Rải tiền từ khinh khí cầu: 'Khoe tiền trước mặt vua'
- Văn hóa - Giải trí
- 21:38 - 18/06/2017
Thành ngữ vỉa hè 'khoe tiền trước mặt vua' có thể đoán chắc nó được ra đời sau ngày ông vua cuối cùng của triều Nguyễn thoái vị vào năm 1945. Trước đó, kể cả ở vỉa hè cũng không ai dám nói như vậy. Đó là tội khi quân. Có thể tù mọt gông. Đức vua được mặc định là người đương nhiên giàu nhất nước. Tài sản của ông ấy là cả một quốc gia trong đó tiền chỉ là một phần nhỏ.
Vẫn còn 44 quốc gia trên thế giới duy trì chế độ quân chủ. Tuy nhiên phần lớn trong số ấy cũng chỉ là một nền chính trị quân chủ lập hiến. Đại khái nhà vua chỉ mang tính tượng trưng. Được tôn kính. Nhưng quyền lực chủ yếu của đất nước là quốc hội. Điều hành đất nước là một chính phủ do đảng chiếm đa số trong quốc hội cử ra. Có khi liên minh với các đảng phái khác. Cũng có lúc không. Ông vua cùng với hoàng gia luôn được tôn kính cả trong chính phủ lẫn người dân. Ông thủ tướng thì chưa chắc.
Đi du lịch sang Thái Lan có thể thấy rất rõ điều này. Chỉ một hàng tạp hoá lặt vặt ở bến tàu bến xe thôi cũng có ảnh thờ Đức vua. Mở hàng bao giờ cũng là một màn cúng bái khói hương nghiêm trang thành kính.
Việt Nam đã bãi bỏ chế độ quân chủ 72 năm rồi. Tuy nhiên kinh đô cuối cùng của nhà Nguyễn vẫn còn mang đậm dấu ấn của 143 năm trị vì. Đền đài, lăng tẩm đã và đang được phục dựng, tu sửa để phục vụ mục đích du lịch, hội hè. Đặc biệt nhất là con cháu hoàng tộc vẫn còn sinh sống ở kinh thành Huế rất nhiều.
Sẽ không ngạc nhiên khi khách du lịch vẫn cảm nhận rất rõ phong thái sinh hoạt hết sức cẩn trọng, lịch duyệt của cư dân trên mảnh đất này. Từ cách ăn mặc nền nã cho đến tác phong chậm rãi đường hoàng và trật tự. Từ cách chế biến món ăn cầu kì kiểu cách cho đến những lễ hội mang sắc thái dân tộc Việt đậm nét. Tất cả làm nên một quần thể di tích cố đô sang trọng mà gần gũi. Trang nghiêm mà tươi tắn mến khách.
Có rất nhiều truyền thuyết về mức độ chơi ngông của các công tử Bạc Liêu hồi đầu thế kỉ trước. Họ từng đốt tờ 100 cho nhau tìm tờ 5 đồng. Họ từng đốt tiền để thi nấu chè xem ai đun sôi trước. Từng đốt tiền cho chân dài tìm guốc bị mất. Tất nhiên các chân dài ngày ấy đều mới tập tọng đi guốc thì chuyện thất lạc là bình thường. Tuy nhiên mọi trò chơi ngông ấy chỉ xảy ra ở miệt vườn xa lắc Nam Bộ. Không có truyền thuyết nào nói các ông dám mang những trò ngông cuồng ấy ra kinh đô Huế để so tiền. Và hậu vận phá sản của các công tử Bạc Liêu là điều ai cũng đã biết.
Một lượng tiền thật được rải từ trên khinh khí cầu xuống TP Huế - Ảnh: Nhật Linh/ TTO
Vậy mà hôm 16-6 vừa qua có một anh chàng Phạm Tuấn Sơn nào đó vô danh cả về tiền bạc lẫn chữ nghĩa đã thực hiện một màn trình diễn quảng cáo cho cuốn sách “Dám làm giàu” tự mình viết và in ra ngay tại cố đô Huế. Quảng cáo sách là một việc đã trở nên quen thuộc vài năm nay trên cả nước. Và những cuộc như thế thường là hiu hắt khán giả. Sách mang giới thiệu dù có được tác giả kí tặng cũng chẳng thu hút được bao nhiêu người. Cho nên quảng cáo là việc cần thiết và không có gì sai nếu như nó diễn ra trong trật tự và mang tinh thần phổ biến văn hoá đọc.
Tác giả “Dám làm giàu” không chọn cách thông thường. Anh ta thuê một khinh khí cầu từ Thái Lan về và bay trên sân vận động Tự Do thành phố Huế. Đỉnh điểm của hành vi này là động tác rải phong bì lì xì đựng tiền thật từ trên trời xuống cho đồng bào mình xúm lại nhặt. Một hành vi mà chưa ai từng dám làm kể cả các công tử Bạc Liêu.
Phóng viên các báo tìm hiểu kĩ thì biết những người nhặt tiền ở đây là được ban tổ chức thuê để làm việc ấy. Ai cũng biết người dân ở đất thần kinh này có lòng tự trọng rất cao, khó lòng để ai đó xúc phạm nhân cách. Thuê tiền để người ta nhặt tiền lại là chuyện khác. Nó chỉ như một công việc lương thiện của người lao động mà thôi nhưng độ xúc phạm của nó là không hề nhỏ và kém lương thiện.
Ta đều biết rằng Thừa Thiên-Huế không phải là một tỉnh giàu có. Thậm chí những huyện miền núi còn rất nghèo, phải nhận cứu trợ liên tục hàng năm. Hành vi rải tiền đã xúc phạm đến họ một cách nghiêm trọng.
Luật pháp đã có những qui định chặt chẽ về cách thức đối xử với đồng tiền. Rải tiền là hành vi phạm pháp rất khó chấp nhận. Và về khía cạnh quảng bá cho một cuốn sách hình như đã gây tác dụng ngược. Có ai dở hơi đến mức đọc cuốn sách “Dám làm giàu” để khi giàu rồi sẽ mang tiền lên khinh khí cầu rải xuống không? Thật là một tấm gương giàu có rất kinh dị.
Thừa Thiên-Huế cũng có sở Văn hoá Thể thao & Du lịch. Những hoạt động biểu diễn và triển lãm ở nơi công cộng đều phải xin phép đàng hoàng theo qui định. Chẳng biết cơ quan quản lí văn hoá tỉnh này có cấp phép cho màn biểu diễn rải tiền hay không? Chúng ta đành phải chờ việc giải thích của họ vậy thôi!
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc