Rà soát xử lý hành vi sử dụng lao động trẻ em
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 02:09 - 13/08/2016
Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong thời gian vừa qua, vẫn có những nơi chưa thực hiện tốt các quy định về cấm sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, nhất là trong khu vực phi chính thức và các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Đặc biệt, trong các ngành ăn uống, nhà hàng, chế biến gỗ, thủy hải sản, cao su, sản xuất gạch.
Một số trẻ em vẫn tham gia vào những công việc có thời gian kéo dài, các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc có tính chất nhạy cảm, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách, sự phát triển về thể chất, tinh thần và cơ hội học tập của trẻ. Một số nơi còn xảy ra tình trạng lao động cưỡng bức, vi phạm pháp luật Việt Nam cũng như vi phạm các tiêu chuẩn lao động Quốc tế mà Việt Nam đã hoặc chuẩn bị tham gia. Nguyên nhân là do nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động, nhưng cũng có nguyên nhân do công tác quản lý nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu.
Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các tỉnh trên cả nước chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành tại địa phương tiếp tục tăng cường rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất có nhiều nguy cơ sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, kể cả những nơi có liên quan đến sử dụng lao động là phạm nhân trên địa bàn. Cần tập trung kiểm tra các ngành may mặc, nhà hàng, chế biến gỗ, thủy hải sản, cao su, sản xuất gạch. Xử lý kịp thời theo đúng các quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp, đơn vị vi phạm.
Tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật lao động về lao động trẻ em, lao động cưỡng bức nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động. Sở LĐ-TB&XH có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH trong việc xử lý, trả lời các thông tin mà người dân, người lao động và các tổ chức phản ánh về việc vi phạm pháp luật lao động thuộc địa bàn quản lý. Các tỉnh triển khai chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện, xử lý về Bộ LĐ-TB&XH trước ngày 15/11.