CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:23

Quy định về trách nhiệm khai báo tai nạn lao động hàng hải

 

Ảnh minh họa

Theo Dự thảo, việc khai báo TNLĐ hàng hải theo quy định tại Khoản 1 Điều 70 Bộ luật Hàng hải Việt Nam được thực hiện như sau: Khi xảy ra tai nạn đối với thuyền viên trên tàu biển hoặc thực hiện công việc, nhiệm vụ khác theo sự phân công của người sử dụng lao động thì thuyền viên bị tai nạn hoặc người biết sự việc phải thông báo ngay cho người sử dụng lao động.

Cụ thể, khi biết tin xảy ra TNLĐ hàng hải chết người hoặc làm bị thương nặng từ 2 thuyền viên trở lên người sử dụng lao động có trách nhiệm khai báo bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) tới các cơ quan có thẩm quyền sau: Cảng vụ hàng hải nếu tàu đang hoạt động trong vùng nước cảng biển; Cục Hàng hải Việt Nam nếu tàu đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam hoặc vùng biển quốc tế; cơ quan đại diện của Việt Nam nếu tàu đang hoạt động ở vùng biển nước ngoài.

Cũng theo Dự thảo, khi nhận được tin báo có tai nạn xảy ra đối với thuyền viên của mình, người sử dụng lao động phải thành lập ngay Đoàn điều tra TNLĐ hàng hải cấp cơ sở để tiến hành điều tra vụ tai nạn đó. Thành phần Đoàn điều tra, quyền hạn, nhiệm vụ và quy trình Đoàn điều tra tuân thủ theo các quy định pháp luật về lao động.

Ngay khi nhận được tin báo TNLĐ hàng hải có thuyền viên chết hoặc làm 2 thuyền viên bị tai nạn nặng trở lên xảy ra, Cảng vụ hàng hải khu vực chủ trì quyết định thành lập Đoàn điều tra TNLĐ hàng hải cấp tỉnh, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan tại địa phương thực hiện việc điều tra, lập biên bản điều tra TNLĐ hàng hải.

Với cấp trung ương, ngay khi nhận được tin báo TNLĐ hàng hải có thuyền viên chết hoặc làm 2 thuyền viên bị tai nạn nặng trở lên xảy ra tại nước ngoài hoặc các trường hợp tai nạn đặc biệt nghiêm trọng có tính chất phức tạp nếu xét thấy cần thiết, Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì quyết định thành lập Đoàn điều tra TNLĐ hàng hải cấp trung ương, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan thực hiện việc điều tra, lập biên bản điều tra TNLĐ hàng hải.

Trong trường hợp việc di chuyển đến nơi xảy ra TNLĐ hàng hải tại nước ngoài khó khăn thì Đoàn điều tra có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ, cung cấp hồ sơ để điều tra.

Dự thảo cũng nêu rõ, thuyền viên bị nạn, người biết sự việc và người có liên quan đến vụ TNLĐ hàng hải có trách nhiệm khai báo trung thực, đầy đủ tất cả những tình tiết mà mình biết về những sự việc có liên quan đến vụ TNLĐ hàng hải theo yêu cầu của Đoàn điều tra TNLĐ hàng hải và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điều đã khai báo của mình.

Về công tác thống kê, báo cáo, Dự thảo quy định rõ trách nhiệm của ngưởi sử dụng lao động trong việc thống kê, báo cáo TNLĐ như: Tổ chức thống kê tình hình TNLĐ hàng hải vào mẫu sổ thống kê. Định kỳ 6 tháng và hằng năm báo cáo các vụ TNLĐ hàng hải làm thuyền viên của mình phải nghỉ việc từ 1 ngày trở lên về Cảng vụ hàng hải nơi xảy ra vụ TNLĐ.

Đối với các Cảng vụ hàng hải, tổng hợp tình hình TNLĐ hàng hải xảy ra trong 6 tháng đầu năm và 1 năm trên địa bàn quản lý. Riêng với Cục Hàng hải Việt Nam, tổng hợp tình hình TNLĐ hàng hải xảy ra trong 6 tháng đầu năm và 1 năm trên toàn quốc và gửi Báo cáo tổng hợp tình hình TNLĐ hàng hải theo mẫu về Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.


PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh