CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:31

Rau Tầm bóp

Nơi chúng tôi đến là một bản làng giữa bạt ngàn rừng trước rừng sau với con suối quanh co dòng nước hẹp, trên bờ mọc đầy loài húng răng cưa. Chủ nhà đón khách chân tình, nồng ấm từ nơi ánh mắt đến cách mời trà. Bữa trưa thịnh soạn với nhiều món ăn miền rừng núi, đượm không khí gia đình đón xuân. Bọn em chủ nhà ồn ào ăn riêng một góc, nhường chỗ bốn người lớn ngồi chiếu trải giữa sàn nhà. Từ đầu, bữa cơm đã tưng bừng bởi lòng nhiệt tình của chủ nhà và sự hứng khởi của ông Thành, rượu rót xối xả, cụng liên hồi, tiếng cười nói râm ran. Đến dở bữa bọn em của chủ nhà xin chập hai mâm lại, được thể chúng quấn lấy ông Thành, có đứa còn tranh ngồi cạnh, tôi hơi ngạc nhiên, nhưng trong lòng khấp khởi một niềm vui.

Chủ nhà là một trung niên khoảng 35 tuổi. Bà mẹ anh ta thì khó đoán hơn bởi bà có nước da trắng, khuôn mặt phảng phất nét thanh tú với đôi mắt huyền còn trong trẻo tuổi xuân thì, ẩn dấu dưới nếp khăn được quấn cẩn thận đến từng chi tiết. Nụ cười như còn dấu thời thanh xuân xinh đẹp.Với vẻ ngượng ngùng, thi thoảng bà lại tiếp rượu và nhắc mọi người tích cực đụng đũa. Cậu em chủ nhà xếp chân bằng tròn dáng vẻ tự tin cứ muốn cộc chén liên tục với chúng tôi, lại còn bố bố con con với ông Thành làm cuộc rượu thêm gần gũi.

Đã quá trưa mà trời vẫn se lạnh, dãy núi sau nhà bảng lảng vệt nắng nhợt nhạt cuối đông. Tuy là bản người Tày nhưng gần nửa là nhà xây gạch, mọi thiết bị sinh hoạt chả kém gì dưới xuôi, cũng đầy đủ tivi, máy giặt. Cuối bữa, dường như có vấn đề quan trọng cần giải quyết nên ba người bọn họ tỏ ra "rất nguy hiểm".  Bà mẹ gắp một đũa rau tầm bóp vừa mời tôi vừa nói: Anh chắc mới ăn lần đầu, hơi đắng đấy nhưng ăn rồi khó quên. Quay sang ông Thành, bà nhẹ nhàng: Phải không anh? (già mà vẫn anh anh, em em - lạ thật!). 

Ảnh minh họa

Ông Thành cười mỉm gật đầu rồi chậm rãi, hôm nay rủ chú lên đây để chứng kiến với tôi một chuyện. Chả giấu gì chú, đây là Hiếu - con trai tôi với bà Hòa. Việc này đã được xem xét kĩ kể cả xét nghiệm ADN. Nghe đến đây, nhìn vẻ mặt nghiêm trang của ông Thành, cổ tôi như tắc nghẹn, miếng rau tầm bóp mắc lại, hai hàm không sao khớp lại được, hình như tôi không thở, liếc mắt sang cậu chủ nhà, mặt cậu ta cũng trang nghiêm và lại nữa, tự nhiên tôi nhận ra sao cái mắt và miệng nó giống lão Thành thế chứ, hèn chi lúc giáp mặt mình cứ có cảm giác đã gặp hắn ở đâu rồi.

Thấy tôi có vẻ "gay cấn", lão đập mạnh vào đùi và cầm chén rượu nhét vào bàn tay cứng đơ vì sốc của tôi rồi liền một hơi: Chuyện thì khá dài và tôi rất quý chú nên mới rủ cùng đi, dần dần tôi sẽ kể hết, tuỳ chú đánh giá theo cách của mình, việc hôm nay lên đây nhằm mục đích trao cho con tôi bản di chúc.

Nói xong ông Thành rút trong túi áo một tờ giấy khổ A4 gấp tư, đánh máy cẩn thận, quay về phía cậu chủ nhà: Con ạ, chuyện của gia đình  đã được giải quyết thuận hoà từ nhiều năm trước, bố bây giờ đã 68, cũng già rồi, cái sự "đi, ở" là không nói trước, con và bố chỉ thông tin qua điện thoại. Bố có gia đình dưới xuôi, con có gia đình và công việc trên này, dù sao bố cũng rất tự hào về con, con đang là Phó Bí thư Đảng uỷ xã vùng cao nên rất bận, không phải lúc nào cũng về Hà Nội thăm bố được. Cuộc đời bố phần lớn làm lính, nửa cuối làm công chức nhà nước nên không giàu mà con cũng không khó, di chúc của bố chỉ là một bài cúng, đến ngày giỗ bố con mang ra đọc, thế là bố cũng được mát mẻ, ngậm cười nơi chín suối, mãn nguyện lắm rồi!

Nghe choáng, tôi ngó tờ giấy có bài cúng, đúng thật: "…Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, con lại lạyThổ địa cai quản trong xứ này…Tín chủ chúng con là Nguyễn Thành Hiếu…Tuổi…Ngụ tại… Hôm nay là ngày tháng… năm… (Âm lịch), chính ngày giỗ của bố con là ông Nguyễn Công Thành, sinh năm 1950, tạ thế ngày… Năm qua tháng lại, vừa ngày húy lâm… Ơn võng cực xem bằng trời biển, nghĩa sinh thành không lúc nào quên...".

Hiếu mặt u buồn với hai hàng chân mày cụp xuống, nước mắt rưng rưng, lí nhí được câu: Vâng ạ. Mắt tôi lồi ra như hai con ốc nhồi, miệng há hốc không khớp lại được. Con xin lạy chín phương trời, mười phương rừng núi, chứ từ lúc được làm người con chưa thấy ai di chúc cho con trai nhõn một bài cúng. Ông Thành ơi, ông là nhất quả đất này rồi, ông tế sớm thế... Nhìn mặt ba người và hành động của họ lòng tôi như xoắn lại.Trời, tình cảm đến thế là cùng, hiếu lễ đến thế là cùng.

Như trút được nỗi niềm, ông Thành hoạt ngôn trở lại đủ thứ trên trời dưới đất. Cậu con trai với vẻ nặng suy tư như nhận được nhiệm vụ mới. Bà Hòa như đã làm trọn nghĩa với ông Thành lại tiếp thêm cho tôi một đũa tầm bóp, không quên nhắc: rau này đắng nhưng là thuốc  đấy anh ạ.

Còn với tôi, sự việc trong 45 năm mà cô đọng trong chục phút làm khí huyết vẫn chưa lưu thông trở lại. Nhai miếng rau tầm bóp mà sao rành rọt từng mùi, từng vị nồng cay của ớt, bùi của rau, vị đắng ẩn trong vị ngọt, vị ngọt lại đăng đắng trong cổ họng, hơi rượu nồng men lá xộc lên, thấy cay cay nơi sống mũi. Trời đã ngả sang chiều, hơi lạnh dầy hơn, vài vạt nắng sau nhà đã nhạt. Ngày đang dần cạn, chạnh lòng tôi nhìn về bà Hòa, nhìn ông Thành, tình yêu của họ đang trôi về mùa lá rụng mà tiếc nuối!

****

Trên chuyến xe muộn Chợ Rã - Hà Nội, ông Thành  bồi hồi kể rành rọt câu chuyện năm xưa. Vào cuối mùa xuân năm 1973, sau Hiệp định Paris, cuộc chiến tạm ngưng trên cả hai miền, các đơn vị cần ổn định chỗ ở, lúc đó ông Thành được trung đoàn cho đi Bắc Kạn khai thác tre nứa về làm lán trại. Điểm khai thác cách chợ Rã khoảng 8km, bộ đội đóng quân nhờ nhà dân trong bản. Bắc Kạn là chiến khu cách mạng nên đồng bào tuy nghèo nhưng rất yêu quí bộ đội . Một ngày nắng đẹp, Thành đồng chí sau khi hoàn thành chỉ tiêu 60 cây nứa đã mượn xe đạp của chủ nhà đi chơi chợ. Hình như chiếc xe đạp của dân công lên Điện Biên còn sót lại nên cà tàng hết cỡ, không còn một chút dấu tích mầu sơn. Đi được khoảng 1 km thì săm phòi ra, xì hết hơi, Thành đồng chí đành vác xe đi tiếp, gần nửa giờ leo dốc, trời xui đất khiến, gặp may thế nào có một nhà ven đường, Thành vào hỏi mượn đồ sửa chữa. Xong việc thì đã quá trưa, gia đình cũng bắt đầu dọn bữa, thấy anh bộ đội trẻ họ mời cùng dùng cơm. Biết đồng bào mời là thật, Thành đồng chí đang đói nên cũng không tiện chối từ.

Cơm được nửa bữa thì một cô gái chừng 20 tuổi bước lên cầu thang, khuôn mặt sáng bừng, rịn mồ hôi. Trời thì nắng hanh, lại ở xa về, trên khuôn mặt thanh tú hồng lên như cánh hồng mới nở. Nét mày cong cong gọn ghẽ, miệng cười tươi tắn với hàm răng đều đặn trắng bóng được tôn lên bởi làn môi hồng ươn ướt. Hiện rõ trên nền khuôn cửa sáng là một dáng hình với những đường cong khỏe khoắn, đầy đặn ẩn dưới trang phục gần với truyền thống, áo dài nhung đen cài khuy nách, thắt lưng xanh và tóc để dài không khăn quấn. Đồng chí Thành sau vài giây sững sờ chống đũa, chưa dám chào hỏi, chàng cúi xuống cố nuốt trôi miếng cơm tắc trong cổ họng. Cô gái ngồi vào mâm và được bố cho biết vì sao có anh bộ đội lại ăn cơm nhà. Một điều bất ngờ là cô ấy đang học Trung cấp Y ở tỉnh, cơm xong cuối chiều  lại về trường. Sau vài câu chuyện  qua lại thế nào cô lại cùng đường về đơn vị với đồng chí Thành. Được lời như cởi tấm lòng, đồng chí Thành xin phép được đưa cô về trường mặc dù sau đó phải còng lưng đạp ngược trở lại đơn vị.

Ảnh minh họa

Sau này quen chân, những ngày nghỉ Thành thường xin thủ trưởng đơn vị cho đi chơi để rồi dà dẫn  cả ngày nơi trường trung cấp Y. Hòa cũng vậy, từ khi bén Thành, chủ nhật lại ít về nhà hơn, sức học khá hẳn nên, hoạt động phong trào đoàn trường thêm sôi nổi, cô trở thành học sinh năng động  được bạn học nể trọng, bởi bất cứ khó khăn gì đều được anh bộ đội học Bách khoa chỉ bảo tận tình, giúp đỡ hiệu quả, từ đạo hàm và vi phân, đại cương về logic suy luận, hạng của ma trận cho đến thơ là gì... Mà theo Thành có khoảng một trăm định nghĩa, nào thơ là khoảng trống trắng trên trang giấy, thơ là bẻ từ vuốt câu nắn chữ, mỗi lần gặp nhau là một định nghĩa để cuối cùng thơ là tâm hồn đi tìm hồn đồng điệu, cứ thế Hòa sao xuyến với thần tượng, cô tự hào có một soái ca của riêng mình, những cuộc hẹn bạn theo đó mà nhân lên mãi. Sau mỗi lần bên sơn nữ trung cấpY Thành luôn cảm thấy thật hạnh phúc, để rồi mê say giọng hát then thầm thì ngọt ngào ấm nồng hơi lửa của cô.Thư, thơ trao tay thay lời, tiếng gù con cu gáy miền xuôi gọi con cu mái miền ngược, va đập vách núi, hoà tiếng suối reo. Mỗi ngày không gặp là một trời nhớ nhung. Chú bộ đội năng đến trường hơn và cô sinh viên cũng bắt đầu ngóng đợi, thi thoảng cùng chàng đến những miền xa.

Ảnh minh họa

 Rồi nhiệm vụ đơn vị giao đi khai thác cũng đã hoàn thành, trước ngày trở về Trung đoàn chàng và nàng tay trong tay vào rừng tìm măng. Giữa bạt ngàn rừng núi, nắng vàng xuyên kẽ lá, tiếng suối róc rách, lá rừng đung đưa, họ ngả mình kề vai trên lá, xung quanh mọc đầy cây tầm bóp, họ rúc rích, thì thầm, thì thầm quên trời đất, bất chấp thú rừng...

****

Về lại Trung đoàn, tuy phải ngày đêm tập luyện để chuẩn bị cho những cuộc hành quân nhưng chàng vẫn dành thời gian cho nàng bằng những lá thư đá ngang đá dọc mấy câu thơ tình chua chua mùi áo lính. Thư mải miết đi mà không thấy thư trở lại. Một tháng là ba chục ngày, ngày nào chàng cũng tìm gặp quân bưu để hóng tin nhưng vẫn bặt vô âm tín. Chàng lo lắng, hoài nghi. Mỗi lần thoảng nghe tiếng chim hót lại giật mình hồi tưởng đến một vạt rừng vắng, nắng xen hoa ...Rồi hiệp định  Paris bị vi phạm, chiến tranh lại bắt đầu. Những người lính hành quân, ngày nối ngày, trận mạc làm cho nỗi nhớ đơn phương dần ẩn sâu trong tâm trí.

Tưởng như cuộc sống riêng đã an bài, sau chiến tranh, người lính trở về học tiếp trường ĐH Bách Khoa. Ra trường chàng lấy vợ, rồi có con, bươn chải cuộc sống để lo toan cho gia đình, đôi khi trong chàng quá khứ ngọt ngào lại ùa về. Những niềm vui  có vị ngọt tháng ngày ở Bắc Kan, nơi vạt rừng với con suối vắng làm tâm trí chàng xao động. Tuy bộn bề công việc nhưng trong lòng Thành vẫn vấn vương vị ngọt của rau tầm bóp. Không biết khóm tầm bóp bên bìa rừng hôm ấy có trổ nụ, đơm hoa?

****

Năm 1992, sau mười chín năm giấu kín hương vị rau tầm bóp, nhân có chuyến công tác Thành quyết định trở lại câu chuyện tìm măng trong rừng vắng. Ngần ấy năm xa mảnh đất Chợ Rã giờ quay lại đã có nhiều đổi thay. Như một trinh sát lão luyện, Thành  hỏi thăm và đến nhà bên cạnh nhà Hòa dò hỏi. Người cung cấp thông tin mau miệng cho Thành biết: đây là xã Yên Lương và Hòa hiện là trạm trưởng y tế xã, chồng người cùng bản, là thương binh cụt một chân, tham gia hội cựu chiến binh. Trước khi lấy chồng chị Hòa có người yêu là bộ đội, anh ấy hơn năm tuổi, không cao nhưng đẹp trai, thư sinh, anh ấy là sinh viên Bách Khoa năm thứ nhất, khéo kể chuyện, như người giời cái gì cũng biết, hình như họ có con chung, anh ấy đã hy sinh ở mặt trận phía nam... Vợ chồng chị Hòa hiện giờ có thêm 3 cô con gái... 

Nghe đến đây người Thành như ướp đá, bà hàng xóm phải vỗ vào vai Thành mới tỉnh. Bây giờ làm sao đây? Vào?! không vào!? Thôi chuyện đến nước này rồi đâu có đó, về đã. Chào bà hàng xóm Thành thất thểu lê bước ra xe. Vậy là đã rõ, sau lần ấy, khóm rau tầm bóp ven rừng đã đơm hoa. Sau này Thành được biết thư gửi lại ghi nhầm địa chỉ là xã Vi Lương thì sao có thư trở lại? Lỗi tất cả là ở Thành, cẩu thả một cách thậm tệ. Công tác về Thành như kẻ mộng du phải mất cả tháng trời mới tỉnh trở lại. Thời gian trôi, cuộc sống lại diễn ra như vốn có. Và Thành vẫn đeo cục đá nặng trĩu trong lòng. Đến năm 2010, không chịu đựng nổi sự đè nặng của kí ức, ông Thành quyết định trở lại Yến Hương lần thứ hai. Vẫn bài trinh sát cũ, hỏi thăm hàng xóm, ông Thành được biết chồng bà Hòa đã mất được 4 năm do vết thương tái phát, bà Hòa đã nghỉ hưu và cậu con trai đang là Phó Bí thư Đảng uỷ xã. Thông tin làm ông Thành vững tâm thẳng tiến. Ông đến trước ngôi nhà khang trang, mầu sơn hồng nổi bật trên nền xanh ngút mắt của cánh rừng phía sau. Bên cạnh vẫn còn gian nhà sàn cũ treo lủng lẳng ngô, lúa nếp nương, ở dưới bầy gà đuổi nhau nháo nhác. Đáp lại lời í ới hơi rè của ông Thành, một phụ nữ trạc 55 tuổi nhanh nhẹn bước ra, nhìn ông bà ngỡ ngàng tựa cửa, lặng im như thời gian đang dừng lại. Ông Thành chủ động giới thiệu, bà ngước mắt, cái nhìn như người ta lật giở từng tờ lịch, đọc từng trang sách. Cái nhìn xa vời vợi, như xoáy vào quá khứ, thăm thẳm, u uất. Cái nhìn của hơn ba mươi năm dồn nén như thực, như mơ. Bà Hòa không nói gì, lặng lẽ đi vào trong nhà và ngồi xuống ghế, ông Thành lẳng lặng theo sau, nhẹ nhàng ngồi  đối diện. Vẫn im lặng, không ai nói gì, lại nhìn nhau và tự đào xới quá khứ. Vài phút, trong lòng bà Hòa như có lũ tràn về, mắt đầm đìa suối chảy, hai vai bà rung lên từng nhịp, từng nhịp theo tiếng nấc, rồi lại im lặng... Tình thế vô cùng căng thẳng, tình yêu, nỗi nhớ, sự chịu đựng dồn nén đã dâng đến đỉnh điểm chuẩn bị bùng nổ thì ngoài cửa lạch cạch tiếng xe, bà Hòa lao vào nhà trong, ông Thành hít một hơi thật sâu, gồng mình trấn tĩnh rồi từ từ thả lỏng.

Ảnh minh họa

Cửa mở, một thanh niên trẻ bước vào nhìn khách, một giây thăm dò rồi cất tiếng chào, chìa tay bắt và nở nụ cười thân thiện, ông Thành thở phào nhẹ nhõm và nhận thấy chàng trai này có tác phong rất chính trị, và đặc biệt đôi mắt và cái miệng thì đúng "giỏ nhà ai, quai nhà nấy", tự nhiên một cảm giác tin cậy, ấm cúng ùa về tràn ngập trong lòng. Bà Hòa mặt tươi tỉnh đi ra, không nhìn vào ai để tránh bị phát hiện vì đôi mắt còn đỏ hoe. Bà giới thiệu với ông Thành đây là Hiếu, con trai lớn và bác Thành người quen cũ của mẹ thời còn đánh Mỹ. Bà Hòa nhắc hai bác cháu nói chuyện để mình vào làm cơm đãi khách. Ông Thành đứng dậy bước đến ban thờ thắp nhang chắp tay rì rầm khấn vái trước di ảnh của ông thương binh đoản mệnh. Mong ông nể tình thể tất cho chuyện đã qua.

Chắc bà Hòa đã nói cho Hiếu biết bố của cậu là ai, linh cảm nhậy bén của ông Phó Bí thư Đảng uỷ mách bảo cái ông Thành đang ngồi trước mặt đây là gì. Với linh cảm và bản lĩnh, Hiếu không rào đón mà hỏi luôn: Vì sao bác bỏ rơi mẹ con cháu? Đã chuẩn bị sẵn cách giải quyết các tình huống, ông Thành nhấp chén trà rồi từ tốn kể lại câu chuyện xưa. Thanh minh cho sự "bỏ rơi", ông Thành đưa ra hai lý do là nhầm địa chỉ và lúc ấy vào Nam chiến đấu. Năm 92 có về tìm nhưng thấy gia đình rất hạnh phúc nên không muốn vì mình mà làm hỏng tổ ấm của bà Hòa. Chắc do chất giọng trầm rè và thái độ thành khẩn của ông Thành, mặt Hiếu giãn ra, chùng xuống. Thở đến thượt một cái, Hiếu nói: thôi chuyện đã qua thì đã qua rồi, cháu  thông cảm với hoàn cảnh của bác và mẹ cháu lúc ấy. Bây giờ bác và mẹ cháu vẫn là bạn tốt, chúng cháu coi bác như người trong nhà, có điều kiện mời bác đến chơi. Đúng là dân chính trị, Hiếu cởi nút thắt hết sức gọn gàng, đủ ý và chừng mực, ông Thành như trút được tảng đá trong lòng. Bữa cơm trưa chỉ có 3 người, vợ Hiếu dạy cấp 2 trường xã cùng bọn trẻ con học bán trú chiều mới về. Xong bữa, Hiếu xin phép mẹ đi họp, trước khi đi Hiếu đưa cho ông Thành chiếc phong bì và dặn: bác mở phong bì chắc bác biết sẽ phải làm gì? Hiếu đi rồi mà ông Thành vẫn chưa hết bất ngờ, mở vội chiếc phong bao thì ôi trời, vài sợi tóc và mấy mẩu móng tay, ông Thành hiểu ngay yêu cầu của Hiếu. Chỉ còn lại hai người, ông Thành chủ động nói lại lý do "quên lời hẹn ước", bà Hòa chỉ im lặng nhìn ông qua nước mắt như cố hình dung lại bóng dáng người lính trẻ năm xưa đã gây cho bà trăm nỗi vui, buồn, đau khổ... Ông Thành phải về cho kịp chuyến xe chiều muộn, ra đến cửa, bất giác bà Hòa nghẹn ngào, nắm chặt tay ông nói trong tiếng nấc: thằng Hiếu nó là con anh. Ông Thành đứng chết lặng, xiết chặt bàn tay bà Hòa, hổn hển: Anh ngàn lần xin lỗi em, hãy tha thứ cho anh... Nắng chiều chênh chếch vài vệt sáng nhạt trên nền nhà, ông Thành cúi đầu nặng nề bước ra cửa. 

Về Hà Nội,  khi có xác nhận ADN Hiếu là con mình, ông Thành cũng dàn xếp ổn thoả chuyện gia đình sau hơn 3 tháng căng thẳng; Vợ con ông cũng đành chấp nhận Hiếu là một phần máu mủ. Ông Thành không vui cũng chả buồn, ngồi một mình uống trà, đăm chiêu nhìn trời, nhìn đất ngẫm lại cái sự đời sao đầy rắc rối, đến già vẫn chưa hết nợ. Trà hôm nay sao đăng đắng làm ông nhớ đến quay quắt khóm rau mọc um tùm ven rừng, vị rau tầm bóp hương vị của núi, của rừng. Khép hờ đôi mắt ông thượt một tiếng thở dài...

Ảnh minh họa

Những chuyến xe khách Hà Nội - Chợ Rã đã quen thuộc với ông Thành, tài xế taxi và xe ôm đã là thân quen, mỗi tháng một lần ông lên thăm bà Hòa và Hiếu. Mối quan hệ đã là gia đình, Hiếu gọi ông là bố và ông còn có mấy ông bạn rượu bên hàng xóm mỗi khi ở lại. Sau 8 năm nối lại tình xưa, ông thấy mình đã có nhiều biểu hiện tuổi già: Để đề phòng khi tổ tiên “triệu tập”, ông phải có gì đó để lại cho thằng Hiếu. Ông đem việc này bàn với vợ ông, bà vợ tốt bụng xui ông chuyển một số tiền cho Hiếu. Ông mang chuyện này hỏi ý kiến mẹ con bà Hòa thì nhận được sự cảm ơn và lời từ chối. Bà Hòa chỉ xin khi ông "khuất núi" thì thằng Hiếu được lập bát hương thờ vọng theo phong tục người Kinh. Sau bao đêm khó ngủ, ông đã nghĩ ra bài văn cúng thật độc đáo, độc nhất vô nhị là đằng khác. Có lẽ khi nói ra được sẽ thanh thản, nhẹ được nỗi lòng, và ông Thành đã chọn tôi để kể lại câu chuyện tình kéo dài hơn bốn mươi năm, chứng kiến buổi “trao di chúc" độc đáo ấy. Chiến tranh đã tạo ra cơ hội cho ông Thành và bà Hòa gặp nhau, chuyện của họ có vị đắng, lại bùi, rồi sau cùng lại ngọt của rau tầm bóp mọc hoang bìa rừng. Mà cái giống rau tầm bóp, đã ăn vào là khó quên, là suốt đời mắc nợ.

Tháng 12/2018

NGUYỄN TRUNG CHÍNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh