Quảng trường Cách mạng tháng 8 - Những câu chuyện lịch sử
- Văn hóa - Giải trí
- 18:35 - 01/09/2020
Ngày 19/8/1945, tại Quảng trường Cách mạng tháng 8 (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra cuộc mít tinh phát động tổng khởi nghĩa và giành chính quyền. GS,TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) bày tỏ: 75 năm đã trôi qua nhưng những ký ức về ngày 19/8/1945 vẫn không nhạt phai trong lòng người dân Thủ đô và cả nước.
Tại địa danh lịch sử này đã diễn ra 2 cuộc biểu tình liên tiếp trong 2 ngày 17 và 19/8. Trong đó, vào ngày 17/8, Đội Thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu đã tổ chức cướp diễn đàn tại cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim, để bày tỏ sự ủng hộ với mặt trận Việt Minh (Việt Nam Độc lập đồng minh) giành chính quyền.
Cũng trong sự kiện lịch sử ngày 17/8, có một nhóm diễn thuyết chỉ gồm 2 người đã huy động hàng vạn quần chúng đứng lên thể hiện tinh thần yêu nước. Nhóm 2 người đó gồm ông Lê Quang Châu (người Hà Nội) và bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng (người Huế). Họ đều là đoàn viên thanh niên của Đảng Dân chủ, nhân danh Việt Minh để kêu gọi đồng bào ủng hộ, đứng dậy giành chính quyền. GS.TS Phạm Hồng Tung kể lại: “Trong thời gian chuẩn bị và triển khai kế hoạch cướp diễn đàn có một câu chuyện đặc biệt, đó là chuyện về lá cờ 34m thả từ nóc Nhà hát Lớn xuống được một gia đình yêu nước may trên căn gác của Rạp tháng 8 (phố Hàng Bài)”.
Gần một thế kỷ trôi qua, biết bao biến cố thăng trầm của thời gian, cùng với Thăng Long – Hà Nội, Quảng trường Cách mạng tháng 8 vẫn giữ nguyên giá trị lớn về lịch sử văn hóa, kiến trúc vừa cổ điển vừa hiện đại. Đó cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của Thủ đô và đất nước, là bằng chứng lịch sử của sự phát triển văn hóa, xã hội của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung qua các thời kỳ cách mạng.
"Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, vào ngày diễn ra mít tinh, quần chúng yêu nước có giấu cờ đỏ sao vàng rồi trà trộn bên trong đoàn người tập hợp ở Quảng trường Cách mạng tháng 8. Thời điểm ông Châu, bà Hồng đứng lên để kêu gọi quần chúng, ở Quảng trường Cách mạng tháng 8, hàng vạn người dân đã đồng loạt rút cờ đỏ sao vàng trong người rồi cùng phất lên. Nhờ đó, chúng ta chiếm được cuộc mít tinh cả ở trên diễn đàn và ở khu vực quảng trường.
Tuy nhiên, sau khi kêu gọi Nhân dân xong, ông Châu và bà Hồng phải lập tức lên xe đạp phóng ra phía bờ sông để tẩu thoát; còn quần chúng tản ra các phố để biểu tình", GS.TS Phạm Hồng Tung cho biết.
Ngày 19/8, tại Quảng trường Cách mạng tháng 8 tiếp tục diễn ra một cuộc mít tinh khác do Việt Minh tổ chức. Trong buổi mít tinh, Đội Thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu có nhiệm vụ cầm vũ khí đi dẫn đầu, bảo vệ đoàn biểu tình. Một trong những người lãnh đạo của đội vũ trang đấy là nhạc sĩ Văn Cao – tác giả những bài hát nhạc tiền chiến với giai điệu lãng mạn, du dương như: “Thiên Thai”, “Suối Mơ”, “Đàn chim Việt”.
Thế nhưng, trong thời kỳ chuẩn bị giành chính quyền, chính người thanh niên Hà Nội hào hoa ấy trở thành Đội trưởng Đội AS (Đội Ám sát) của thanh niên thành Hoàng Diệu. Ông trực tiếp phụ trách quản lý vũ khí và giao vũ khí cho những chiến sĩ cảm tử của Hà Nội đi trừng trị Việt gian.
Theo lời kể của GS.TS Phạm Hồng Tung, trong những ngày tháng rực lửa như vậy, nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác bài hát mang giai điệu khác hẳn với âm nhạc thường thấy của mình, thể hiện ý chí vùng lên của toàn dân tộc là bài “Tiến quân ca”. Ca từ, giai điệu của bài hát rất hùng tráng; chỉ ở thời khắc lịch sử ấy mới có được.
Tuy nhiên vào đúng ngày 19/8/1945, ông Văn Cao không may lại bị sốt, không thể cầm vũ khí đi bảo vệ đoàn biểu tình. “Ngày diễn ra cuộc mít tinh, nhạc sĩ Văn Cao sốt run lẩy bẩy. Ông chỉ lặng lẽ nghe quần chúng hát vang bài “Tiến quân ca" do mình sáng tác và chứng kiến đồng đội hòa theo quần chúng đi giành chính quyền. Nhạc sĩ Văn Cao khi đó trở lại đúng vai trò của chàng lãng tử, đứng ra bên lề lịch sử”, GS.TS Phạm Hồng Tung chia sẻ.
Thời điểm toàn dân tộc Việt Nam nghe theo lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc “Toàn thể dân tộc Việt Nam hãy đứng dậy, đem sức ta mà giải phóng cho ta” ở tất cả các tỉnh lị, đô thị đều diễn ra những cuộc mít tinh, biểu tình lớn của quần chúng. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử: “Đem sức ta mà giải phóng cho ta” nghĩa là sức mạnh xuất phát từ cách mạng quần chúng, chủ yếu là bạo lực cách mạng nhưng trong hình thái của mít tinh biểu tình chính trị. Những cuộc mít tinh như vậy thông thường thu hút sự tham gia của hàng triệu người ở các TP lớn và hàng nghìn người ở các tỉnh nhỏ. Đặc biệt, đó cũng là hình thái giành chính quyền của ta ở Hà Nội.
“Do hình thái như vậy nên cần tập hợp đông đảo Nhân dân, càng đông càng tốt. Ở đó nổi lên vai trò của các quảng trường. Trong trường hợp cụ thể ở đây là Quảng trường Cách mạng tháng 8 hay Quảng trường Nhà hát Lớn trong ngày 19/8/1945”, GS.TS Phạm Hồng Tung nhớ lại.
Sau sự kiện trọng đại ấy, Quảng trường Nhà hát Lớn vẫn giữ nguyên tên gọi cũ, cho đến khi chính thức mang tên Quảng trường Cách mạng tháng 8 vào thập niên 90 của thế kỷ XX. Hiện, Quảng trường Cách mạng tháng 8 là một quần thể mang hình thái nút không gian TP.
Xung quanh quảng trường có những công trình kiến trúc đẹp như Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, khách sạn Hillton. Vào mỗi buổi tối khi ánh đèn điện bừng sáng lung linh, Nhà hát Lớn Hà Nội càng trở nên lộng lẫy, kiêu sa, cùng những bậc thềm chạy dài trước mặt tạo cho Quảng trường Cách mạng tháng 8 có một không gian lắng đọng, là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân Thủ đô.