THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:52

Quỹ lương của Tập đoàn VNPT lên tới 8.600 tỷ đồng

 

VNPT cho biết, tại thời điểm báo cáo, số lao động của tập đoàn là 39.198 người với mức thu nhập bình quân theo kế hoạch là 18,34 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, năm 2015, tập đoàn này có số lao động là 41.500 người với mức thu nhập bình quân (kế hoạch) là 15 triệu đồng/tháng, tuy nhiên, mức thu nhập thực hiện đã tăng thành 17,6 triệu đồng. 

Tổng quỹ lương kế hoạch của VNPT trong năm 2016 là hơn 8.626 tỷ đồng, tăng hơn 1.100 tỷ đồng so với quỹ lương kế hoạch năm 2015 là 7.500 tỷ đồng.

Báo cáo của VNPT cũng cho biết, mức lương bình quân đối với nhóm quản lý đã tăng lên 64,7 triệu đồng, trong khi năm trước đó, mức lương bình quân kế hoạch chỉ là 48,5 triệu đồng (còn lương thực hiện là 45,2 triệu đồng).

Đáng chú ý nhất là quỹ tiền thưởng kế hoạch trong năm 2016 dành cho quản lý của VNPT cũng tăng khá mạnh lên tới 1,236 tỷ đồng, tăng hơn 400 triệu đồng so với mức quỹ kế hoạch và thực hiện năm 2015 là 804 triệu đồng. 

Nhờ việc tăng quỹ tiền thưởng nên mức thu nhập bình quân (kế hoạch) của viên chức quản lý VNPT (14 người) cũng tăng khá mạnh, lên 72,78 triệu đồng so với mức 54,8 triệu đồng năm 2015, tăng tương đương gần 33%. Được biết, mức thu nhập bình quân thực hiện năm 2015 đối với quản lý VNPT là 50,89 triệu đồng/người/tháng.

VNPT cho biết, nguyên tắc trả lương, thưởng đối với người lao động là dựa trên vị trí công việc, năng lực và kết quả hoàn thành. Trong khi đó, lương, thưởng, thù lao đối với người quản lý được thực hiện theo quy định Thông tư 27/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH

Trước đó, báo cáo với đoàn công tác của Thủ tướng tại phiên làm việc hồi tháng 3/2017, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, trong năm 2016, lợi nhuận của tập đoàn này tăng trên 20%. Như vậy, 3 năm liền tái cơ cấu, lợi nhuận của VNPT đều tăng trên 20%, thu nhập của người lao động tăng lên 60%, từ mức 11,7 triệu đồng/tháng (thời điểm trước tái cơ cấu), hết 2016 đã tăng 18 triệu đồng/tháng.

 

Ảnh minh họa

 

Mặc dù mức thu nhập bình quân của VNPT ngày càng tăng mạnh, nhưng VNPT vẫn phải áp dụng cơ chế lương theo khung của Bộ LĐ-TB&XH (không có được cơ chế lương đặc thù như Tập đoàn Viettel) về cơ chế khoán quỹ lương, tự chủ về tiền lương vì thế, trên thực tế, có những quản lý cấp phòng, ban của Viettel lương còn cao hơn cả lãnh đạo cao cấp của VNPT.

Hồi giữa tháng 9/2016, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cũng công bố thu nhập bình quân của nhân viên tập đoàn này đạt khoảng 30,5 triệu đồng/tháng, tương ứng 366 triệu đồng một năm. Trong khi thu nhập bình quân của nhân viên công ty mẹ còn cao đạt 30,9 triệu đồng/tháng, tương ứng 371 triệu đồng một năm.

Với mức lương bình quân này, tập đoàn Viettel trở thành một trong những doanh nghiệp Nhà nước trả thu nhập cao bậc nhất. Mức thu nhập này chỉ đứng thứ 2 sau mức thu nhập bình quân của nhân viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - gần 37 triệu đồng/người/tháng.

Ở bức tranh toàn cảnh hơn, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tiền lương và thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp nhà nước năm 2016 đều cao hơn các loại hình doanh nghiệp khác. Cụ thể, tiền lương bình quân năm 2016 là 5,71 triệu đồng/tháng, tăng 7,5% so với năm 2015. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước có mức lương bình quân là 7,08 triệu đồng/tháng (năm 2015 là 6,98 triệu đồng).

GIANG ĐÔNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh