Quý II/2022: Việc làm và thu nhập bình quân tháng ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc
- Bài thuốc hay
- 06:17 - 01/07/2022
Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Thống kê vừa công bố, cùng với sự tăng trưởng kinh tế và tình hình đăng ký doanh nghiệp sôi động trở lại trong quý II/2022, thị trường lao động, việc làm tiếp tục duy trì đà phục hồi đáng kể.
Lực lượng lao động, số người đang làm việc, và thu nhập bình quân tháng đều có nhiều chuyển biến tích cực, tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê nhận định, điều này xuất phát từ sự phục hồi của nền kinh tế, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 882,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 514,8 nghìn lao động, tăng 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký và tăng 6,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới gia tăng đã khiến tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2022 vẫn chỉ đạt 68,3%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Theo khu vực kinh tế, 6 tháng đầu năm nay có 1.073 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước); 19,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng (tăng 6,3%); 55,8 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ (tăng 16,8%).
Thu nhập bình quân lao động tăng lên 7,5 triệu đồng/tháng
Lao động trong các ngành kinh tế cũng có sự dịch chuyển tỷ lệ thuận với tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới phân theo khu vực kinh tế.
Cụ thể, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 50,5 triệu người, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước);
Còn khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,8 triệu người (tăng 2,7%) khu vực dịch vụ là 19,6 triệu người (tăng 0,04%).
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý II/2022 là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 178 nghìn đồng so với quý trước và tăng 707 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập của lao động nam là 7,9 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 7 triệu đồng/tháng.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 7,4 triệu đồng/tháng, tăng 417 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản quý I/2022 là 56,2%; quý II/2022 ước tính là 55,6%, trong đó khu vực thành thị là 47,5%; khu vực nông thôn là 62,3%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tính là 55,9%, trong đó khu vực thành thị là 47,8%; khu vực nông thôn là 62,6% (6 tháng năm 2021 tương ứng là 57,2%; 48,5%; 64,5%).
Kinh tế 82,8% hộ gia đình vẫn chưa phục hồi do Covid-19
Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình đời sống của hộ dân cư đã ngày càng cải thiện. Tỷ lệ hộ có thu nhập không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 78,55%; tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập giảm là 21,45%.
Trong các nguyên nhân làm giảm thu nhập của hộ gia đình có tới 82,8% hộ gia đình đánh giá thu nhập giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; 18% hộ đánh giá thu nhập giảm là do thành viên của hộ mất việc làm/tạm nghỉ việc và 14,2% hộ đánh giá thu nhập giảm là do chi phí đầu vào cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ tăng lên.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng phần lớn đến đời sống dân cư khi 71,5% hộ đang phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19; hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh khác là 2,1 và hộ gia đình chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng là 2%.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 27,6% hộ gia đình nhận được sự trợ giúp từ bất kỳ các nguồn hỗ trợ khác nhau. Trong đó, tỷ lệ hộ nhận được trợ giúp từ các chương trình, chính sách chung của quốc gia là 12,6%; từ họ hàng, người thân là 12,5%; từ các chương trình, chính sách của địa phương là 10,7%; từ các hoạt động từ thiện của các tổ chức và cá nhân khác là 6,6% và từ các nguồn khác là gần 0,2%