THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:52

Ra mắt Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam

Đây là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp chịu sự quản lý của Bộ Y tế và các bộ, ngành khác có liên quan về lĩnh vực Hội hoạt động. Ra đời trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng góp vào công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống nhiễm khuẩn trong khám chữa bệnh và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Lễ ra mắt Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam tại TP.HCM

Lễ ra mắt Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam tại TP.HCM

Đại hội thành lập Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức bằng hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến với đầu cầu trực tiếp tại TP.HCM và 128 điểm cầu trong cả nước vào ngày 18/12/2021, với sự tham gia của gần 300 đại biểu. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam, nhiệm kỳ 2021 - 2026 gồm 27 ủy viên, Ban thường vụ gồm 11 uỷ viên. Ban Kiểm  tra gồm 3 thành viên, với tân Chủ tịch là PGS.TS.BS. Thầy thuốc nhân dân Lê Thị Anh Thư.

Đến dự và phát biểu chúc mừng đại hội có ông Phạm Trung Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ Bộ Nội vụ; PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia; PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên – Chủ tịch Tổng Hội Y Dược học Việt Nam; nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; ThS Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam; BS. Matthew Moore – Giám đốc Chương trình an ninh y tế toàn cầu, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam, BS. Satoko Otsu – Trưởng Nhóm đáp ứng sự kiện y tế cộng đồng khẩn cấp, Tổ chức Y tế thế giới cùng các chuyên gia y tế đầu ngành.

Phát biểu tại Đại hội thành lập Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam, PGS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng Hội Y Học Việt Nam cho rằng: “Chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức trong hoạt động phòng chống đại dịch COVID-19 khi giai đoạn 4 của dịch vừa giảm nhưng chưa thực sự chấm dứt. Trong khi đó, một giai đoạn bình thường mới vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế khoa học, an toàn và hiệu quả được bắt đầu. Đây chính là những thách thức mới cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và việc thành lập Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Việt Nam là một yêu cầu chính đáng, khẩn thiết để có thể sẻ chia, động viên to lớn đối với ngành y tế và bảo vệ các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và bảo vệ sức khỏe của cộng đồng”.

PGS. TS. Thầy thuốc Nhân dân Lê Thị  Anh Thư

PGS. TS. Thầy thuốc Nhân dân Lê Thị Anh Thư

Tân Chủ tịch Hội KSNK Việt Nam, PGS. TS. Thầy thuốc Nhân dân Lê Thị Anh Thư chia sẻ, “trong quá trình làm việc, các chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) đã nhận thấy rất cần phải xây dựng Hội KSNK quốc gia để cùng nhau đoàn kết, có một tiếng nói chung ở tầm quốc gia về các đường lối và các hướng dẫn KSNK. Đây là lúc chín muồi để Hội KSNK Việt Nam ra đời,  với mong muốn đây sẽ là bước ngoặc để đưa ngành KSNK hoạt động hiệu quả hơn, thiết thực hơn. Với sự thành lập của Hội KSNK Việt Nam, cùng với sức mạnh trí tuệ, sự tâm huyết, trách nhiệm và tinh thần đoàn kết của các thành viên, Hội sẽ là cầu nối và là tổ chức giúp hướng dẫn, định hình mô hình KSNK tiên tiến, phù hợp với sự phát triển của đất nước trong tình hình mới.  Trong giai đoạn đại dịch vẫn còn diễn tiến phức tạp, sự ra đời của Hội KSNK Việt Nam là sự sẻ chia, góp sức cùng Bộ Y tế hỗ trợ, duy trì các dịch vụ chăm sóc, điều trị thiết yếu bằng cách ngăn chặn sự lây truyền COVID-19 ở các cơ sở y tế, giữ cho người bệnh và nhân viên y tế khỏe mạnh và an toàn”.

PGS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: “Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, tăng biến chứng, ngày điều trị, chi phí nằm viện, tỷ lệ tử vong. Nhiễm khuẩn bệnh viện cũng gây quá tải, giảm chất lượng và uy tín bệnh viện và trở thành gánh nặng chăm sóc y tế. Vì vậy, sự ra đời của Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam sẽ giúp cho các bệnh viện trong cả nước cùng nhau phát triển trong lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn tạo văn hoá kiểm soát nhiễm khuẩn và an toàn người bệnh được nâng cao”.

Với mục tiêu “tiến đến không có nhiễm khuẩn bệnh viện, đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế”, KSNK đã được ngành y tế đưa vào như một lĩnh vực chuyên môn cùng với các chuyên ngành lâm sàng, cận lâm sàng khác kể từ năm 1997. Một mô hình KSNK bao gồm hệ thống KSNK với Hội đồng, Khoa/Tổ và Mạng lưới KSNK đã được thành lập ở hầu hết cả các các cơ sở y tế, nhiều hoạt động KSNK đã được chuẩn hóa qua  nhiều thông tư, quyết định của Bộ Y tế. Đặc biệt, Thông tư 16/2018/TT-BYT đã đưa ra 13 quy định về công tác KSNK ở trong các cơ sở khám chữa bệnh phải đạt được: Từ xây dựng hệ thống KSNK, tổ chức giám sát thực hành phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện, phát hiện và xử trí các ca nhiễm khuẩn bệnh viện đến các hoạt động tăng cường vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử tiệt khuẩn các dụng cụ dùng lại trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phòng ngừa tai nạn nghề nghiệp, quản lý chất thải, đồ vải của người bệnh, nhân viên y tế, sắp xếp người bệnh cho đến các hoạt động ứng phó với các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch, hoạt động đào tạo, huấn luyện, truyền thông và cải tiến các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm trong các cơ sở khám chữa bệnh đã trở thành những hoạt động không thể thiếu và ngày càng được chuẩn hoá và đi vào nề nếp trong các bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện.

Đại hội KSNK đã thống nhất đưa ra những phương hướng và kế hoạch hành động cho nhiệm kỳ 5 năm 2021 - 2026 bao gồm triển khai các chương trình hoạt động, xây dựng và phát triển tổ chức Hội, tiến tới là hạt nhân nòng cốt để góp phần tích cực vào việc hoàn thiện các thể chế chính sách tư vấn đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về KSNK tại Việt Nam. Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước, Hội KSNK Việt Nam sẽ nhanh chóng bắt kịp với xu thế phát triển của KSNK thế giới và khu vực…

Trần Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh