THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:38

Quyết tâm xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm phát triển của vùng Tây Nguyên

Biểu diễn nghệ thuật chào mừng

Biểu diễn nghệ thuật chào mừng

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự chỉ đạo hội nghị; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sĩ Hiệp; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung; Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng, các nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh; Cùng đại diện các nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Nhiều tiềm năng lợi thế

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết: Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa rất quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đắk Lắk. Nhận thức vai trò và tầm quan trọng của việc quy hoạch đối với sự phát triển của tỉnh, xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, là công cụ cần thiết trong quá trình quản lý, điều hành thống nhất, xuyên suốt kế hoạch phát triển KT-XH cũng như phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo thêm động lực, sức lan tỏa trong thu hút đầu tư phát triển không chỉ đối với Đắk Lắk mà còn của cả khu vực Tây Nguyên.Vấn đề quan trọng đặt ra là thực hiện một cách đồng bộ, khoa học các quy hoạch, cơ chế, chính sách.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận đánh giá cao, biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã đạt được trong suốt chặng đường vừa qua. Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk được công bố hôm nay, được xây dựng trên những lợi thế từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thế mạnh từ con người của thủ phủ Tây Nguyên. Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển về kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Để quy hoạch trên phát huy được trong thời gian tới, Phó Thủ tướng lưu ý tầm trọng của việc quy hoạch, mặc dù Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng có quá trình phát triển đi sau nhiều tỉnh thành trên cả nước nhưng với những tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhà từ thiên nhiên, vị trí cùng các bài học kinh nghiệm của các tỉnh, đô thị phát triển đi trước nên dễ dàng giải quyết được các bài toán còn tồn tại trên nhiều lĩnh vực. Như quy hoạch đồng bộ, hướng tới tương lai, bảo tồn và phát triển, liên kết tỉnh, liên kết vùng, liên kết quốc gia. Sau khi có quy hoạch cần có kế hoạch triển khai, muốn làm tốt điều này lãnh đạo các bộ, ngành, cùng các địa phương trong vùng cần ngồi lại với nhau để tạo sự đồng thuận, đưa ra các giải pháp đồng bộ mới phát huy hiệu quả cao nhất.

Có thể thấy với những tiềm năng nắng, gió (năng lượng xanh), điều kiện tự nhiên cùng các lợi thế đặc biệt cùng với quyết tâm cao độ từ Trung ương đến địa phương, Đắk Lắk hoàn toàn có thể phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo động lực cho kinh tế đô thị đồng bộ, trở thành vùng đất đáng sống, thu hút tốt đầu tư, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân. Cần khẳng định du lịch chắc chắn là điểm mạnh của Đắk Lắk, nếu các tỉnh Tây Nguyên tạo thành một con đường mà trong đó lấy tiềm năng, lợi thế từ cảnh quan tự nhiên, thiên nhiên hùng vĩ tươi đẹp và nguyên sơ sẽ khiến các ngành du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng gắn với văn hóa, bản sắc dân tộc vô cùng phát triển, yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần quan tâm, sớm tham mưu cho Đắk Lắk cùng các địa phương lựa chọn được hướng đi thích hợp, kế hoạch phát triển bài bản. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột là một minh chứng sống cho thấy du lịch dựa vào nông nghiệp, lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương... Với tinh thần khẩn trương, cao độ và hết sức nghiêm túc, sau buổi công bố quy hoạch tỉnh Đắk Lắk, rất mong sẽ tiếp tục nhận được các đề xuất của Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên để giải quyết được bài toán cụ thể hóa, chuẩn bị quá trình tiếp theo cho quy hoạch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như cá nhân Phó Thủ tướng cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ hết mình trong quá trình triển khai quy hoạch.

Thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời chúc Tết Nguyên đán đến các đồng chí, đồng bào nhân dân Đắk Lắk có nhiều niềm vui, sức khỏe, thành công và thịnh vượng.  

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị phát biểu khai mạc

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị phát biểu khai mạc

Nhiệm vụ trọng tâm, đột phá

Ngày 30/12/2023 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1747/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bám sát chủ trương, đường lối phát triển của Đảng, Nhà nước; Các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; Bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng Tây Nguyên.

Phát triển KT-XH nhanh, bền vững, toàn diện trên cơ sở tập trung, thu hút, huy động nguồn lực để phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, tập trung vào bốn trụ cột tăng trưởng: Phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, hướng tới thị trường xuất khẩu; Công nghiệp chế biến Nông-Lâm-Thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; Dịch vụ logistics, du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số.

Phát triển xã hội lấy con người là trung tâm, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện phát triển đồng đều giữa các đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển trên cơ sở các động lực tăng trưởng mới dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đắk Lắk tập trung trọng tâm: Cơ cấu lại các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; Phát triển mạng lưới đô thị; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; Tăng cường kết nối liên vùng, liên tỉnh

Đột phá phát triển: Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh; Kết nối hệ thống giao thông; Phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Tạo đột phá căn bản, toàn diện về phát triển giáo dục, đào tạo và y tế; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, văn hóa, thể thao, giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, an sinh xã hộ, an ninh quốc phòng.

Trọng điểm là thành phố Buôn Ma Thuột và phụ cận. Ba cực phát triển: thị xã Buôn Hồ, thị xã Ea Kar, thị trấn Ea Drăng và phụ cận, huyện Ea H’leo. Ba hành lang động lực gồm: hành lang kinh tế tổng hợp (Quốc lộ 14), hành lang nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế dịch vụ và du lịch (Quốc lộ 29); Hành lang phía Đông (Quốc lộ 26 và đường cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột).

Ba tiểu vùng gồm: Tiểu vùng Trung tâm gồm thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện Cư M’gar, Krông Pắc, Cư Kuin, Krông Ana và Buôn Đôn; Tiểu vùng phía Bắc gồm thị xã Buôn Hồ và các huyện: Ea Súp, Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búk; Tiểu vùng phía Đông Nam gồm các huyện: Ea Kar, M’Drắk, Krông Bông, Lắk.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk

Phương án phát triển hệ thống đô thị đến năm 2030, hệ thống đô thị tỉnh có 31 đô thị gồm: 1 đô thị loại I trực thuộc tỉnh là thành phố Buôn Ma Thuột; 1 đô thị loại III là thị xã Buôn Hồ; 6 đô thị loại IV là thị xã Ea Kar, thị trấn Phước An, thị trấn Buôn Trấp, thị trấn Ea Đrăng, thị trấn Quảng Phú, thị trấn Ea Pốk; 23 đô thị loại V. Đồng thời, chủ động rà soát, tổ chức sắp xếp lại dân cư ở khu vực nông thôn, bảo đảm bền vững, định cư lâu dài, giảm thiểu những thiệt hại tiềm ẩn do thiên tai gây ra...., cần tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, phát

triển nguồn nhân lực, môi trường, khoa học và công nghệ; thực hiện cơ chế, chính sách liên kết phát triển, quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Nhuận Lê

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh