Quý IV: Thị trường lao động có dấu hiệu phục hồi
- Bài thuốc hay
- 09:41 - 07/01/2022
Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, diễn biến phức tạp và kéo dài của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã khiến tình hình lao động việc làm năm 2021 gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2020, lực lượng lao động, số người có việc làm giảm; tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp tăng so với năm trước.
Tại buổi họp báo Tình hình lao động, việc làm quý IV và năm 2021 và Chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam giai đoạn 2016-2020 của Tổng Cục thống kê diễn ra ngày 6/1, ông Phạm Hoài Nam. Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho biết, theo báo cáo lao động, việc làm, trong quý IV năm 2021, cả nước có hơn 24,7 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý IV năm 2021 là 50,7 triệu người, tăng 1,7 triệu người so với quý trước và giảm 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2021 là 50,5 triệu người, giảm 791,6 nghìn người so với năm trước.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý IV năm 2021 là 67,7% thấp hơn 2,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước nhưng cao hơn 2,1 điểm phần trăm so với quý trước. Tính chung năm 2021, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2021 là 67,7%, giảm 1,9 điểm phần trăm so với năm trước.
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV năm 2021 là 49,07 triệu người, thấp hơn 1,79 triệu người so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 1,82 triệu người so với quý trước. Năm 2021, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49 triệu người, giảm 1 triệu người so với năm 2020. Trong đó, giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và ở nam giới. Số lao động có việc làm ở khu vực nông thôn là 31,2 triệu người, giảm 1,5 triệu người và ở nam giới là 26,2 triệu người, giảm 729,5 nghìn người so với năm trước.
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý IV năm 2021 là 55,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 56,2%, tương đương so với năm trước. Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn và ở nữ giới tỷ lệ này có xu hướng tăng tương ứng lần lượt là 1,0 điểm phần trăm và 0,2 điểm phần trăm so với năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý IV năm 2021 là 3,56%, giảm 0,42 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,93 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54 điểm phần trăm so với năm trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,42%, cao hơn 1,94 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý IV năm 2021 là 3,37%, giảm 1,09 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,55 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 3,10%, tăng 0,71 điểm phần trăm so với năm trước.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý IV năm 2021 là 5,3 triệu đồng, tăng 139 nghìn đồng so với quý trước và giảm 624 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,7 triệu đồng, giảm 32 nghìn đồng so với năm 2020.
Cũng trong buổi Họp báo, Tổng cục thống kê đã công bố Chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, HDI của cả nước và hầu hết 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tăng qua các năm. HDI của cả nước tăng từ 0,682 năm 2016 lên 0,706 năm 2020.
Với mức độ đóng góp khác nhau, tăng trưởng HDI giai đoạn 2016-2020 của cả nước và 63 địa phương có sự đóng góp của cả 3 Chỉ số thành phần do các Chỉ số này cũng đạt được mức tăng và tốc độ tăng.
Năm 2020, tuy không địa phương nào có HDI được xếp vào Nhóm 1, nhóm đạt mức rất cao; nhưng cũng không có địa phương nào thuộc Nhóm 4, Nhóm thấp nhất theo tiêu chuẩn phân chia nhóm của UNDP. Các địa phương đều thuộc Nhóm 3, Nhóm có HDI ở mức trung bình và Nhóm 2, Nhóm có HDI đạt mức cao. Đáng chú ý là, Nhóm đạt mức cao đã tăng từ 13 địa phương năm 2016 lên 24 địa phương năm 2020. Nhiều địa phương có HDI thấp nhưng đạt tốc độ tăng nhanh hơn địa phương có HDI cao, khoảng cách chênh lệch HDI giữa các địa phương thu hẹp dần…