THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:00

Giảm điều kiện cấp thẻ nhà báo lần đầu

 

Luật Báo chí (sửa đổi) gồm 6 chương, 61 điều đã được 89,47% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua. Luật quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý Nhà nước về báo chí. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Luật Báo chí ngày 28/12/1989 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/1999/QH10 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Có ý kiến cho rằng khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật quy định cơ quan báo chí phải đăng, phát kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân là khó khả thi. Theo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyền góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân trên báo chí là thuộc quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đã được hiến định. Báo chí là diễn đàn để công dân thực hiện quyền đó. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính khả thi của Luật, khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật quy định cơ quan báo chí đăng, phát kiến nghị, phê bình của công dân phù hợp với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí đó chứ không phải đăng phát mọi kiến nghị, phê bình do công dân gửi đến.

Luật Báo chí được Quốc hội thông qua tạo điều kiện cho các nhà báo tác nghiệp. (nguồn Internet)


Về cơ quan báo chí (các điều 15 và 21), báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) nêu rõ: Có ý kiến đề nghị làm rõ sự cần thiết phải có sự thống nhất ý kiến bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông khi bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc trách nhiệm chính của cơ quan chủ quản báo chí (điểm b khoản 2 Điều 15).

Về quy định việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí phải được sự thống nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông là cần thiết để bảo đảm người đứng đầu cơ quan báo chí phải hội đủ tiêu chuẩn như quy định tại khoản 2 Điều 23. Thực tế hiện nay, một số cơ quan chủ quản cơ quan báo chí bổ nhiệm tổng biên tập không có nghiệp vụ báo chí, làm ảnh hưởng đến chất lượng của báo. Hơn nữa, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu, có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ đời sống xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động báo chí cả nước. Cơ quan này rất cần xây dựng mối quan hệ thường xuyên, mật thiết với người đứng đầu cơ quan báo chí nhằm bảo đảm đưa thông tin kịp thời, trung thực, lành mạnh đến công chúng. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về cấp thẻ nhà báo, có ý kiến đề nghị bỏ điều kiện “phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên” đối với người công tác tại cơ quan báo chí thuộc tổ chức tôn giáo; đề nghị giảm điều kiện phải có thời gian công tác từ “3 năm” xuống còn “2 năm” đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu; đề nghị bổ sung quy định trường hợp người được xét cấp thẻ nhà báo là đối tượng vi phạm pháp luật hình sự bị kết án mà hết thời hạn thi hành án. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý các nội dung trên thể hiện tại Điều 27 dự thảo Luật.

Về ý kiến đề nghị đối với trường hợp người được cấp thẻ nhà báo bị thu hồi thẻ vì bị khởi tố bị can, khi có kết luận không phạm tội của cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí phải “trả lại” thẻ thay vì làm thủ tục “cấp lại” thẻ như quy định trong dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi nội dung trên thể hiện tại Điều 28 dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là quyền tự do ngôn luận của công dân đã được hiến định nên không thể đưa nội dung này vào dự thảo Luật. Trường hợp thấy cần thiết phải quản lý những hoạt động trên, cơ quan báo chí có thể quy định nội dung này tại quy chế hoạt động của cơ quan báo chí đó.

Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa quy định về quyền khai thác thông tin của nhà báo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hoạt động khai thác thông tin của nhà báo bao gồm hoạt động chủ động lấy tin, bài của nhà báo và trách nhiệm của cơ quan tổ chức cung cấp thông tin cho nhà báo. Dự thảo Luật đã có một số điều quy định về vấn đề này, cụ thể là: Khoản 2 điều 13 quy định hoạt động báo chí và nhà báo được Nhà nước bảo hộ; các điểm b, c, d khoản 2 Điều 25 quy định nhà báo có quyền được khai thác và cung cấp thông tin; được đến cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức phải cung cấp cho nhà báo tư liệu, tài liệu; được hoạt động báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp, được liên lạc trực tiếp với những người có liên quan để lấy tin, phỏng vấn. Ngoài ra, khoản 12 Điều 9 quy định cấm hành vi cản trở nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp, khai thác lấy tin, bài; khoản 1 Điều 38 quy định cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm phải cung cấp thông tin cho báo chí… Ngoài ra còn một số điều khác quy định liên quan đến các hình thức khai thác thông tin của nhà báo.

Về ý kiến đề nghị không nên quy định thời hạn 5 năm phải đổi thẻ nhà báo (Điều 28), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thực tế hiện nay có một số trường hợp, người được cấp thẻ nhà báo nhưng không còn làm công việc liên quan đến báo chí, mà vẫn giữ và sử dụng thẻ nhà báo không đúng mục đích. Do vậy, để quản lý hiệu quả việc sử dụng thẻ nhà báo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được giữ như dự thảo Luật.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh