THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:17

Quy hoạch khu công nghiệp: Cần quy hoạch trong mối quan hệ với vùng, tập trung những ngành nghề tạo ra giá trị gia tăng cao

Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội kiến nghị bổ sung 24 khu công nghiệp, có tổng diện tích trên 5.800 ha.

Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội kiến nghị bổ sung 24 khu công nghiệp, có tổng diện tích trên 5.800 ha.

Đây là ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại Hội thảo “Phương án quy hoạch và giải pháp phát triển các KCN Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050” do Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội tổ chức ngày 29/12.

Kiến nghị bổ sung 24 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 5.800 ha

Thông tin tóm tắt về nội dung báo cáo phục vụ công tác lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội của Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng ban quản lý cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 10 khu công nghiệp đã thành lập và đi vào hoạt động, với tổng diện tích trên 1.300 ha.

Trong số này, có 9 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy gần 100% và 1 khu đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đang tích cực thu hút đầu tư. Cũng trong 10 khu công nghiệp, có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động đã và đang tiến hành xây dựng với tổng công suất thiết kế khoảng 22.420 chỗ ở; đã hoàn thành được 8.388 chỗ và bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ.

Qua rà soát 14 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 2.800 ha do không đủ điều kiện để xem xét phát triển thành khu công nghiệp và không phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, không có trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch chung xây dựng huyện nên Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng các KCN đang hoạt động, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đề xuất phương án phát triển hệ thống KCN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 24 khu, với tổng diện tích 5.831,8ha.

Các KCN gắn kết với hệ thống, mạng lưới giao thông theo quy hoạch Thủ đô. Vị trí, định hướng quy hoạch, xây dựng các KCN cơ bản được bố trí tiếp cận theo các tuyến đường vành đai (2,3 và vành đai liên vùng 4, 5), các trục đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm (1,2, 3,5, 6), Đại lộ Thăng Long, các trục đường phát triển kinh tế (Bắc - Nam, Cienco 5, Đỗ Xá - Quan Sơn) và các sân bay, cảng sông Hồng.

Đối với việc phát triển nhà ở công nhân và thiết chế văn hóa - xã hội phục vụ công nhân lao động, Ban đề nghị các sở, ngành, UBND các quận, huyện có KCN nghiên cứu, xem xét bố trí vị trí, quy mô nhà ở công nhân để gắn kết với phát triển hệ thống các KCN trên địa bàn TP theo kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 đã được phê duyệt.

Cần xóa bỏ ngay tư duy bao quanh Hà Nội là các KCN

PGS.TS Trần Kim Chung - Thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho rằng, phương án phân bố và lựa chọn KCN trong giai đoạn tới phải dựa trên phân bổ địa bàn của Thủ đô Hà Nội.

Cần xác định rõ đâu là khu hành chính, khu công nghiệp, khu dịch vụ thương mại…, cần xóa bỏ ngay tư duy bao quanh Hà Nội là các KCN. Bên cạnh đó, việc phân bố KCN theo quy mô doanh nghiệp, theo thời gian, xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

“Đặc biệt, các KCN của Hà Nội cần xem xét giải quyết theo bài toán mở, các KCN phải kết nối thuận lợi với các tỉnh có lợi thế về đường sắt, đường cao tốc, cảng biển, cảng sân bay trong  Vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng” – PGS. TS Trần Kim Chung nhấn mạnh.

Đại diện Cục Thống kê TP cho rằng, thực trạng thu hút dự án của các KCN, các giá trị mang lại cho nền kinh tế -xã hội như kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách,  doanh thu, giá trị gia tăng các dự án đạt được là những thông tin cần làm rõ…

Viện dẫn số liệu trong 10 KCN đang hoạt động, số dự án đầu tư nước ngoài là hơn 300 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 6,1 tỷ USD (chiếm 89%). Số dự án trong nước gần tương đương, xấp xỉ 400 dự án nhưng tổng số vốn có sự chênh lệch lớn, chỉ đạt 18.000 tỷ đồng (chiếm 11%).

Trên cơ sở đó, đại diện Cục Thống kê TP đề xuất định hướng phát triển và quy hoạch KCN Hà Nội cần hướng đến thu hút dự án tạo ra giá trị cao, đóng góp lớn cho tổng sản phẩm trên địa bàn như: điện, điện tử, dược phẩm, cơ khí chế tạo, công nghệ thông tin…

Kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội TS Nguyễn Ngọc Kỳ nhấn mạnh, hội thảo là hoạt động đầu tiên được tổ chức nhằm bàn thảo và tập hợp những vấn đề mang tính gợi mở về phương án quy hoạch và giải pháp phát triển KCN Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh