THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:23

Rào Tre khấp khởi Tết!

 

Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chúc Tết và tặng quà cho bà con bản Rào Tre

 

Mùa xuân năm 1977, một bộ phận bà con người Mã Liềng thuộc cộng đồng dân tộc Chứt có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Bình chính chức đặt chân lên dãy núi Kà Đay, nơi thượng nguồn con sông Ngàn Sâu xa xôi hoang hút, thuộc địa bàn xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) để bắt đầu cuộc sống mới, chính thức chấm dứt nạn du canh, du cư.

Kể từ đó tới nay, bà con bản Rào Tre đã tận hưởng 40 mùa xuân trọn vẹn hòa cùng niềm vui chung ngày Tết cổ truyền của đất nước, mà trước đó tổ tiên họ chưa bao giờ mơ tưởng tới!

Và giờ này trên dãy Kà Đay mờ sương không có hoa đào, hoa mận, nhưng vẫn bạt ngàn các loài hoa rừng đua nhau khoe hương sắc thắm tươi. Đặc biệt, hoa Côồng- tượng trưng cho tinh thần đoàn kết và sức sống mãnh liệt của cộng đồng bà con Mã Liềng kết thành từng chùm sắc đỏ tươi, tỏa hương thơm ngào ngạt khắp núi đồi, khe suối…

 

 Trường Tiểu học Hương Liên, huyện Hương Khê tổ chức gói bánh chưng cho các em học sinh bản Rào Tre

 

Một năm bà con dân bản Rào Tre đón 3 cái Tết lớn: Tết Lấp lỗ vào ngày mồng 7/7 (ÂL) nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa sau khi bà con đã gieo xong những hạt giống cuối cùng trên nương; Tết Chăm cha pới - là Tết ăn cơm mới tổ chức vào ngày 12/12 (ÂL) sau khi thu hoạch xong mùa màng theo tập tục du canh, du cư trước đây và Tết Nguyên đán- Tết quan trọng nhất và vui nhất.

Dù đi đâu, làm gì thì mỗi năm xuân đến, Tết về, cộng đồng bà con Mã Liềng ở bản Rào Tre lại quây quần cùng nhau bên bếp lửa cùng vui chơi ca hát, khấp khởi đón chào một năm mới ngập tràn niềm vui. Như thường lệ, mỗi năm cứ đến chiều Ba mươi và sáng Mồng một Tết, thầy mo Hồ Púc cùng với các bậc chức trách và cao niên trong bản lại cùng nhau lên dốc núi Kà Đay làm lễ tế tạ đất- trời và các vị thần thiêng cùng tổ tiên ông bà của họ… bởi đó là những thế lực siêu phàm luôn đứng sau họ, cho họ cuộc sống và nuôi dưỡng họ từ lúc bắt đầu hoang thai đến tận ngày về nơi ngàn lau, chín suối!  

Ông Hoàng Công Lý- Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh)- Trưởng Ban chỉ đạo “Dự án bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt” bản Rào Tre cho biết: Năm 2015, tỉnh Hà Tĩnh đã chính thức ra văn bản thành lập “Ban chỉ đạo Dự án bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt bản Rào Tre”. Hiện nay dự án đã đầu tư xây dựng xong tuyến đường dài 2km, với tổng kinh phí lên tới gần 40 tỷ đồng, nối từ Bản Rào Tre dọc theo sườn núi Kà Đay lập khu tái định cư mới, nhằm mở rộng thêm 38 ha diện tích rừng và đất sản xuất để người dân có thêm đất canh tác và tham gia các mô hình phát triển kinh tế rừng; xây dựng được 11 ngôi nhà mới tại khu tái định cư, dự kiến sau Tết nguyên đán, 11 hộ dân bản khó khăn nhất sẽ được di dời về đây. Bởi vậy, Tết này có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với bà con dân bản.

 

 Bản Rào Tre đón chào mùa xuân mới

 

Trong dịp này, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo địa phương, Bộ đội biên phòng và các tổ chức đoàn thể… tổ chức một cái Tết thật vui tươi và no ấm cho bà con. Theo đó, sẽ có các hoạt động  giao lưu, tặng quà và hỗ trợ các loại thịt cá, gạo, nếp, dầu ăn, nước mắm… đầy đủ để bà con đón Tết. Trao đổi với phóng viên Báo Lao động và Xã hội, ông Đặng Quốc Khánh- Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong dịp này ông cùng nhiều đồng chí lãnh đạo khác của tỉnh Hà Tĩnh cũng đến chúc Tết tại bản Rào Tre, cùng chia vui với bà con dân bản chén rượu đầu xuân.

Chị Hồ Thị Đình Xuân (24 tuổi) hiện làm công tác Đoàn ở bản Rào Tre phấn khởi nói: Năm nay thời tiết thuận lợi nên hiện ngay bà con bản đang tích cực xuống đồng bắc mạ và chắc chắn sẽ hoàn tất việc cấy lúa trước Tết. Chị Xuân lấy chồng người kinh, nhưng ngày Tết vợ chồng chị và các cháu sẽ về nhà ngoại ăn Tết.  

 

 Chị Hồ Thị Xuân người dân bản lấy chồng người Kinh về đón tất niên ở bản

 

Ông Hồ Việt (55 tuổi) là trong những người đã đặt chân lên đầu tiên lên dãy Kà Đay. Lúc đó cả bản chỉ lèo tèo mấy túp lều và đang sống trong tình trạng đói ăn thiếu mặc cho biết: Khoảng 20 năm trước, người dân bản Rào Tre chưa ai biết được tuổi của mình, tất cả đều chưa biết viết, chưa biết đọc; ốm đau bệnh tật đều phụ thuộc vào việc cúng tế của thầy mo nên cuộc sống vô cùng vất vả. Bây giờ thì mọi thứ đã đổi khác hoàn toàn. Công lao ở đây trước hết phải thuộc về các chú Bộ đội Biên phòng kể từ ngày họ về đây thành lập Trạm biên phòng Rào Tre từ năm 2001. Bởi thế, Tết cũng là dịp người dân bản có dịp tri ân Đảng, nhà nước và những chú lính Biên phòng đã đưa bà con về với cuộc sống văn minh. Hiện nay rất nhiều người dân bản Rào Tre đã sáng tác được các bài hát bằng tiếng dân tộc Chứt và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc Chứt như đàn pi, đàn cơ rơ bon với nội dung ca ngợi Đảng, nhà nước và các chú bộ đội Biên phòng để hát ca trong dịp các ngày lễ, tết và trong lao động sản xuất. Dĩ nhiên trong không khí rạo rực Tết năm nay, bà con dân bản chúng tôi sẽ hát hò cho thỏa thích!”

Đúng vậy, chưa bao giờ người dân bản Rào Tre lại đón một mùa xuân mới rộn ràng như năm nay. Thiếu tá Nguyễn Văn Thiên- Tổ trưởng Tổ biên phòng Rào Tre, người được coi là chiến sĩ xóa mù chữ cho bà con bản Rào Tre từng có mặt tại bản Rào Tre từ ngày thành lập đơn vị, sau khi hoàn thành chương trình xóa mù chữ ở đây anh đã được điều động công tác nhiều nơi khác nhau, nhưng như mối lương duyên cuối cùng lại đưa anh trở về nhận công tác ở bản chưa đầy một năm trở lại đây không giấu nổi cảm xúc nói rằng, anh chưa bao giờ thấy người dân bản Rào Tre chuẩn bị đón một cái Tết chu đáo như năm nay.

 

 Thầy mo Hồ Púc phẩn khởi nhận quà Tết

 

Theo số liệu thống kê của xã Hương Liên, huyện Hương Khê thì nạn mùa chữ của người Mã Liễng ở bản Rào Tre đã chính thức được xóa bỏ với tỷ lệ trên 99% người biết chữ; 100% người dân đã được sử dụng nguồn nước sạch; 100% hộ bà con có bảo hiểm Y tế… và đặc biệt tình trạng hôn nhân cận huyết thống hầu như được đẩy lùi, có những dấu hiệu ban đầu hết sức tích cực. Điển hình thông qua “Dự án bảo tồn phát triển cộng đồng bà con dân tộc Chứt bản Rào Tre”, hiện nay nhiều đôi nam nữ thanh niên trong bản đã lập gia đình với người kinh và người dân tộc Chứt các bản xa khác như: Chị Hồ Thị Vơn lấy anh Hồ Xuân Kham ở Tuyên Hóa (Quảng Bình); anh Hồ Sỹ lấy chị Phan Thị Vinh người kinh ở huyện Can Lộc, hay chị Hồ Thị Mai lấy anh Phan Xuân Công người kinh ở xã Phúc Đồng huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).

Vậy là đã 40 mùa xuân trôi về trên dãy núi Kà Đay cùng với 40 cái Tết của cộng đồng bà con Mã Liềng bản Rào Tre với bấy nhiêu thăng trầm... tất cả đã lẫn vào từng phách nhịp cung đàn cơ rơ bon có lúc chợt vút cao như ngọn Kà Đay kiêu hãnh, có lúc trầm lắng lại như con nước rào Tre róc rách vọng về!

 

 Người dân bản Rào Tre khấp khởi đón Tết về

 

Bản Rào Tre từ chỗ mấy túp lều lẻ loi đơn chiếc giữa đại ngàn bao la, nay đã có 41 hộ dân với 146 nhân khẩu đang hừng hực khí thế bước vào năm mới với bao dự tính tốt đẹp về tương lai phía trước!

 

 Người dân bản Rào Tre tranh thủ đan nứa rào lại ruộng vườn sau khi cấy xong

NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh