Ra nước ngoài làm việc bằng con đường hợp pháp mới an toàn
- Bài thuốc hay
- 14:22 - 31/10/2019
4 hình thức đi làm việc ở nước ngoài
Ông Nguyễn Gia Liêm cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam, hiện người lao động có thể ra nước ngoài làm việc theo 4 hình thức: Thông qua doanh nghiệp hoạt động dịch vụ có Giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thông qua Tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, như Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, đi Nhật Bản theo Chương trình hợp tác với IM Japan, hay đi học tập và làm việc tại CHLB Đức; thông qua các doanh nghiệp đưa người lao động của doanh nghiệp đi làm việc ở nước ngoài theo dự án nhận thầu, khoán công trình, đầu tư ra nước ngoài hoặc đưa đi thực tập nâng cao tay nghề; và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân.
Ngoài ra, thời gian gần đây có thêm hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua thỏa thuận giữa các địa phương Việt Nam với địa phương nước ngoài, chủ yếu là lao động đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc với thời hạn ngắn (3 tháng)...
Trong các hình thức đi làm việc ở nước ngoài nói trên, đối với thị trường châu Âu chủ yếu đi thông qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ và hình thức hợp đồng cá nhân.
Đối với hình thức qua các doanh nghiệp dịch vụ, sau khi các doanh nghiệp ký kết hợp đồng với bên nước ngoài sẽ làm thủ tục đăng ký hợp đồng tại Cục Quản lý lao động ngoài nước, nếu hợp đồng được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận thì doanh nghiệp sẽ tổ chức hiện tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động và đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân, người lao động phải tự đàm phán và ký hợp đồng lao động với chủ sử dụng ở nước ngoài và làm thủ tục đăng ký hợp đồng với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương - nơi người lao động cư trú. Việc đăng ký và được sự chấp thuận của cơ quan quản lý sẽ đảm bảo được sự quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; đồng thời qua đó, người lao động có thể xác định tính pháp lý của những hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo được các quyền lợi, chế độ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Di cư bất hợp pháp: Rủi ro và nguy hiểm
Theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, thị trường châu Âu, đặc biệt là các nước Đông Âu là nơi có cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc từ hàng chục năm lại đây. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường lao động khá khó tính, với yêu cầu thủ tục nhập cảnh vào làm việc chặt chẽ (trình độ tay nghề, kỹ năng, bằng cấp, ngoại ngữ…).
Gần đây, do kinh tế phát triển ổn định, một số nước khu vực châu Âu thiếu nhân lực trong một số lĩnh vực nên có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam đến làm việc. Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đã và đang triển khai thực hiện các hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở một số nước thuộc châu Âu với khoảng 6.000 người, chủ yếu ở các nước như: Rumani, Ba Lan, Sip, Slovakia… với mức thu nhập trung bình khoảng 500 – 1.000 USD, tùy theo từng ngành nghề, công việc người lao động làm. Bên cạnh đó, một số người Việt Nam đi sang các nước theo hình thức cá nhân để làm việc, kinh doanh…
Hiện nay Cục Quản lý lao động ngoài nước đã thẩm định và chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động của một số thị trường và điều kiện hợp đồng như sau: Ba Lan có nghề hàn, cơ khí, chế biến thực phẩm, chi phí đi 3.000 USD; Lithuania có nghề hàn, may mặc, chi phí đi 1.000-1.500 USD; Hungari có nghề nông nghiệp, công nghiệp, chi phí đi 1.650 USD; Bulgaria có nghề cơ khí, chế biến gỗ, may công nghiệp, chi phí đi 1.000 USD; Cộng hòa Cyprus có nghề nông nghiệp, chi phí đi 1.700 USD; Thổ Nhĩ Kỳ có nghề may, chi phí đi 1.300 USD; Slovakia có nghề điện tử, chi phí đi 4.000 USD; Belarus có nghề xây dựng, hàn, mộc chi phí đi 3.500 USD; Bồ Đào Nha có nghề nông nghiệp, chi phí đi 2.000 USD.
Các thị trường này có mức lương dao động từ 360-580 EUR/ tháng.
Tuy nhiên, do số lượng tiếp nhận lao động của các nước này còn hạn chế, trong khi có rất nhiều lao động có nhu cầu đến làm việc, thêm vào đó người lao động không có đủ các điều kiện tiêu chuẩn về nghề nghiệp và ngoại ngữ, tâm lý muốn được đi nhanh... nên nhiều người đã nghe theo lời dụ dỗ, hay các thông tin không trung thực của các tổ chức, cá nhân môi giới, lừa đảo; không lường trước được những hậu quả rủi ro và nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình di cư bất hợp pháp.
"Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một chủ trương đúng đắn. Việc người lao động ra nước ngoài làm việc với mong muốn có thu nhập cao hơn, có cơ hội học hỏi, năng cao trình độ cho bản thân, cũng như cải thiện đời sống gia đình là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, người lao động cần nhận thức được việc ra nước ngoài làm việc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật nước tiếp nhận để được pháp luật bảo vệ, tức là đi làm việc bằng con đường hợp pháp thì mới an toàn", ông Nguyễn Gia Liêm nhấn mạnh.
Ông Liêm khuyến cáo, để đảm bảo việc đi làm việc ở nước ngoài một cách an toàn, hợp pháp, người lao động cần phải tìm hiểu các thông tin về thị trường lao động ngoài nước, các quy định pháp luật liên quan đến việc đi làm việc ở nước ngoài, cũng như đến đúng các doanh nghiệp, tổ chức có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng cá nhân cần ký trực tiếp hợp đồng với chủ sử dụng lao động, đồng thời đề nghị cung cấp các giấy tờ hợp pháp liên quan đến việc làm thủ tục nhập cảnh đến nước làm việc và đăng ký đi làm việc ở nước ngoài với cơ quan quản lý lao động tại địa phương để được hỗ trợ, xác minh, cũng như bảo đảm các quyền lợi, nghĩa vụ trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài.
Ngoài ra, người lao động có quyền yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân người tuyển dụng cung cấp thông tin, đầy đủ và rõ ràng về người sử dụng ở nước ngoài, địa chỉ làm việc, nội dung công việc, các điều kiện làm việc, ăn ở, các quyền lợi về tiền lương, bảo hiểm và các chế độ khác. Đặc biệt cần làm rõ các khoản chi phí để đi làm việc ở nước ngoài cũng như yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp thu tiền phải có hóa đơn trên đó ghi rõ tên doanh nghiệp, tổ chức, chữ ký của người có trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức…
Trong trường hợp lao động đang làm việc ở nước ngoài nếu cần sự giúp đỡ thì liên hệ với Cơ quan đại diện (Đại sứ quán/ Ban Quản lý lao động) Việt Nam ở nước sở tại; Cục Lãnh sự - Bộ ngoại giao (đường dây nóng bảo hộ công dân); Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).