CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 10:06

Quảng Trị: Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cải thiện điều kiện, môi trường làm việc

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị trao hỗ trợ công nhân, người lao động từng bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị trao hỗ trợ công nhân, người lao động từng bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Những năm qua, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phát triển nhanh về số lượng và quy mô, qua đó thu hút và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Song song với việc đầu tư, phát triển sản xuất, nhiều chương trình, hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, người lao động được các cấp, ngành, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tổ chức thường xuyên và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, để xây dựng môi trường làm việc thân thiện, an toàn, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người lao động, tài sản doanh nghiệp, Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã được các đơn vị triển khai tích cực.

Bà Lê Nguyễn Huyền Trang - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị cho biết, Luật ATVSLĐ được ban hành là bước tiến quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động cả khu vực trong và ngoài quan hệ lao động. Nó giúp tạo khung pháp lý hoàn thiện, thống nhất, đảm bảo tính thực thi cao hơn trong công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động cũng như công tác bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp. 

Luật ATVSLĐ quy định quỹ TNLĐ được sử dụng để chi trả cho 8 khoản, trong đó 1 khoản chi cho chi phí quản lý, 7 khoản chi chế độ. Các khoản chi mới nhằm hỗ trợ, nâng cao quyền lợi cho người lao động và sử dụng lao động, đã góp phần hoàn thiện chính sách hỗ trợ người lao động, đồng thời nâng cao ý thức về vai trò của an toàn lao động, đặc biệt là công tác phòng ngừa TNLĐ. Các khoản chi từ quỹ TNLĐ còn giúp thúc đẩy cải thiện điều kiện, môi trường làm việc của người lao động, giảm thiểu TNLĐ, BNN, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội đối với các trường hợp người lao động không may gặp rủi ro trong quá trình làm việc hay bị TNLĐ.

Theo bà Trang, hiện nay, các mức chi cho người lao động khi bị TNLĐ được điều chỉnh hợp lý, toàn diện hơn và hưởng ở mức khá cao so với quyền lợi hưởng trước đây, đã giúp người lao động yên tâm hơn trong công tác, khắc phục và nhanh chóng vượt qua khó khăn sau TNLĐ, BNN.

Bà Trang cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2022, trên toàn tỉnh Quảng Trị, bình quân số người hưởng chế độ TNLĐ, BNN hàng tháng được chi trả từ nguồn quỹ TNLĐ, BNN là 570 người, với số tiền khoảng 8 tỷ đồng/năm. Số tiền trích đóng bảo hiểm y tế đối với người hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng, hàng năm bình quân 6,5 triệu đồng.

Cũng trong giai đoạn này, tại Quảng Trị, tổng số trường hợp bị TNLĐ, người bị TNLĐ hưởng trợ cấp 1 lần (suy giảm từ 5 - 30%) chiếm 2/3 và có xu hướng tăng dần qua các năm, với mức bình quân 22%. Người hưởng TNLĐ hàng tháng (suy giảm từ 31% trở lên) có tỷ lệ tăng thấp và không ổn định. Nguyên nhân chủ yếu đối với các trường hợp hưởng chế độ TNLĐ là do tai nạn giao thông trên đường đi và về, chiếm hơn 50% trong tổng số trường hợp. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng còn những vướng mắc, khó khăn. Hiện nay, việc giải quyết chế độ TNLĐ đối với trường hợp tham gia các hoạt động phong trào ngoài nhiệm vụ công việc chuyên môn thường xuyên được giao còn khó khăn, vướng mắc do thiếu hướng dẫn trong việc xác định trường hợp nào thuộc diện được giải quyết, trường hợp nào không thuộc diện. Việc thực hiện theo cơ chế hậu kiểm đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý, phòng chống lạm dụng, trục lợi hưởng BHXH. Công tác hậu kiểm đối với các đơn vị đã giải thể, phá sản,... không còn lưu trữ hồ sơ về TNLĐ, BNN, về thu hồi đối với trường hợp phát hiện trục lợi mà người hưởng chế độ TNLĐ đã nghỉ việc, chết cũng gặp khó khăn. Việc xác nhận vụ việc tai nạn giao thông của UBND xã hoặc công an xã không ít nơi còn có biểu hiện dễ dãi, chưa đảm bảo đầy đủ về cơ sở, căn cứ, dẫn đến sai lệch về hồ sơ hưởng.

Tại buổi đối thoại với công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu các sở, ban ngành, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp phải thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trọng tâm là chấp hành nghiêm Bộ luật Lao động; Luật Doanh nghiệp; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật ATVSL, Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Cần nhận thức rõ vai trò, vị trí của công nhân, người lao động; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để công nhân, người lao động tái tạo sức lao động. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động, người lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ; hỗ trợ phòng ngừa TNLĐ, BNN trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN. Các doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN cho người lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm ATVSLĐ; chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện BNN cho người lao động.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Giao Sở LĐ-TB&XH tỉnh chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, các sở, ban ngành liên quan và các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để kịp thời chấn chỉnh, có biện pháp xử lý các doanh nghiệp vi phạm, nhất là vi phạm Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội; Luật ATVSLĐ.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh