Quý I/2023, lượng giao dịch bất động sản thành công chỉ bằng 61,2% so cùng kỳ năm trước
- Huyệt vị
- 06:00 - 30/04/2023
Bộ Xây dựng vừa công bố báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2023.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý I/2023 vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý IV/2022. Theo đó, số lượng dự án được cấp phép mới trong quý là 17 dự án so với 22 dự án của quý IV/2022 và 39 dự án của quý I/2022.
Bên cạnh đó, số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là 52 dự án so với 59 dự án của quý IV/2022 và 56 dự án của quý I/2022; số lượng dự án hoàn thành trong quý là 14 dự án so với 28 dự án của quý IV/2022 và 22 dự án của quý I/2022.
Mặc dù thị trường có nhiều biến động nhưng căn hộ chung cư vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhóm đối tượng có nhu cầu ở thực và các nhà đầu tư trung và dài hạn. Trên thị trường bất động sản, số lượng dự án căn hộ chung cư mở bán mới trong quý I/2023 không nhiều, chủ yếu vẫn đến từ phân khúc trung, cao cấp và tập trung ở một số tỉnh, thành phố lớn.
Trong quý I/2023, có 397 dự án đang triển khai với quy mô 453.426 căn. Trong đó, đang triển khai xây dựng 152 dự án với quy mô 153.426 căn; đang thực hiện thủ tục đầu tư 245 dự án với quy mô 300.000 căn. Cũng trong quý I/2023, cả nước có 1 dự án nhà ở xã hội với quy mô 300 căn hộ được cấp phép mới; có 5 dự án với quy mô 1.908 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai; có 4 dự án với quy mô 934 căn hộ đã hoàn thành xây dựng.
Đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở (dự án đất nền), trong quý đầu năm ghi nhận 11 dự án hoàn thành với 1.237 ô đất nền, giảm 56% so với quý IV/2022.
Số lượng dự án đang triển khai xây dựng là 248 dự án với 66.523 ô đất nền; tăng 25% so với quý IV/2022. Ngoài ra, có 6 dự án được cấp phép mới với 309 ô đất nền; giảm 71% so với quý IV/2022.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong quý I/2023 có tổng cộng 106.401 giao dịch bất động sản thành công, giảm 35% so với quý IV/2022 chỉ đạt 65% và giảm 39% so với quý I/2022. Lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền.
Cụ thể, lượng giao dịch đối với đất nền giảm 55% so với quý IV/2022 và giảm 56% so với quý I/2022. Tuy nhiên, lượng giao dịch đối với nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ tăng gần gấp 4 lần (272%) so với quý IV/2022 và tăng gần gấp 3 lần (gần 193%) so với quý I/2022.
Trong quý I/2023, thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục được ghi nhận là điểm sáng khi nguồn cung có thêm nhiều dự án đầu tư KCN được chấp thuận. Xuất hiện các nhà sản xuất toàn cầu với nhu cầu đầu tư lớn đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa chuỗi sản xuất tại Bắc Giang, Đồng Nai... Tuy nhiên, nguồn cung bất động sản khu công nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp có diện tích lớn hiện vẫn còn hạn chế, trong quý nguồn cung bổ sung nổi bật từ một số dự án được khởi công, ra mắt mới tại các tỉnh như: Bình Dương, Cần Thơ, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình.
Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp bình quân trên cả nước hiện nay vẫn duy trì ở mức trên 80%. Tại các địa phương như: Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh diện tích cho thuê đất khu công nghiệp gần như được lấp đầy hoàn toàn khi công suất cho thuê luôn ở mức cao trên 95%. Giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp trong quý I/2023 tăng khoảng 8÷10% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp bất động sản trong quý I/2023 hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới trong quý giảm là 940 doanh nghiệp, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi số lượng doanh nghiệp giải thể là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%), ngừng kinh doanh có thời hạn 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.