Quý I/2022: Thị trường lao động quý I/2022 có nhiều tín hiệu khởi sắc
- Bài thuốc hay
- 06:47 - 30/03/2022
Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022 của Tổng Cục Thống kê cho thấy, với mức tăng trưởng GDP đạt 5,03% trong quý I/2022, kinh tế - xã hội của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Bức tranh kinh tế - xã hội trong quý 1 với gam màu sáng đã cho thấy Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy tác động, hiệu quả, tạo động lực khôi phục và phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Theo đó, chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 giúp cho thị trường lao động quý I/2022 có nhiều tín hiệu khởi sắc. Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đánh giá, tăng trưởng kinh tế quý I/2022 nằm trong kịch bản của Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Để hiểu rõ hơn về bức tranh kinh tế cũng như những nội dung về lao động việc làm, mục tiêu kiểm soát lạm phát, việc triển khai các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế… bà Nguyễn Thị Hương cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình với giải pháp hỗ trợ việc làm.
Tổng cục trưởng cho rằng, các giải pháp của Chính phủ đưa ra kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp và người lao động.
“Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 gia tăng nhanh tại hầu hết các địa phương trên cả nước nhưng với chiến lược thích ứng an toàn và tăng độ phủ vaccine đã có 57/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; thị trường lao động quý I/2022 đã dần phục hồi trở lại. Lực lượng lao động, số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2022 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lao động trong ngành dịch vụ tăng đáng kể so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước, tuy vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng mức độ giảm dần”, bà Nguyễn Thị Hương nói.
“Với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngay trong quý I/2022 đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, qua đó cung ứng đủ lao động cho doanh nghiệp có thể tăng tốc sản xuất trong thời gian tới”, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê nhấn mạnh thêm.
Thu nhập bình quân tháng tăng so với quý trước
Số liệu của Tổng Cục Thống kê cho thấy, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2022 ước tính là 51,2 triệu người, tăng 441,1 nghìn người so với quý trước và tăng 158,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2022 là 68,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I năm 2022 ước tính là 50 triệu người, tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,8% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,7 triệu người, chiếm 33,5%; khu vực dịch vụ 19,4 triệu người, chiếm 38,7%.
Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý I/2022 ước tính là 2,24%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,69%; khu vực nông thôn là 1,97%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý I/2022 là 2,46%, trong đó khu vực thành thị là 2,88%; khu vực nông thôn là 2,19%.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý I/2022 ước tính là 7,93%, trong đó khu vực thành thị là 9,30%; khu vực nông thôn là 7,20%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2022 ước tính là 3,01%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 2,39%; khu vực nông thôn là 3,40%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong quý I năm nay, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Công tác an sinh xã hội được các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện.
Theo báo cáo từ địa phương, giá trị quà tặng cho các đối tượng bảo trợ xã hội từ nguồn ngân sách và xã hội hóa là gần 1.000 tỷ đồng; trị giá tiền, quà thăm hỏi và các hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là gần 1,3 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, có hơn 25,5 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên đại bàn cả nước.
Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 tiếp tục được thực hiện. Tính đến ngày 22/3/2022, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 của Chính phủ đạt gần 40,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 35,6 triệu lượt người lao động và 378,9 nghìn đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh;
Gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ đạt gần 38,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho trên 13 triệu lượt lao động và 363,6 nghìn đơn vị/hộ kinh doanh sử dụng lao động.