Quyết định của Bộ trưởng Công Thương: Dân nhập ô tô mừng rỡ
- Huyệt vị
- 14:18 - 14/03/2017
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2011/TT-BCT ngày 12/5/2011 quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Thông tư mới đã bãi bỏ khoản 2 Điều 1 của Thông tư 20. Cụ thể, Bộ Công Thương đã bỏ quy định thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp.
Nhập khẩu ô tô vẫn cần có giấy ủy quyền chính hãng.
Việc bỏ quy định về Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô này, theo đánh giá của một số doanh nghiệp, là không có nhiều ý nghĩa về quy trình thủ tục kinh doanh. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến cho dân buôn ô tô nhập khẩu mừng rỡ vì việc nhập khẩu, thông quan sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Bởi, thực tế từ giữa năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định nêu rõ thông tư 19 của Bộ GTVT quy định về bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu xe ôtô đã hết hiệu lực từ ngày 1/7/2016.
Việc Bộ GTVT bỏ quy định về bảo hành bảo dưỡng ô tô, trong khi Thông tư 20 của Bộ Công Thương vẫn giữ nguyên khiến Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính “lúng túng” khi làm thủ tục nhập ô tô.
Đầu năm 2017, Bộ Tài chính đã phải có văn bản gửi Bộ GTVT làm rõ việc cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành bảo dưỡng để không gây khó cho doanh nghiệp, khi mà Thông tư 20 của Bộ Công Thương vẫn còn quy định này.
Như vậy, với việc sửa một phần Thông tư 20, thì vướng mắc của hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu ô tô đã được tháo gỡ.
Còn nhập khẩu ô tô vẫn phải tuân thủ quy định vốn dậy sóng dư luận từ năm ngoái của Thông tư 20. Đó là yêu cầu thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, phải có Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó,...
Quy định này khiến nhiều doanh nghiệp không thể xin được giấy ủy quyền chính hãng nên đã rời bỏ thị trường.