THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:32

Quý I/2019: Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm

 

Lao động có việc làm tăng ở khu vực FDI và khu vực  ngoài nhà nước

Theo công bố của Tổng cục thống kê,  lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I năm 2019 ước tính là 55,4 triệu người, giảm 207 nghìn người so với quý trước và tăng 331,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý I năm 2019 ước tính là 48,8 triệu người, trong đó lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 16,9 triệu người, chiếm 34,7%; lực lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động đạt 22,3 triệu người, chiếm 45,6% tổng số lao động trong độ tuổi của cả nước.

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I năm 2019 ước tính là 54,3 triệu người, giảm 208,3 nghìn người so với quý trước, tăng 329,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị chiếm 33,01% và lao động nữ có việc làm chiếm 47,7% trong tổng số người có việc làm. Xu hướng lao động có việc làm trong quý I năm 2019 tăng rõ ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước.

Lao động có việc làm đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp nghề” trở lên trong quý I năm 2019 ước tính là 12,1 triệu người, chiếm 22,2% số lao động có việc làm của toàn quốc.

Cơ cấu lao động trong các ngành đang có sự chuyển dịch từ khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản sang khu vực Công nghiệp và Xây dựng và Dịch vụ. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong khu vực khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thuỷ sản ước tính là 19,2 triệu người, chiếm 35,4% ; khu vực Công nghiệp và xây dựng là 15,6 triệu người, chiếm 28,6%; khu vực Dịch vụ là 19,5 triệu người, chiếm 36,0%.

Công bố của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, lao động giản đơn vẫn thu hút nhiều nhân lực nhất trong thị trường lao động tại Việt Nam, chiếm 35% lao động có việc làm trên toàn quốc. Tỷ lệ người làm các công việc giản đơn còn cao trong bối cảnh đào tạo chuyên môn kỹ thuật (từ trình độ “Sơ cấp nghề” trở lên) cho người lao động còn thấp (khoảng 22,5% đối với lực lượng lao động và 22,2% đối với lao động có việc làm). Toàn quốc có khoảng 1,1% lao động là “lãnh đạo trong các ngành, các cấp và các đơn vị”. Tỷ trọng này ở nam giới cao gấp 2,5 lần ở nữ giới, ở khu vực thành thị cao gấp gần 4 lần khu vực nông thôn, những lao động này hầu hết đều đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật (chiếm 99,2%).

 

Các sàn giao dịch việc làm được tổ chức đầu năm đã góp phần kết nối cung cầu lao động

 

54,3% lao động có việc làm phi chính thức

Cũng theo công bố của Tổng cục thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý I năm 2019 ước gần 1,1 triệu người, giảm 3,5 nghìn người so với quý trước và giảm 8,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2019 ước là 2,17%, không thay đổi so với quý trước và giảm 0,03 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Số thanh niên (người từ 15 đến 24 tuổi) thất nghiệp trong quý I năm 2019 ước khoảng 448,5 nghìn người, chiếm 40,4% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong quý I năm 2019 ước là 6,27. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,49%.  Lý giải nguyên nhân tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15 đến 24 tuổi cao hơn so với tỷ lệ thất nghiệp chung, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, đó là do lực lượng lao động thanh niên khi tham gia vào thị trường lao động thường có xu hướng chủ động tìm kiếm các việc làm phù hợp với năng lực và điều kiện riêng của mình hơn so với nhóm dân số khác. “Theo quy chuẩn quốc tế, những người chưa có việc làm và đang tìm kiếm việc làm trong thời gian tham chiếu được coi là người thất nghiệp. Điều này khiến tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên cao hơn mức trung bình. Đây là tình hình chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam”- ông Lâm nói.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm 2019 ước là 1,21%, trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 0,6%, ở khu vực nông thôn là 1,53%. Đa phần những người thiếu việc làm hiện làm việc trong khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản (chiếm 71,1% trong tổng số người thiếu việc làm). Tỷ lệ người lao động thiếu việc làm trong khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản là 2,4%, cao gấp 6 lần tỷ lệ thiếu việc làm của người lao động làm việc trong khu vực “dịch vụ” và khu vực “công nghiệp và xây dựng”.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp trong quý I năm 2019 ước là 54,3%. Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cao gấp gần 1,3 lần ở khu vực thành thị, tương ứng là 61,3% và 45,9%.  Đa số lao động có việc làm phi chính thức đều chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Trong số 19 triệu lao động có việc làm phi chính thức, lao động có trình độ trung học cơ sở chiếm tỷ trọng cao nhất (33,6%), tiếp đến là lao động có trình độ tiểu học (24,3%) và trung học phổ thông (18,2%). Lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên chỉ chiếm tỷ trọng 13,1% tổng số lao động có việc làm phi chính thức.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh