CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:34

Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện: Thách thức lớn của ngành y

Gây kháng thuốc, lây chéo trong bệnh viện

Tại cuộc hội thảo mới đây về việc tăng cường hợp tác giữa Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) với Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) trong lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn, bác sĩ Hoàng Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, một nghiên cứu cắt ngang của Bộ Y tế trên 9.345 người bệnh tại 10 bệnh viện cho thấy, tỷ lệ NKBV 5,8% và viêm phổi bệnh viện chiếm 55,4%. Cũng thời gian này, một nghiên cứu cắt ngang khác của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh trên tất cả các bệnh viện công lập cho thấy, tỷ lệ NKBV là 6,4%, trong đó viêm phổi đứng hàng đầu với 54,3%, kế đến là nhiễm khuẩn tiết niệu (12,3%), nhiễm khuẩn vết mổ và nhiễm khuẩn huyết tương tương đương nhau (10%).

Trong những nguyên nhân gây ra tình trạng kháng thuốc hiện nay thì NKBV là một trong những nguyên nhân đáng lo ngại. Nhiều nghiên cứu cho thấy, NKBV làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và chi phí điều trị. NKBV kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 7-15 ngày, dẫn đến chi phí của một bệnh nhân NKBV thường gấp 2 đến 4 lần so với trường hợp không NKBV.

Vệ sinh bàn tay là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các nhân viên y tế trước khi thực hiện các thủ thuật.

Trong  lĩnh vực sản khoa và nhi khoa, chống NKBV càng đặc biệt quan trọng, bởi nguy cơ cho thai phụ và trẻ sơ sinh rất cao.  Bệnh viện Phụ sản TƯ thường xuyên tiếp nhận nhiều thai phụ do không biết cách thực hành vệ sinh tốt, bị nhiễm khuẩn phần phụ, tình trạng này có thể gây viêm nhiễm ngược dòng lên tử cung, đe dọa sự an toàn của thai nhi, khi sinh con trẻ bị nhiễm khuẩn rất nặng ngay trong buồng tử cung, thậm chí không giữ được thai do viêm nhiễm dẫn đến vỡ ối non. Đối với trẻ sơ sinh, ngay cả nhiễm khuẩn ngoài da, việc chuyển bệnh nhân từ giường bệnh này sang giường khác, hay vô tình trong khâu chăm sóc của y tá điều dưỡng, vi khuẩn từ da và bàn tay của nhân viên y tế đã chuyển sang người bệnh đều có thể gây nhiễm khuẩn. Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiễm khuẩn là nguyên nhân thường gặp nhất gây tử vong giai đoạn trẻ sơ sinh chiếm tỷ lệ 32%.

Chưa được quan tâm, đầu tư thích đáng

Tại Việt Nam, các nghiên cứu ở các bệnh viện đã chỉ ra chi phí kháng sinh tăng thêm hàng năm do điều trị các nhiễm khuẩn vi khuẩn đa kháng, trung bình mỗi ca bệnh lên đến trên 10 triệu đồng, cá biệt có trường hợp tốn hàng trăm triệu đồng...Hiện nay, mô hình bệnh tật của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, tỷ lệ bệnh lây nhiễm vẫn còn ở mức cao, tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh. Các dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A như: Cúm A (H1N1, H5N1), Ebola, Mers-Cov và các dịch bệnh nguy hiểm khác lây lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là trong bệnh viện, có tỷ lệ tử vong cao có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, việc phát triển những kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh như phẫu thuật nội soi, ghép tạng, phẫu thuật tim mạch... càng đòi hỏi công tác kiểm soát NKBV phải được tăng cường, phát triển tương xứng để bảo đảm hạn chế nhiễm khuẩn, hạn chế lây nhiễm chéo, an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

Trên thực tế, không ít lãnh đạo bệnh viện chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn nên chưa đầu tư đúng mức cho công tác này. Hiện có tới 36% lãnh đạo khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, 79,1% nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, còn 8,9% bệnh viện chưa thành lập Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn; 15,1% bệnh viện chưa có mạng lưới này... Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Có gần 40% bệnh viện không có đủ tối thiểu 1 buồng cách ly đúng quy định ở các khoa lâm sàng; 46,5% bệnh viện không có đơn vị tiệt khuẩn tập trung đạt chuẩn...

Đặc biệt, nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn còn rất hạn chế. Đa số nhân viên phụ trách công tác giám sát NKBV  chưa được đào tạo thực hiện giám sát chuyên trách; 49,1% nhân viên mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được đào tạo về lĩnh vực này... Hầu hết cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của các bệnh viện đều đạt chuẩn ở mức độ thấp, gây ảnh hưởng đến triển khai các hoạt động kiểm soát lây nhiễm, chất lượng khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ, chất lượng nước thải lỏng và các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn khác…   

CDC đã cam kết hỗ trợ ngành y tế trong lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn. Theo đó trong năm 2016, CDC sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách công tác kiểm soát nhiễm khuẩn cho 6 bệnh viện Việt Nam tại Singapore; hỗ trợ Việt Nam trong việc hoàn thiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy trình kỹ thuật và các tài liệu chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn.

Bộ Y tế cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành y tế sẽ tập trung nâng cao năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh