Quảng Trị đẩy mạnh gắn kết cơ sở GDNN với DN trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm
- Bài thuốc hay
- 07:24 - 11/06/2022
Theo báo cáo của Hội nghị, trong những năm qua, hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp luôn được các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị coi trọng, thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp cùng đồng hành. Có nhiều doanh nghiệp đã hợp tác tốt với các cơ sở GDNN như: Công ty may Hòa Thọ, Công ty cổ phần May và Thương mại Gio Linh, Cty Cổ phần may mặc Miền Trung… Qua đó, góp phần nâng cao kỹ năng tay nghề cho học viên, học sinh, sinh viên, tạo được việc làm bền vững cho người lao động sau khi tốt nghiệp.
Giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh Quảng Trị đã đào tạo nghề cho 60.947 người; tỷ lệ lao động đào tạo đạt 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31%; có trên 83 % học viên, người lao động và 74,3% học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75 - 80%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ trên 33%; đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 85 - 90%; số lao động được tạo việc làm mới bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2025 là 12.000 người, giai đoạn 2026 - 2030 là 12.600 lao động.
Ông Nguyễn Đức Thiện, Phó Trưởng ban BQL Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 5 khu công nghiệp, 2 khu kinh tế với khoảng 180 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có trên 110 dự án đã đi vào hoạt động, sản xuất kinh doanh. Các dự án này đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 lao động, chiếm đa số là ngành dệt may (khoảng 3.500 người).
Theo số liệu đăng ký của các dự án, nhu cầu lao động cần tuyển dụng mới trong giai đoạn tới rơi vào khoảng 100.000 người, gấp 15 lần con số lao động hiện tại. Với quy mô và tính chất phức tạp của các dự án đang đầu tư, Quảng Trị không những cần lao động đáp ứng đủ về mặt số lượng mà cần cả chất lượng. Theo tính toán của BQL Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị, số lượng lao động quản lý, lao động kỹ thuật cao cần sử dụng trong giai đoạn 5 - 10 năm tới là khoảng hơn 5.000 người, hoạt động trong các lĩnh vực, như: vận hành các nhà máy năng lượng khí, dịch vụ cảng, logistics, hệ thống xử lý rác thải, quan trắc môi trường tại các khu công nghiệp, nhà hàng, khách sạn, sân bay,…
Ông Thiện cho rằng, để giải quyết vấn đề thiếu hụt năng lực đào tạo ngành nghề kỹ thuật cao tại Quảng Trị, trong ngắn hạn, địa phương này cần triển khai thực hiện các chương trình đào tạo có tính liên kết vùng. Trong một số trường hợp, cần định hướng, giới thiệu, hỗ trợ lao động địa phương đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế khác có ngành nghề tương tự. Trong các điều khoản hỗ trợ cần có sự ràng buộc với người lao động, để khi có nhu cầu, tỉnh có thể kêu gọi họ trở về làm việc tại địa phương.
Về dài hạn, cần xác định công tác đào tạo nguồn nhân lực là một ngành phát triển thực sự chứ không phải là ngành hỗ trợ đơn thuần. Đặc biệt, Quảng Trị cần xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể để có năng lực đào tạo ngành nghề kỹ thuật cao ngay tại địa phương mình.
Về phương pháp đào tạo, cần tiếp tục triển khai mô hình đào tạo “kép (vừa đào tạo tại cơ sở đào tạo, vừa đào tạo tại doanh nghiệp), nâng cao thời gian học thực hành. Các cơ sở đào tạo phải có sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để xây dựng các chương trình, nội dung đào tạo theo đơn đặt hàng. Trong điều kiện cho phép, cần tạo điều kiện để học viên vừa học vừa làm, nâng cao hiệu quả đào tạo.
Thầy giáo Lê Thiên Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị nhìn nhận thức tế, những năm qua, nhà trường đã gắn kết chặt chẽ với với nhiều doanh nghiệp trong việc đào tạo và cung ứng hiệu quả nguồn lao động chất lượng cao. Học sinh, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp tuyển dụng; quy mô tuyển sinh cũng có xu hướng tăng lên.
Tuy nhiên, công tác đào tạo thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa nhiều và hiệu quả chưa cao.
Ngoài ra, Hội nghị cũng đã nhận được những ý kiến phát biểu, các tham luận làm rõ hơn thực trạng gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Các ý kiến, tham luận đã đi sâu vào phân tích những mặt tồn tại, hạn chế, đồng thời chỉ ra nguyên nhân, phương hướng, biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, bà Lê Nguyễn Huyền Trang - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị khẳng định, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ được ưu tiên trong thời gian tới. Trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, khu kinh tế, các dự án triển khai trên địa bàn.
Để phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp Quảng Trị cần có sự đầu tư nâng cấp về cơ sở dạy và học, cần thay đổi căn bản về cách tiếp cận cũng như các giải pháp triển khai nhằm nâng cao chất lượng đào tạo hơn nữa. Một trong những giải pháp trọng tâm, mang tính đột phá là đẩy mạnh việc liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.
Thời gian tới, bà Trang đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động xác định số lượng nghề đào tạo, quy mô đào tạo trên cơ sở năng lực của mình và nhu cầu của doanh nghiệp; chủ động xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Đổi mới phương pháp, quy trình đào tạo, lấy học sinh, người học nghề làm trung tâm và nhu cầu của doanh nghiệp làm định hướng đào tạo. Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo.
Các doanh nghiệp cần phải có kế hoạch phát triển nhân lực phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh; thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp về nhu cầu lao động. Tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực tập tại các thiết bị của doanh nghiệp; giáo viên dạy nghề được đi thực tế tại doanh nghiệp; tham gia xây dựng tiêu chuẩn, kỹ năng nghề, thiết kế chương trình và tham gia giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của người học nghề,..
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh bổ sung cơ chế chính sách phù hợp; phối hợp các bên để khuyến khích, huy động các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề và phát triển cơ sở đào tạo nghề tại doanh nghiệp trong đào toạ nguồn nhân lực.
Dịp này, các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tiến hành ký kết phối hợp trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm.