Hollywood của Kelly và cách mà cô vượt qua mọi thứ.

Đặc biệt hơn, phim đã tạo dựng các nhân vật chủ chốt đều là nữ, ngay cả Rồng Thần Sisu. Bộ phim góp thêm một tiếng nói nữ quyền vào dòng chảy Hollywood, đề cao phái đẹp nhưng không đi vào lối mòn kể xấu đàn ông.


ĐỨC HẬU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
2 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh