Quê người ở gần rừng trám
- Văn hóa - Giải trí
- 16:17 - 02/05/2016
Sống ở chung cư, nhiều thời gian rỗi, bà không đàn đúm và buôn cà pháo với nhóm người tuổi U 60, 70. Bà Tính chỉ đi bộ buổi sớm, ra hồ Ba Mẫu, rồi đi bộ về. Con gái của bà theo chồng sống ở trong Vinh. Bà một mình khuya sớm. Từ ngày ông Vịnh mất, bà chọn cách sống độc thân, không ở cùng với con. Tính bà không thích phiền đến con gái, con rể.
Bà Tính nghĩ ra một cách, cho thuê nhà. Nhà vừa có người ở, vừa có cách trò chuyện, sớm ra nếu có đi chợ thì nhờ nhau mua mớ rau, hạt muối. Khi nghĩ ra cách cắt một phòng đẹp nhất cho thuê, bà cho là một sáng kiến hay. Bà nghĩ thế. Bà sống ở phòng nhỏ hơn, cho thuê phòng lớn lấy tiền mua sách, mua thuốc và mua sữa. Bà cho thuê với giá rẻ giật mình, chỉ 500.000 đồng/ tháng.
Hàng xóm trong khu chung cư có người ám chỉ “bà già điên”. Có thời nhà bỏ không cả quý, vì người thuê nhà giá rẻ không tin vào lòng tốt của bà. Hôm rồi, bà Tính thắp hương khấn vái chồng: “Ông về phù hộ độ trì cho tôi, dẫn người ở miền núi về đây thuê nhà. Chứ cái đận, lòng tốt của tôi bị tổn thương, bị giày xéo. Tôi mới bị ngã một cú đau, mới hiểu ra không để lòng tốt bị giẫm đạp. Con bé người ở biển Tĩnh Gia, nó ngon ngọt với tôi, rằng thuê nhà chỉ để ở thôi, rồi nó mở hàng làm đầu uốn tóc, dẫn bạn trai về chuyện trò, uống rượu, zô, zô, zô, bao đêm ròng, không sao ngủ được. Mất ngủ bao đêm, con bé lại quỵt cả tiền thuê nhà, còn chửi tôi: “Ai bảo bà ngu thế, sao lại cho thuê giá rẻ, chắc nhà bà có vấn đề”. Tôi lại phải triệu tập con gái, con rể về can thiệp mới xong việc, lấy lại nhà. Với tôi, cô người miền biển phóng túng lắm, phức tạp cho cái thân già lắm”. Hết khấn vái chồng, bà Tính lại cặm cụi viết thư cho con, rằng “mẹ sẽ chỉ cho người miền núi thuê nhà”. Người chung cư biết chuyện, lại bảo: “Bà già điên!”.
Một đêm gió rét mưa phùn, rét tái tê, bà Tính chợt nghe có tiếng lẹt xẹt như đang rải tấm áo mưa; tiếng hai bàn tay xoa vào nhau; tiếng khóc tức tưởi trong đêm đen. Sáng ra nhìn phía xế cổng nhà, bà thấy một cô gái ngủ ngồi co ro trong đêm. Bà Tính lay cô gái đó dậy, rồi nghe cô giãi bầy: “Đến đây cháu thấy khuya, lại về khu ký túc xá khóa cổng, đành ngồi đợi sáng sẽ hỏi bà thuê trọ giá rẻ”. Bà Tính hỏi: - Quê cháu ở đâu, vùng nào, có chứng minh thư không? Cô gái đáp: “Cháu có đây ạ, quê cháu ở Việt Yên”. “Quê cháu có gần rừng trám không?”, bà Tính hỏi dồn. “Dạ, gần rừng trám lắm ạ, mà sao bà biết quê cháu gần rừng trám ?”, cô gái thắc mắc.Sau vài câu đối thoại, bà Tính cho cô gái sinh viên năm cuối thuê trọ với giá rẻ hơn người. Cốt sao nhà có người, ngôi nhà có tiếng trò chuyện, dù còn có vách ngăn. Bà Tính giấu nhẹm chuyện mình cũng từng là người quê ở Việt Yên, Bắc Giang, vùng quê nổi danh đam mê quan họ, nổi danh quan họ quên về.
Cô gái tên là Trâm, kể rằng hồi bé tên thân mật ở nhà là Trám, đi học mới đổi là Trâm. Mẹ cô nựng cô là trám trắng của mẹ. “Trám trắng ngâm với nước mắm ngon ăn với cơm gạo tám, hoặc cho thịt kho với trám, ăn cũng tốn cơm lắm ạ”. Trâm nói thường có chữ ạ cuối câu, nghe rất lễ phép, để ý từ bàn tay bê chén nước mời bà. Trâm chỉ đi học, về nhà lại vùi vào vi tính, rồi đi dạy thêm để có tiền, trả tiền nhà trọ hàng tháng cho bà. Nếu thiếu tiền điện, bà Tính “tặng cháu luôn”. Có bữa đi chợ đầu mối thấy rau rẻ, cá rẻ, Trâm lại mua thêm con cá, lạng tôm biếu bà. Nhưng bà Tính vẫn dúi tiền cho Trâm: “Cháu mua giúp bà là quý hóa lắm”.
Rồi Trâm thưa chuyện với bà: “Cháu có một cô bạn học Đại học Y, sẽ về ở cùng, bạn cháu học Y khoa, 6 năm, hiện vẫn còn hai năm nữa. Nếu cháu ra trường, bạn cháu ở đây với bà. Nếu không đi học, đi trực thì sẽ kiểm tra huyết áp thường xuyên cho bà nhé”. Nhớ hôm bà Tính đi chợ trượt chân, bong gân, nằm nhà cả tháng, đi lại trong nhà. Việc nấu cơm, đi chợ lại nhờ vào cô gái ở trọ. Cô bác sỹ khoa ngoại tương lai từ ngày về ở chung với Trâm cũng làm cho không gian căn hộ như một gia đình nhỏ có ba bà cháu vui lên hẳn. Thế rồi một tháng Ngân đi trực ở Bệnh viện Thái Nguyên, Trâm đi làm một dự án kinh tế ở miền Trung; bà Tính đi vào Vinh thăm con gái hai tuần. Khi về đến nhà thì nhà mất điện. Hỏi ra thì thợ điện cắt điện vì không có ai nộp tiền điện, quá 1 ngày là cắt.
Bà Tính đi xe ôm lên tổ điện thì thợ điện nói: “Nộp 40.000 đồng mới nhấc cầu dao”. Thì nộp phạt 40.000 đồng, bà Tính rút 40.000 đồng nộp phạt. Bà không sợ mất điện, sợ nhất là khi hai cháu đi học về mà không vào được mạng, không học, không đọc báo thì khổ lắm. Không rõ bà Tính đã lo cho đứa cháu người dưng ở trọ từ khi nào. Không rõ nữa. Lòng tốt của bà có ngọn đèn chứng cho.
Lần đi thực tập về, Trâm còn mang thêm cả trám đen, trám trắng sấy khô tặng bà Tính. Quà tặng năm mới chỉ là ấm trà, gói trám mà bà Tính bồi hồi không sao ngủ được, thi thoảng bà còn nghe thấy tiếng hát nhỏ vọng sang, đó là câu quan họ cổ. Con gái vùng Việt Yên, Bắc Giang hát quan họ có tiếng là hay, thi thoảng giữa Trâm và Ngân lại cười rinh rích. Hình như hai đứa tâm đầu ý hợp, một đứa học nghề Y, một đứa học kinh tế.
Trâm bảo: “Cháu học xong mà không xin được việc thì sẽ về Bắc Giang mua trám, ngâm trám để giới thiệu món ngon đặc sản quê nhà. Ví như món trám đen, trám trắng, ví như thổi xôi trám để giới thiệu với khách du lịch, còn không cháu đi rừng trồng trám và hái trám rồi đổ buôn ra chợ đầu mối. Hay cháu nấu rượu làng Vân cũng là một cách làm kinh tế. Cháu đi học về để làm kinh tế vườn, có sao đâu. Rồi cháu sẽ đón bà lên ở với cháu”. Nghe Trâm nói, bà Tính ngồi lau nước mắt. Vì tình người hay vì nỗi nhớ quê ?.
Nghe trò chuyện thì việc học xong có tấm bằng đại học, đi xin việc ở thành phố cũng chẳng dễ dàng gì. Thôi thì còn duyên còn gặp lại, nếu không thì căn phòng trọ cũng như người chèo thuyền cho người sang sông. Bà Tính bồi hồi thấy nhớ quê vì lâu lắm bà không có quê để về.
Bà mong qua Tết, bà mong tháng giêng, đến mùa lễ hội bà sẽ đi chùa Vĩnh Nghiêm; bà sẽ hỏi thăm ngôi làng mà cháu Trâm đang sống; cô trám trắng của bà, bà sẽ về thăm quê người ở trọ nhà mình, không họ hàng thân thích nhưng tình người thì ở đâu cũng ấm áp, cho dù mưa phùn vẫn mưa và gió bấc vẫn lao xao. Màn trời có độ ẩm cao và màu hồng của nhiều thứ đèn nhà kính xa xa hắt lên không gian nồng ấm.
Thực ra bà Tính không nói với ai, từ khi rời khỏi quê nhà, cha mẹ anh em không có, bà nhớ quê mà không có cớ để về, lần lễ hội này thì bà có cớ, bà đã có lý do. Bà Tính sẽ rủ cả cô bác sỹ Ngân tương lai cùng về, biết đâu đấy là chuyến đi của một đời người mà bà Tính thấy, ông trời đã run rủi cho bà gặp lại quê nhà qua một đứa cháu thuê nhà trọ. Và lòng tốt của bà, ở hiền sẽ gặp lành, ngôi nhà của bà sẽ là dây dẫn cho bà trở lại thăm quê.