Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động: “Bà đỡ” của người lao động và doanh nghiệp
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 16:07 - 17/12/2015
Luật quy định cụ thể trách nhiệm của người sử dụng lao động (NSDLĐ), cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người bị tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN). Ngoài ra, bổ sung quy định các trường hợp đặc biệt được hưởng chế độ như đối với người bị TNLĐ, gồm: Bị TNLĐ khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành của NSDLĐ ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, nếu do lỗi của người khác gây ra, hoặc không xác định được người gây ra tai nạn; bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc, hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn...
Về Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN, trong Luật quy định cụ thể về nguyên tắc, đối tượng tham gia, mức đóng quỹ; các chế độ cho người bị TNLĐ, BNN. Trong đó, quy định mức đóng linh hoạt của NSDLĐ vào Quỹ, tối đa 1% trên tổng quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động (NLĐ); quy định việc tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện của NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động; bổ sung thêm nội dung chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cho NLĐ bị TNLĐ, BNN sau khi đã điều trị, phục hồi chức năng. Mức hỗ trợ không quá 50% mức học phí, không quá 15 lần mức lương cơ sở; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi NLĐ là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần; bổ sung thêm nội dung chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro cho người bị TNLĐ, BNN. Hằng năm, Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN sẽ dành tối đa 10% nguồn thu để hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN, gồm: Khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp; phục hồi chức năng lao động; điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN theo yêu cầu của cơ quan BHXH; huấn luyện về ATVSLĐ cho người tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Quỹ TNLĐ, BNN là rất cần thiết cho người lao động.
Theo các chuyên gia, việc mở rộng thêm đối tượng NLĐ không có hợp đồng lao động có thể tự nguyện tham gia Quỹ và bổ sung thêm các nội dung chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc, hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN đã thể hiện rõ tính nhân văn của Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN. Có thể thấy, Quỹ sẽ đóng vai trò như “bà đỡ” của NLĐ và doanh nghiệp, sẽ thực hiện trách nhiệm với người bị TNLĐ, BNN trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, giải thể hoặc phá sản, cần sự chia sẻ rủi ro...
Cũng có ý kiến lo ngại cho tính khả thi của việc thu Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN, khi mà thực tế đang diễn ra tình trạng hàng loạt doanh nghiệp trốn đóng và nợ đọng BHXH, vậy thì trách nhiệm của họ sẽ đến đâu khi phải đóng thêm bảo hiểm TNLĐ, BNN cho NLĐ.
Theo ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), bảo hiểm cho người bị TNLĐ, BNN là yêu cầu rất bức thiết trong thời điểm hiện nay. Hiện tại, Cục An toàn lao động đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều về bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc. Trong đó, quy định cụ thể về đối tượng tham gia; mức đóng và phương thức đóng; chế độ cho NLĐ phát hiện bị BNN; hỗ trợ đào tạo nghề chuyển đổi nghề nghiệp cho NLĐ bị TNLĐ, BNN...
Việc NLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động tham gia BHXH nói chung, bảo hiểm TNLĐ nói riêng, chính sách đã được triển khai từ lâu, tuy nhiên số lượng NLĐ tham gia còn rất hạn chế. Sắp tới, song song với BHXH khuyến khích đối tượng tham gia, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cũng như chia sẻ trách nhiệm từ Nhà nước đối với NLĐ để tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN sẽ được đề xuất theo lộ trình được Chính phủ quy định đến năm 2018. Từ nay đến đó, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan sẽ nghiên cứu để đề xuất những chính sách, cũng có thể sẽ có những mô hình được áp dụng thử để làm sao chúng ta có thể tổng kết, đánh giá đề xuất những chính sách phù hợp nhất.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Thơ, điều rất thuận lợi là hiện nay Việt Nam đã gia nhập TPP và chuẩn bị tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN, đây là những thị trường lao động rất năng động nhưng cũng yêu cầu rất cao về các điều kiện lao động như: Bảo hiểm, an toàn... Như vậy, đây là cánh cửa rất lớn, điều kiện rất cao cho các đối tượng bắt buộc, cũng như tự nguyện tham gia vào hệ thống BHXH, trong đó có bảo hiểm TNLĐ, BNN.