CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:54

Quảng Ninh: Ưu tiên nguồn lực để giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn

Tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ 4,56% đầu năm 2016 xuống còn dưới 1,06% vào năm 2020, bình quân mỗi năm giảm 0,7%. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị và đặc biệt là chính người dân, các hộ nghèo cùng vào cuộc.

Quảng Ninh: Ưu tiên nguồn lực để giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn - Ảnh 1.

Đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên.

Qua đó, các địa phương đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", vận động người dân tích cực tham gia phong trào "Quảng Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới", tạo kết cấu hạ tầng đồng bộ ở các vùng, miền, từ đó làm động lực để người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Từ phong trào này, nhiều tập thể, cá nhân đóng góp công sức, tiền của, hiến đất xây dựng nông thôn mới như làm đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng...

Giai đoạn 2014-2019, vốn của cộng đồng dân cư đóng góp cho chương trình nông thôn mới lên gần 45.862 tỷ đồng. Nhờ đó đến nay, hầu hết các xã đã có đường liên thôn, liên xã được bê tông, nhựa hóa; 107/111 xã đạt tiêu chí thủy lợi, 106 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng nông thôn; 94 xã đạt tiêu chí về nhà ở, 85 xã đạt tiêu chí thu nhập, 103 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, 103 xã đạt tiêu chí giáo dục, 111 xã đạt tiêu chí y tế...

Cùng với đó, các địa phương cũng tập trung huy động nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho bà con. Từ năm 2014 đến hết 2019, toàn tỉnh đã xây dựng 457 dự án hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 14.881 lượt hộ... từ đó tạo điều kiện tích cực cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước thay đổi tập quán sản xuất. Cũng trong giai đoạn này, 5.966 hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hơn 350 hộ dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất; 27.705 hộ nghèo ở vùng khó khăn được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt với tổng kinh phí là 22,348 tỷ đồng để mua giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y...

Trong những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời. Đến nay Ngân hàng CSXH tỉnh đang thực hiện 19 chương trình tín dụng khác nhau. Nguồn vốn tín dụng chính sách trong hơn 17 năm qua đã làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho các hộ vay, giúp hàng trăm ngàn hộ nghèo được vay vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Hệ thống Ngân hàng CSXH cũng chú trọng huy động vốn của tổ chức, cá nhân, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng với đó, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn từ các chương trình tín dụng CSXH, hệ thống Ngân hàng CSXH các cấp còn thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh phổ biến nội dung, mục đích, ý nghĩa của hoạt động tín dụng chính sách bằng nhiều hình thức.

Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách được đưa đến 100% xã, phường, thị trấn với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi như cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay nhà ở, giải quyết việc làm... Chất lượng tín dụng không ngừng được củng cố và nâng cao, nợ quá hạn và nợ khoanh luôn được kiểm soát ở mức thấp. Nguồn vốn từ các chương trình tín dụng CSXH đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của tỉnh Quảng Ninh trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh

Việc xây dựng các mô hình điển hình về phát triển kinh tế cũng được các địa phương chú trọng thực hiện tạo động lực cho bà con các xã khó khăn học tập vươn lên thoát nghèo. Điển hình như hộ ông Lỷ A Tài (xã Quảng An, huyện Đầm Hà); ông Phùn Hợp Sềnh (xã Quảng Đức, huyện Hải Hà), ông Trần Ngọc Mải (thôn Lục Chắn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái)...

Nhờ kết hợp đa dạng các giải pháp mà tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều trên địa bàn tỉnh giảm mạnh từ 1,2% năm 2018 xuống còn 0,59% năm 2019. Đời sống người dân ngày càng được nâng lên.

K.VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh