THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:46

Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018

 

Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.

 

Với tỷ lệ tán thành là 88,39%, tương ứng 434/440 đại biểu tham gia biểu quyết, chiều 14/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.

Trình bày dự thảo Nghị quyết, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, tổng số thu ngân sách trung ương năm 2018 là 753.404 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 565.796 tỷ đồng.

Tổng số chi ngân sách trung ương năm 2018 là 948.404 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.151 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Nghị quyết giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan khác ở Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phân bổ vốn cho các chương trình, dự án có hiệu quả, có kế hoạch cắt giảm vốn đối với dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho dự án có khối lượng hoàn thành cao; tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang...

Theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, trong giai đoạn 2018-2020, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần ngân sách trung ương được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương năm trước liền kề năm hiện hành.

Nghị quyết nêu rõ, chỉ đạo và hướng dẫn các bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và địa phương phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương; bố trí vốn để thu hồi vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương trong giai đoạn 2016-2020 còn lại chưa thu hồi; kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; tăng cường các biện pháp để không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; hạn chế tối đa việc điều chỉnh danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định...

Trước đó, trong báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về phân bổ nguồn vốn cho hai chương trình mục tiêu quốc gia, một số ý kiến ĐBQH cho rằng, chưa thực sự phù hợp với tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đề nghị bố trí tăng thêm để đảm bảo lộ trình phân bổ vốn, thúc đẩy tối đa hiệu quả nguồn vốn.

Theo giải trình của UBTVQH, trong kế hoạch các năm 2016 – 2018, Chính phủ đã trình Quốc hội phê duyệt số vốn bố trí từ ngân sách trung ương để thực hiện các chương trình MTQG là 41.455,21 tỷ đồng, bằng 39,63% so với mức vốn Quốc hội đề ra và dự kiến tiếp tục cân đối, bố trí trong những năm tiếp theo, phấn đấu đảm bảo tổng mức tối thiểu theo yêu cầu của Quốc hội. 

Việc phân bổ chi tiết nguồn Ngân sách trung ương cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện các chương trình này được thực hiện theo quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức và đối tượng phân bổ của từng chương trình. 

Đồng thời, việc bố trí vốn hằng năm cho Chương trình MTQG căn cứ tiến độ thực hiện và giải ngân năm 2017, ước khả năng giải ngân trong năm 2018. 

Theo số liệu Chính phủ báo cáo, 10 tháng đầu năm giải ngân của hai CTMTQG chỉ đạt khoảng 45% kế hoạch, do đó, khả năng chuyển nguồn sang năm 2018 là khá cao. 

Vì vậy, để đảm bảo nguồn lực cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện năm 2018 phù hợp, tránh lãng phí, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ như phương án Chính phủ trình.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh