Rà soát tình hình triển khai thoản thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn
- Bài thuốc hay
- 17:37 - 09/12/2022
Hội nghị nhằm mục đích rà soát tình hình thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trao đổi những vấn đề ưu tiên nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Thỏa thuận GCM trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá những biến động nhanh chóng của di cư quốc tế trong thời gian qua đặt ra những thách thức mới, đó là làm thế nào để hạn chế các tác động bất lợi xảy ra bất ngờ đối với di cư quốc tế nhằm bảo đảm di cư hợp pháp, an toàn cũng như tính chắc chắn và dễ dự đoán của di cư, tối đa hóa những mặt tích cực mà di cư đem lại cho các quốc gia cũng như chính bản thân người di cư. Đối với Việt Nam, mặc dù việc triển khai thực hiện Thỏa thuận GCM diễn ra vào thời điểm hết sức khó khăn khi đại dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài nhưng các bộ, cơ quan, địa phương cơ bản đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện với sự nghiêm túc, khẩn trương và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ trung ương tới địa phương, làm sâu sắc hơn trách nhiệm và cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy triển khai Thỏa thuận GCM ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu. Về việc triển khai Thỏa thuận GCM cũng như giải quyết các vấn đề di cư, Trợ lý Bộ trưởng cũng khẳng định quan điểm của Việt Nam là luôn ủng hộ cách tiếp cận mở, bao trùm, công bằng và toàn diện về di cư cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này; cần tăng cường đối tác toàn cầu để huy động nguồn lực, tập trung vào các vấn đề ưu tiên và mới nổi, đảm bảo tính chắc chắn và tính dễ dự đoán của các kênh di cư hợp pháp và an toàn; đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Chia sẻ với phát biểu của Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ, bà Park Mi-Hyung, Trưởng Phái đoàn đại diện Tổ chức Di cư quốc tế cho rằng an toàn và hạnh phúc của người di cư chỉ có thể được bảo đảm một cách đầy đủ nếu như có sự hợp tác toàn diện, mạnh mẽ và tự nguyện của các bên liên quan. Bà Park Mi-hyung đánh giá cao cam kết, quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai Thỏa thuận GCM thời gian qua cũng như sự tham gia tích cực của Việt Nam tại Hội nghị rà soát Thỏa thuận GCM khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Diễn đàn rà soát di cư quốc tế lần thứ nhất (New York, Mỹ từ 17-20/5/2022) trong nỗ lực đa phương và hợp tác quốc tế về di cư để xác định những thách thức, cơ hội và các vấn đề nổi lên liên quan đến việc triển khai Thỏa thuận GCM, đặc biệt trong bối cảnh hậu COVID-19; mong muốn Hội nghị sẽ tổng kết những bài học tốt, những cách làm hay, xác định những vấn đề cần củng cố, các lĩnh vực ưu tiên để nâng cao hiệu quả triển khai Thỏa thuận trong năm tiếp theo.
Theo Báo cáo năm 2022 về tình hình di cư thế giới của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), có khoảng 281 triệu người di cư quốc tế trong năm 2020, chiếm khoảng 3,6% dân số thế giới, trong đó ước tính sụt giảm khoảng 2 triệu người do tác động của đại dịch COVID-19. Dự đoán, đến năm 2030, sẽ có khoảng hơn 350 triệu người di cư với lượng tiền gửi là 5,4 nghìn tỉ đô la Mỹ, gấp 2 lần GDP của Châu Phi trong năm 2021.
Hội nghị gồm 2 phiên chính, tập trung vào các nội dung: rà soát tình hình thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM và trao đổi những phương hướng cần thúc đẩy trong thời gian tới.
Trong phiên 1 của Hội nghị, đại diện Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã có bài trình bày cập nhật tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài và người nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2021-2022 và báo cáo rà soát tình hình thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM của Việt Nam trong năm 2022. Hội nghị cũng nghe đại diện một số Bộ, địa phương chia sẻ về những kết quả nổi bật trong việc triển khai Thỏa thuận GCM trên các lĩnh vực như di cư lao động, cấp giấy tờ hộ tịch, quốc tịch cho người di cư, công tác hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương trở về tái hòa nhập cuộc sống, sức khỏe người di cư, công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, công tác thống kê di cư lao động, phòng, chống di cư qua các kênh không chính thức.
Trong Phiên 2, đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) trao đổi kết quả Diễn đàn rà soát Thỏa thuận GCM lần thứ nhất tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (17-20/5/2022, New York); chia sẻ một số khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc thực hiện Thỏa thuận GCM. Đồng thời, toàn thể Hội nghị cũng đã trao đổi thêm về những vấn đề ưu tiên cũng như các giải pháp cụ thể từ cấp trung ương tới địa phương nhằm triển khai một cách toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ của Kế hoạch, tạo môi trường di cư an toàn, hợp pháp, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của người di cư, giúp họ phát huy vai trò và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nước đến, quê hương và chính bản thân mình.
TÌNH HÌNH DI CƯ CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM RA NƯỚC NGOÀI
11 tháng đầu năm 2022, số công dân Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 122.004 lao động;
Theo báo cáo của 57 địa phương, năm 2021, có 2.724 du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có 630 người đi theo diện học bổng, 2.094 người đi theo diện tự túc.
Theo Bộ Tư pháp, công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài: có 10.512 trường hợp kết hợp có yếu tố nước ngoài, trong đó nhiều nhất là với người Hàn Quốc: 2.109 và tiếp đó là Đài Loan (1.964). So với năm 2021, số công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tăng gần 4,6 lần. Tính đến tháng 11/2022, số công dân Việt Nam được nhận làm con nuôi người nước ngoài là 143 trường hợp, tăng thêm 18 trường hợp so với năm 2021.
Thời gian qua, mặc dù di cư quốc tế đã phục hồi trở lại nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng di cư qua các kênh không chính thức, nạn đưa người di cư trái phép và mua bán người vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong năm 2022, tiếp tục nổi lên vấn đề công dân Việt Nam bị lừa đảo lao động tại Cam-pu-chia trong các sòng bạc, cơ sở kinh doanh game trực tuyến. Tình trạng này diễn ra tại hầu hết các địa phương, nhiều nhất là tại các tỉnh Lào Cai, Thanh Hóa, Long An, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Tuyên Quang . Bên cạnh đó, còn có tình trạng công dân Việt Nam bị đưa đi di cư trái phép giữa các nước Châu Âu , với phương thức thủ đoạn đưa người di cư khá đa dạng: tổ chức, cho người xuất cảnh theo diện du lịch, sau đó tìm cách trốn ở lại; hợp thức hóa hồ sơ để xin cấp thị thực thương mại nhập cảnh; giả mạo hồ sơ để xin cấp thị thực; xuất cảnh theo diện học sinh tham gia trại hè rồi bỏ trốn sau khi nhập cảnh...Trong năm 2021, số lượng công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép là 15.674 lượt công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép, chủ yếu là qua đường bộ. 6 tháng đầu năm 2022: Có 7.650 trường hợp xuất cảnh trái phép, chủ yếu qua đường bộ (1.654 trường hợp).
Về nạn nhân bị mua bán qua biên giới: Năm 2021: xác định 31 trường hợp nạn nhân (giảm 25,6% so với năm 2019: 121 nạn nhân). 6 tháng đầu năm 2022: xác định 115 trường hợp nạn nhân.
Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em trong độ tuổi từ 16 đến 28, cư trú ở các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Đa số nạn nhân có trình độ dân trí thấp, nhận thức xã hội và pháp luật hạn chế, có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, mong muốn tìm việc làm với thu nhập cao, muốn lấy chồng nước ngoài để đổi đời hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm sống, dễ tin người, thích đi du lịch, khám phá… nên dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lừa gạt hoặc đe dọa, không chế để bán ra nước ngoài.
Tội phạm mua bán người xảy ra chủ yếu ở các địa phương là miền núi, vùng sâu, vùng xa như vùng Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Trung Bộ; trong đó, các tỉnh có nhiều trường hợp về tội phạm mua bán người bao gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.