CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 11:08

Quý 2: Xu hướng tuyển dụng lao động tăng nhẹ

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, thời điểm này,  nhu cầu tuyển dụng có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, nhóm ngành sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại chiếm hơn 50% nhu cầu tuyển dụng.

Qua các kênh thu thập thông tin của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có xu hướng tăng nhẹ so với năm 2020 (phần lớn do năm 2020 mới bị ảnh hưởng nên các doanh nghiệp và người lao động chưa có kịp sự chuẩn bị kỹ càng và kịp thời) nhưng vẫn còn khá chậm so với các năm chưa bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị nhiều phương án, kế hoạch dự phòng cho việc bùng phát trở lại của dịch COVID-19 nên đã không bị ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong khi đó, tại TP.HCM, qua khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, thị trường lao động quý 1/2021 sôi động hơn so với cùng kỳ năm 2020, nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành tăng 13,14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, theo ngành kinh tế, nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực dịch vụ chiếm 70,38%, khu vực công nghiệp chiếm 29,51%, khu vực nông nghiệp chiếm 0,11%.

Một số ngành, lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao trong quý này gồm: Công nghiệp chế biến chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; thông tin truyền thông; kinh doanh bất động sản…

Cũng trong quý 1, nhu cầu tuyển dụng ở lao động đã qua đào tạo chiếm 85,72% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở một số nhóm nghề như: Tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; công nghệ thông tin; kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng; marketing; kế toán - kiểm toán...

Trong đó, nhu cầu nhân lực đối với trình độ đại học trở lên chiếm 22,19%, cao đẳng chiếm 17,04%, trung cấp chiếm 21,42%, sơ cấp chiếm 25,07%. Lao động chưa qua đào tạo chiếm 14,28%.

Theo mức lương, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở mức từ 5 - 15 triệu đồng. Trong đó, mức lương từ trên 5 - 10 triệu đồng chiếm tỷ trọng cao nhất với 58,85% tổng nhu cầu, ở các vị trí việc làm như: Nhân viên kế toán, nhân viên hành chính nhân sự, điều dưỡng, kỹ sư cơ khí, tư vấn khách hàng…

Mức lương từ trên 10 - 15 triệu đồng chiếm 23,8%, ở các vị trí như: Chuyên viên xuất nhập khẩu, nhân viên chăm sóc khách hàng, chuyên viên digital marketing, kinh doanh bất động sản, giao dịch viên, biên phiên dịch…

Mức lương từ trên 15 - 20 triệu đồng chiếm 7,95%, tập trung tuyển dụng ở các vị trí việc làm như: Lập trình viên, marketing online, quản lý bán hàng cao cấp, thư ký giám đốc, chuyên viên thẩm định khách hàng doanh nghiệp…

Mức lương trên 20 triệu đồng chiếm 8,43%, chủ yếu ở các công việc đòi hỏi trình độ tay nghề chuyên môn cao như: Giám đốc kinh doanh, chuyên viên đầu tư tài chính, trưởng phòng nhân sự, chuyên gia tư vấn tài chính, chuyên viên triển khai phần mềm, giám sát dự án xây dựng, kế toán trưởng,…

Quý 2:  Xu hướng tuyển dụng lao động tăng trưởng nhẹ - Ảnh 1.

Người lao động tìm việc tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội.

Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong những tháng đầu năm, doanh nghiệp bắt đầu triển khai chiến lược sản xuất, kinh doanh và tiến hành thực hiện kế hoạch tuyển dụng nhân sự cho việc mở rộng, phát triển doanh nghiệp. Do đó, thị trường lao động quý 1/2021 có phần sôi động và có triển vọng hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Dự kiến trong quý 2/2021, TP.HCM cần khoảng 68.600 - 73.500 chỗ làm việc, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở các ngành: Công nghệ thông tin; kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử; cơ khí - tự động hóa; y dược; kế toán - kiểm toán; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; kinh doanh tài sản - bất động sản; dịch vụ du lịch - lưu trú và ăn uống….

Xu hướng tuyển dụng gia tăng ở lao động có trình độ chuyên môn, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85,7%, trong đó: Trình độ sơ cấp chiếm 24,51%, trung cấp chiếm 22,08%, cao đẳng chiếm 18,45%, đại học trở lên chiếm 20,66%.

Bên cạnh đó, thị trường lao động chứng kiến sự thay đổi lớn do tác động của dịch Covid-19 và định hướng phát triển kinh tế số tại thành phố. Rất nhiều doanh nghiệp đặt hàng tuyển dụng các công việc có trình độ cao như: Chuyên gia phân tích, chuyển đổi số, an ninh mạng, kỹ sư phần mềm, công nghệ thông tin, điện tử...

Lạc quan về tình hình dịch bệnh cũng như tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, thị trường việc làm trong ngắn hạn sẽ không có nhiều biến động. Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam như một người trẻ nên nhiều cơ hội để tăng trưởng tốt.

Cũng theo bà Hương, năm qua kinh tế bị kìm hãm bởi dịch COVID-19, thời gian đầu có thể các doanh nghiệp không kịp điều chỉnh nhưng bây giờ đã điều chỉnh rồi, phía cầu cơ bản không tăng nữa. "GDP tăng mấy phần trăm, cầu khó tăng do toàn bộ mảng sử dụng nguồn nhân lực theo chuỗi như dịch vụ, logistic, du lịch, ăn uống… đều bị ảnh hưởng. Trong khi, đây chính là nhóm thu hút nhiều lao động", bà Hương nói.

Nhận định về tình hình lao động, thị trường việc làm trong ngắn hạn, bà Hương cho rằng xu thế sẽ ấm lên. Bắt đầu vào quý 2, cả thế giới vào thời kỳ phục hồi khi các nước đều cơ bản kiểm soát được dịch, trong nước chúng ta cũng triển khai các đợt tiêm phòng... Chắc chắn Việt Nam sẽ trỗi dậy hậu COVID-19, đặc biệt lĩnh vực kinh tế số, xuất khẩu.

DIỆU NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh