Điều chỉnh mức lương cơ sở lên 1,3 triệu đồng/tháng từ 1/7/2017
- Huyệt vị
- 00:40 - 12/11/2016
Tăng mức lương cơ sở để giảm bớt khó khăn cho người dân
QH giao chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 7%), điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2017. Giao các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trên cơ sở dự toán NSNN được giao tự cân đối để bố trí nguồn tăng mức lương cơ sở.
Nghị quyết nêu rõ: Ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (đối tượng do NSNN đảm bảo) và trợ cấp ưu đãi người có công; hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương ngân sách khó khăn không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ.
Các đại biểu Quốc hội bám nút thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017
Về việc điều chỉnh mức lương cơ sở này, một số đại biểu QH có ý kiến đề nghị thực hiện tăng mức lương cơ sở cao hơn mức 7% như đề xuất của Chính phủ để góp phần nâng mức thu nhập của người hưởng lương. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải cho rằng, đúng như các đại biểu QH đã nêu, đời sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, người hưởng lương còn gặp khó khăn, vì vậy Chính phủ đề nghị tăng mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng để giảm bớt khó khăn cho các đối tượng này.
Mặc dù mức tăng này chưa đáp ứng được toàn bộ nhu cầu, nhưng trong điều kiện ngân sách gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, với mức tăng như trên, ngoài việc yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải tự bố trí sắp xếp cân đối nguồn, ngân sách trung ương phải chi khoảng 6.600 tỷ đồng, nếu tính cả 1.900 tỷ đồng hỗ trợ 50% nhu cầu tăng lương của lực lượng vũ trang thì ngân sách trung ương phải chi khoảng 8.500 tỷ đồng. Đây là một cố gắng rất lớn của Chính phủ trong thời điểm hiện nay. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin QH cho giữ như phương án Chính phủ trình.
Cũng tại các phiên thảo luận trước đó, một số ý kiến đại biểu QH đã đề nghị bố trí vốn tăng cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo báo cáo giải trình của UBTVQH, việc bố trí vốn đầu tư trung hạn cho các chương trình mục tiêu quốc gia trong 5 năm tới đã được QH phê chuẩn, Chính phủ dự kiến bố trí năm 2017 là 6.000 tỷ đồng, trước mắt phân bổ 5.400 tỷ đồng (chưa bao gồm 10% dự phòng).
Việc đầu tư xây dựng nông thôn mới là cả một quá trình, do đó cần được tính toán và có lộ trình cụ thể, trên cơ sở đó ưu tiên hỗ trợ vốn cho chương trình một cách phù hợp với từng giai đoạn. UBTVQH cho rằng, năm 2017 Chính phủ xây dựng phương án bố trí 6.000 tỷ đồng cho chương trình này là hợp lý, vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục tính toán, trong trường hợp tăng thu NSNN, cân đối bố trí tăng vốn cho chương trình này trong các năm tiếp theo.
Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước
Thừa ủy quyền đọc dự thảo Nghị quyết, Phó Tổng Thư ký QH Lê Bộ Lĩnh cho biết, QH yêu cầu Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí.
QH đề nghị Chính phủ trong thời gian tới phải bảo đảm tỷ lệ phát hành trái phiếu Chính phủ có thời hạn từ 5 năm trở lên tối thiểu 70% tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ để đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho ngân sách, cơ cấu kỳ hạn danh mục nợ, quản lý rủi ro và phát triển thị trường trái phiếu.
Cùng với đó, QH yêu cầu Chính phủ kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN; trong điều hành cần có biện pháp tích cực để giảm bội chi. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ. Bảo đảm dư nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn quy định.
QH đồng ý năm 2017, phát hành 50.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn; Quản lý chi đầu tư phát triển từ NSNN phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tăng cường huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước cho đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh hợp tác công tư, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và lĩnh vực du lịch.
Đặc biệt, hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn bổ sung có mục tiêu để ưu tiên hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng. Cho phép chuyển nguồn vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2016 chưa phân bổ sang năm 2017.
Theo dự toán NSNN vừa được QH thông qua: - Tổng số thu cân đối NSNN là 1.212.180 tỷ đồng ; - Tổng số chi cân đối NSNN là 1.390.480 tỷ đồng - Mức bội chi NSNN là 178.300 tỷ đồng, tương đương 3,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm: Bội chi ngân sách trung ương là 172.300 tỷ đồng, tương đương 3,38%GDP; Bội chi ngân sách địa phương là 6.000 tỷ đồng, tương đương 0,12%GDP. - Tổng mức vay của NSNN, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của NSNN là 340.157 tỷ đồng |