CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:11

Quy hoạch báo chí theo hướng hiện đại và tự chủ

Quy hoạchh báo chí hợp lý về số lượng, nâng cao chất lượng

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, cả nước hiện có 838 cơ quan báo in, 67 Đài Phát thanh - Truyền hình, với gần 200 kênh truyền hình, báo điện tử và các trang thông tin trên mạng cũng đang ở thời kỳ phát triển mạnh mẽ.

Trước việc phát triển quá nóng của các loại hình báo chí trong thời gian qua, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, một số tổ chức, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và kể cả người dân đều nhận thấy rằng, đang có một sự lãng phí lớn về nguồn lực báo chí. Từ sự lãng phí này dẫn đến hiện tượng có nhiều tờ báo na ná giống nhau và thiếu bản sắc.

Bên cạnh đó, trong sự phát triển mạnh mẽ số lượng của các cơ quan báo chí, cũng không thể tránh khỏi sự cạnh tranh về thông tin. Sự cạnh tranh này dẫn đến việc có những thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, phản cảm, giật gân, câu khách, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm đi tính giáo dục và định hướng, vốn là những giá trị truyền thống cao đẹp của báo chí cách mạng. Do vậy, việc quy hoạch lại báo chí trong bối cảnh hiện nay là cần thiết.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng: “Quy hoạch không chỉ thanh lọc, giảm bớt số lượng cơ quan báo chí mà quan trọng hơn là đưa ra hành lang pháp lý, đưa ra hệ thống chính sách để xây dựng báo chí hợp lý về số lượng, nâng cao chất lượng nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu xã hội”.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, mục tiêu quan trọng mà Đề án quy hoạch phát triển báo chí toàn quốc đến năm 2025 hướng tới là sẽ quy hoạch trên tinh thần tổ chức lại, sắp xếp lại để báo chí vẫn đủ về số lượng nhưng nâng cao hơn về chất lượng, hiện đại và tự chủ, giảm tỷ lệ mất cân đối về hưởng thụ báo chí giữa thành thị với nông thôn.

Phấn đấu đến năm 2025, các cơ quan báo chí phải tự hạch toán, nhà nước chỉ đặt hàng và hỗ trợ đối với các ấn phẩm phục vụ vùng sâu, vùng xa, phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền thiết yếu của Đảng và Nhà nước. Mỗi tỉnh, thành sẽ có thể có ít nhất 2-3 cơ quan báo chí, nhằm tránh chồng chéo, nâng cao chất lượng báo chí.

Về báo in sẽ sắp xếp theo mô hình một cơ quan báo in sẽ có nhiều ấn phẩm khác nhau.

Với truyền hình sẽ sắp xếp theo hướng hiện đại, các cơ quan truyền hình tự sản xuất chương trình truyền hình của mình tối thiểu là 50% thời lượng phát sóng. Hạn chế phát lại truyền hình nước ngoài, nhất là phim. Tỷ lệ chương trình khai thác trên một kênh truyền hình không vượt quá 30%. Với báo điện tử, phải trở thành loại hình chủ lực của truyền thông đa phương tiện...

Phát triển báo chí theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả

Trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch, Ban chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu Bộ TT&TT cần quán triệt quan điểm phát triển đi đôi với quản lý tốt.

Phát triển báo chí theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo đội ngũ để tạo điều kiện cần thiết cho báo chí hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển trên cơ sở bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu, Bộ TT&TT cần bám chặt vào mục tiêu của Quy hoạch là sắp xếp hệ thống báo chí gắn liền với đổi mới mô hình, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo chí theo hướng chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thông tin đa dạng của nhân dân, phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng thông tin báo chí, thông tin trên Internet, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật. 

Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội:

Phải quản lý báo điện tử và nên luật hóa đầy đủ lĩnh vực này

Vừa qua, báo chí của các ngành, địa phương phát triển rất nhanh nhưng đi kèm với nó là chất lượng, nội dung có phần bị buông lỏng. Có khi một cơ quan lại có quá nhiều ấn phẩm phụ, nội dung đi quá xa tôn chỉ, mục đích, thiên về giật gân câu khách, làm kinh tế. Chính các cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn trong quản lý cho nên cần sắp xếp lại, xem số lượng hợp lý chưa, ấn phẩm phụ có nhiều quá không. Đặc biệt là phải quản lý báo điện tử và nên luật hóa đầy đủ lĩnh vực này. Phải có đề án quy hoạch lại hệ thống báo chí toàn quốc nhưng cũng không quá nghiêng về một cực nào- không buông quá và cũng không siết quá. Báo chí phát triển theo quy luật, nhu cầu xã hội. Hiến pháp 2013 định tạo điều kiện để công dân có quyền tiếp cận thông tin báo chí. Nếu quản lý chặt quá, thu hẹp quá sẽ cản trở báo chí. Nhưng cũng không để bung ra tự phát, đặc biệt là báo điện tử, blog như vừa qua. Để thông tin thiếu trung thực, bới móc đời tư, bôi nhọ cá nhân trên mạng sẽ rất nguy hại.

Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT &TT):

Báo chí phải thông tin chính xác, hữu ích và lành mạnh

Trước môi trường thông tin ngổn ngang, nhiệm vụ của báo chí hiện nay là chuẩn xác, để người dân tin tưởng rằng, đọc báo là thông tin chính xác. Trền nền đó, quy hoạch báo chí sẽ theo hướng. Thứ nhất, tiếp tục khẳng định, báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, đặc biệt là cụ thể hóa quyền tự do báo chí và ngôn luận mà hiến pháp 2013 đã nêu. Thứ hai, quy hoạch không chỉ là sắp xếp lại (tất nhiên là phải sắp xếp lại vì hiện đang có rất nhiều cơ quan báo chí), mà quan trọng là báo chí phải thông tin chính xác, hữu ích và lành mạnh.  Đây là chủ trương trung ương đã bàn cụ thể, là việc rất hệ trọng của quốc gia, quy hoạch là để báo chí phát triển tốt hơn, lành mạnh hơn, hữu ích hơn. Đừng vì báo mình bị sáp nhập mà phản ứng, phải lấy cái đại cục làm tối thượng, đảm bảo lợi ích của đất nước. 

Báo điện tử và mạng xã hội sẽ đóng vai trò chủ đạo 

Tại hội nghị Truyền thông và Phát triển diễn ra cuối tháng 1/2015, tại Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ TT & TT Trương Minh Tuấn cho biết, theo Đề án Quy hoạch Phát triển và Quản lý báo chí Toàn quốc đến năm 2025, xác định báo điện tử và mạng xã hội sẽ đóng vai trò chủ đạo. 

Theo ông Tuấn, công nghệ kỹ thuật ngày càng phát triển đã thúc đẩy và làm đa dạng hóa nhu cầu hưởng thụ thông tin của công chúng, làm thay đổi tư duy quản lý, cách thức và mô hình sản xuất, theo đó báo in có xu hướng ngày càng giảm, truyền hình và báo điện tử ngày càng phát triển. Hoạt động của các cơ quan báo chí có xu hướng chuyển dần sang mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện có nhiều loại hình báo chí, cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến truyền thông, trên cơ sở kết hợp được ưu thế của cả báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.

Sự phát triển của các loại hình truyền thông xã hội (trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông trên mạng) đang  tạo ra sự cạnh tranh gay gắt về thông tin cho hoạt động báo chí.

 

Thái An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh