THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 08:05

Quy trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra đuối nước trẻ em

Theo số liệu thống kê, tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 558.300 trẻ em (từ 0 đến dưới 16 tuổi), chiếm 29,4% dân số toàn tỉnh; trong đó có hơn 165.700 trẻ em dưới 6 tuổi; 5.169 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 72.888 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Một hồ có cắm biển cảnh báo phòng, chống đuối nước ở huyện Cư M’gar.

Một hồ có cắm biển cảnh báo phòng, chống đuối nước ở huyện Cư M’gar.

Thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh và UBND 15 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch về chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước, bơi an toàn cho trẻ em. Tỉnh tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, cấp phát tờ rơi, tranh áp phích về phòng đuối nước, cắm biển báo, biển cấm bơi tại các ao, hồ, sông, suối; tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích và tai nạn đuối nước cho trẻ em; tổ chức thi đấu bơi lội tại các giải thể thao.

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai xây dựng các mô hình ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Toàn tỉnh hiện có 2.200 cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở thôn, buôn, tổ dân phố.

Mặc dù triển khai nhiều giải pháp, song giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Đắk Lắk có 579 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích; trong đó 368 trẻ tử vong do tai nạn đuối nước. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Đắk Lắk có 55 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị tai nạn, thương tích và tử vong là do tỉnh Đắk Lắk có nhiều ao, hồ, sông, suối, nước lớn và mạnh vào mùa mưa (tháng 5 đến tháng 10); nhiều gia đình đào giếng, ao trữ nước trong vườn nhà, rẫy nhà, thiếu che chắn. Trong khi đó, kỹ năng biết bơi an toàn, kiến thức về an toàn phòng, chống đuối nước ở trẻ em còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, sự thiếu quan tâm, giám sát trẻ của cha mẹ, người chăm sóc cộng với bản tính hiếu động, tò mò của trẻ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn, thương tích và tử vong do đuối nước ở trẻ em.

Tại buổi làm việc, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Đoàn công tác một số nội dung như: Đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn lực, kinh phí cho tỉnh dạy bơi sinh tồn, kiến thức an toàn, phòng chống đuối nước miễn phí cho trẻ em và cha mẹ trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục ban hành Kế hoạch phối hợp liên ngành về phòng, chống đuối nước trẻ em để đẩy mạnh thực hiện…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ nhấn mạnh, tình trạng trẻ bị tai nạn, thương tích, đặc biệt là trẻ bị tử vong do đuối nước ở Đắk Lắk hiện nay rất báo động, có dấu hiệu gia tăng. Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2022, mới bước vào đầu mùa mưa, đầu kỳ nghỉ hè, tỉnh đã có 55 trẻ tử vong do đuối nước. Đó là nỗi đau, là mất mát lớn kéo theo nhiều hệ lụy. Tỉnh Đắk Lắk cần chung nhận thức, mục tiêu, quyết tâm không còn trẻ em tử vong do đuối nước. Đồng thời, tiếp tục tăng cường, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân trong công tác phòng, chống tai nạn đuối nước. Đề ra nhiều giải pháp để trang bị kiến thức, kỹ năng bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Tiến hành đánh giá, nhận định những khu vực nguy hiểm, thường xuyên xảy ra sạt lở để chủ động phòng tránh hiệu quả. Tỉnh cần thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em, trong đó quy trách nhiệm người đứng đầu; có cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội cùng chung tay triển khai các biện pháp phòng, chống đuối nước ở trẻ em; chung tay xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ.

Đ. Thọ

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh