THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:02

Quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động

Để đảm bảo việc thực hiện đúng hợp đồng lao động cũng như nghĩa vụ để hạn chế tranh chấp phát sinh, đồng thời là căn cứ để giải quyết tranh chấp lao động thì hợp động lao động cần phải thỏa thuận những nội dung về quyền và nghĩa vụ của hai bên trong hợp đồng lao động. Vấn đề này được quy định tại Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Quyền và nghĩa vụ của người lao động

 Trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, người lao động luôn ở vị trị yếu thế hơn, có sự phụ thuộc và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Khi tham gia vào quan hệ lao động, người lao động phải trực tiếp thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động. Người lao động phải chấp nhận điều kiện lao động, môi trường làm việc ngay cả khi không thuận lợi. Trong các quy định của pháp luật lao động, nội dung của nguyên tắc bảo vệ người lao động không chỉ bao hàm trong việc bảo vệ sức lao động, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, mà nguyên tắc này được thể hiện trên nhiều phương diện: Việc làm, nghề nghiệp, thu nhập, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm…

Căn cứ Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động:

- Người lao động có các quyền sau đây:

+ Người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động.

+ Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

+ Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;

+ Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;

+ Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;

+ Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

+ Đình công;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:

+ Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;

+ Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;

+ Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

- Được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm.

- Trực tiếp liên hệ với người sử dụng lao động hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để tìm kiếm việc làm theo nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khỏe của mình.

Công ty Cổ phần Quốc tế BHL Group tuyển dụng lao động và phổ biến các quy định của pháp luật lao động liên quan đến người lao động.

Công ty Cổ phần Quốc tế BHL Group tuyển dụng lao động và phổ biến các quy định của pháp luật lao động liên quan đến người lao động.

 Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động

Căn cứ Điều 6 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động:

- Người sử dụng lao động có các quyền sau đây:

+ Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động để tuyển dụng lao động theo nhu cầu của người sử dụng lao động.

+Bố trí, quản lý, điều hành, giám sát lao động; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động;

+ Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;

+ Yêu cầu tổ chức đại diện người lao động thương lượng với mục đích ký kết thỏa ước lao động tập thể; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công; đối thoại, trao đổi với tổ chức đại diện người lao động về các vấn đề trong quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động;

+ Đóng cửa tạm thời nơi làm việc;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:

+ Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và thoả thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;

Người sử dụng phải thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, đó là nghĩa vụ căn bản, quan trọng nhất với tư cách là chủ thể quan hệ lao động. 

Bên cạnh đó, vì là người được quyền quản lý lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động, không ỷ thế là người nắm tài sản, nắm quyền quản lý để chà đạp, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm của người lao động với tư cách của người bị lệ thuộc, người làm thuê.

+ Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;

+ Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;

+ Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

+ Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.

Pháp luật đòi hỏi người sử dụng lao động tuân thủ các nguyên tắc, thủ tục, nội dung có liên quan đến việc sử dụng lao động, bảo đảm dân chủ trong doanh nghiệp, bảo đảm các điều kiện lao động, chịu sự kiểm soát và chịu trách nhiệm trước các cơ quan nhà nước về việc sử dụng lao động.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động

+ Phân biệt đối xử trong lao động.

+ Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.

+ Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

+ Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.

+ Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

+ Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.

- Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.

Xây dựng quan hệ lao động

- Quan hệ lao động được xác lập qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyên, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau.

- Người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động, tổ chức đại diện người lao động xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định với sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Công đoàn tham gia cùng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định; giám sát việc thi hành quy định của pháp luật về lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

BẢO NGỌC

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh