THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:46

Quy định mới về thời gian tính trợ cấp thôi việc, mất việc làm

 

Theo đó, Nghị định nêu rõ, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đó (nếu có).

Trong đó, thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp; nghỉ hằng tuần, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo quy định của Bộ luật Lao động; nghỉ việc để hoạt động Công đoàn theo quy định của pháp luật về Công đoàn; nghỉ để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của Bộ luật Lao động.

 

Ảnh minh họa

 

Thời gian người lao động đã tham gia BH thất nghiệp bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng BH thất nghiệp, thời gian được tính là thời gian đã đóng BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật về BH thất nghiệp, thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động, BH thất nghiệp.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 1 tháng đến dưới 6 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 6 tháng trở lên được tính bằng 1 năm làm việc.

Bên cạnh việc quy định thời gian tính trợ cấp thôi việc, mất việc làm của người lao động, Nghị định 148/2018/NĐ-CP cũng nêu rõ, kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc kinh phí hoạt động của người sử dụng lao động.

Ngoài ra, Nghị định cũng đề ra quy định thời hạn thanh toán quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động. Cụ thể: Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Trường hợp đặc biệt, thời hạn thanh toán có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, thuộc một trong các trường hợp như: Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động; Người sử dụng lao động hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế theo Điều 44 của Bộ luật Lao động hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản theo Điều 45 của Bộ luật Lao động.

Nghị định cũng bổ sung quy định tiền lương làm căn cứ bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Theo đó, tiền lương làm căn cứ bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định tại Khoản 5, Điều 42 hoặc Khoản 2, Điều 43 của Bộ luật Lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động tại thời điểm người sử dụng lao động hoặc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

VŨ MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh