THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:07

Quấy rối tình dục nơi công sở: Bao giờ mới hết ?

 

Giữ im lặng vì định kiến giới

Là cô sinh viên trường Đại học Ngoại thương là có nước trắng trẻo, gương mặt khả ái, H. dễ dàng tìm được công việc tại một Cty kinh doanh các sản phẩm thực phẩm chức năng với mức thu nhập khá. Cứ tưởng vận may đã sớm đến với cô, nhưng sau hơn 4 tháng làm việc cô đã phải rời công ty xin việc làm khác. H kể, ngay từ những ngày khi đến công ty làm việc mình đã gặp phải những ánh mắt soi mói của các đồng nghiệp nam và những lời nói bóng gió của họ. Nhưng từ khi mình chuyển lên làm thư ký cho sếp mới là lúc mình chính thức gặp họa. Là thư ký của sếp thì việc cận kề sếp hàng ngày là điều tất yếu. Thế nhưng, chính sự gần gũi ấy lại vô tình biến thành cơ hội được để sếp "đụng chạm" với nhân viên. Sếp tận dụng mọi cơ hội để đụng chạm vào người mình và những phần nhạy cảm trên cơ thể. Sau nhiều ngày dằn vặt, trăn trở mình cuối cùng mình đã nộp đơn xin thôi việc.

Còn với câu chuyện của H.G - cô gái đến từ Tuyên Quang, thì việc quấy rối nơi làm việc đã trở thành nỗi dằn vặt trông cuộc đời cô. Tốt nghiệp đại học Ngoại ngữ nhưng H.G không về quê xin việc, mà quyết định lập nghiệp tại Hà Nội. Với chất giọng ngọt ngào, khuôn mặt dễ nhìn, vóc dáng cao ráo, lại thành thạo tiếng Anh, H.G đã được tuyển dụng vào làm việc tại phòng lễ tân. Một thời gian sau đó H.G được chuyển lên làm ở phòng Maketing của Cty. Cứ tưởng đây là cơ hội tốt để H.G thể hiện khả năng cũng như nâng cao thu nhập, nhưng không ngờ ngay tuần đầu vào làm việc H.G đã “lọt vào mắt xanh” của anh trưởng phòng. Thời gian đầu, anh ta ra sức giúp đỡ, hỗ trợ G. trong công việc, nhưng sau đó là những biểu hiện thường xuyên cố tình “đụng chạm” vào người  và có những lời nói bóng gió, khó nghe liên quan đến tình dục, gợi ý với G. đi chơi. H.G kể:  “Một lần, có hợp đồng cần ký kết tại Tp.Hồ Chí Minh, tôi và anh ta được phân công đi thực hiện. Hôm đó, sau khi ký kết hợp đồng xong chúng tôi trở về khách sạn để nghỉ ngơi. Đến cửa phòng, anh ta bảo tôi vào phòng lấy cái áo, đem là cho anh ấy. Nhưng không ngờ tôi vừa bước chân khỏi cửa phòng, cánh cửa đã bị đóng lại. Anh ta lao vào ôm lấy tôi và đòi quan hệ tình cảm. May mắn tôi đã kịp giật được cánh cửa để thoát thân ra ngoài. Tôi quá sợ hãi trong một thời gian dài, chỉ biết âm thầm chịu đựng, mà không dám nói với ai vì sợ mất việc, sợ mọi người đàm tiếu. Cuối cùng mới dám kể cho một chị làm cùng phòng nghe. Đáng lẽ được chia sẻ, không ngờ mọi người râm ran câu chuyện của tôi và có nhiều lời đồn ác ý, rằng tôi mới là người… cầu cạnh, quyến rũ anh ta” - G. nức nở kể.

Chia sẻ về quan điểm có nên tố cáo tội QRTD tại nơi làm việc, Linh Nga (huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá) cho biết: "Chẳng ai rảnh rỗi để tố cáo hành vi quấy rối tình dục của người khác đối với mình. Nếu tố cáo với cơ quan chắc chắn không được ủng hộ, ngược lại sẽ nhận được cái nhìn đầy soi mói của mọi người. Họ sẽ cho rằng mình thế nào mới bị như vậy bởi cơ quan hàng chục nhân viên nữ xinh đẹp, tại sao không ai bị quấy rối, chỉ mình mình bị? Bên cạnh đó mình còn bị người yêu ghen tuông, cho rằng mình là kẻ lẳng lơ. Là một phụ nữ đã từng bị quấy tối tình dục, tôi nghĩ cách tốt nhất là im lặng hoặc chuyển công tác sang bộ phận khác, tránh xa kẻ quấy rối".

 

 

“Dê cụ” có đất sống

Bà Nguyễn Thị Vân, chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, năm 2012, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tiến hành khảo sát nhanh đối với 102 người là cán bộ các cơ quan quản lý Nhà nước, người lao động, sinh viên… Kết quả cho thấy, tình trạng QRTD xảy ra ở mọi môi trường và với mọi lứa tuổi. Phần lớn nạn nhân bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc là nữ giới, chiếm 78,2%. Cũng theo nghiên cứu này, các nạn nhân bị quấy rối tình dục thường im lặng, không dám tố cáo kẻ quấy rối bởi tâm lý sợ mất việc và mất thể diện với gia đình, xã hội.

Phạm Thị Minh Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển (CGFED) cho biết,  có tới 67% phụ nữ và trẻ em gái không có bất kỳ hành động nào họ gặp phải các hành vi QRTD. Nguyên nhân của tình trạng không phản ứng lại hành vi đáng lên án này, theo bà Hằng là do các hành vi QRTD nơi công cộng thường xảy ra nhanh, khó có bằng chứng. Bên cạnh đó, nạn nhân/người chứng kiến cũng thường cho rằng sự việc chưa đủ mức độ nghiêm trọng để tố cáo nên có rất ít cách để ngăn chặn. Hành vi này, vô tình tiếp tay cho những con “ dê cụ” có đất sống.

Ngoài ra, sự thiếu tin tưởng với lực lượng chức năng cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự bị động của nạn nhân và những người xung quanh. Khảo sát cho thấy, 34% phụ nữ có chung suy nghĩ việc khai báo với công an về các hành vi quấy rối cũng không mang lại thay đổi gì. Bên cạnh đó, thủ tục khai báo vẫn còn rườm rà, mệt mỏi và phức tạp. Trong nhiều trường hợp phụ nữ cảm thấy xấu hổ, thậm chí bị xã hội kỳ thị nếu họ khai báo các hành vi QRTD, bởi suy nghĩ đổ lỗi cho phụ nữ, vì đã có hành vi sai trái gì đó nên mới bị đàn ông quấy rối tình dục. Điều này lý giải vì sao phần đông phụ nữ và trẻ em gái có tâm lý dễ bỏ qua, trong khi một số khác lại sợ tìm đến công an nhờ giúp đỡ.

Theo các chuyên gia tâm lý, im lặng được coi là giải pháp tối ưu của các nạn nhân bị QRTD. Sự im lặng này dẫn tới việc bùng phát hành vi QRTD nơi công sở, nơi làm việc. Thực tế rất nhiều nạn nhân sau khi bị QRTD nơi công sở lần thứ nhất sẽ bị thêm lần hai, lần ba của cùng một đối tượng gây ra do nạn nhân im lặng không tố cáo với cơ quan, đoàn thể hoặc truyền tai nhau, bởi chủ thể thực hiện hành vi QRTD thấy nạn nhân của mình im lặng sẽ mặc định họ thích được làm như thế.

Chuyên gia tâm lý Diệu Anh cho rằng: “Hãy lên tiếng, đừng bấm bụng cho qua đối với những hành vi QRTD, bằng cách nói thẳng với họ ngay lúc đó. Thái độ im lặng có thể khiến người đó hiểu sai thông điệp rằng đó là sự đồng tình; thái độ sợ sệt, khiến người đó có thể uy hiếp bằng vũ lực. Nếu đã thể hiện rõ thái độ và lời nói, nếu người đó còn tiếp diễn hành vi QRTD, hãy nói với cấp trên để được bảo vệ”.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh