Quảng Ninh: Trong lĩnh vực xây dựng, DN nào cũng có sai phạm về ATVSLĐ
- Bài thuốc hay
- 15:31 - 13/11/2016
ảnh minh họa
Với mục tiêu là tăng cường tuân thủ các quy định của pháp luật và tiêu chuẩn về ATVSLĐ, qua đó cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu TNLĐ trong ngành xây dựng, đặc biệt tại các công trình xây dựng, từ tháng 5 đến hết tháng 9/2016, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 49 doanh nghiệp, công trình trong đó: cấp tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, Sở Xây dựng, Liên đoàn Lao động tỉnh tham gia, phối hợp) tổ chức thanh tra đối với 5 doanh nghiệp và 10 công trình xây dựng có quy mô lớn; Các địa phương (UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) tổ chức kiểm tra 34 doanh nghiệp, công trình xây dựng có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá chung tại các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương cơ bản đã thực hiện các quy định trong công tác đảm bảo An toàn - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) như: có xây dựng và triển khai thực hiện các biện pháp ATVSLĐ ở từng hạng mục công trình; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động theo quy định của pháp luật, có quan tâm đến công tác tập huấn cho người lao động các biện pháp làm việc an toàn trước khi giao việc ở công trình...
Qua thanh tra cho thấy, công tác đảm bảo ATVSLĐ trên các công trình xây dựng cũng còn một số hạn chế, cụ thể: Đối với người lao động: do đặc thù hoạt động xây dựng diễn ra ở mọi nơi, từ những công trình trọng điểm của Nhà nước đến những công trình xây dựng dân sinh; phần lớn đối tượng lao động tham gia trong xây dựng là lao động phổ thông, lao động tự do, lao động thời vụ, chưa được đào tạo đầy đủ, nghiêm túc; do vậy ý thức về công tác an toàn, vệ sinh lao động chưa cao (không sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động được trang bị, không tuân thủ đúng quy trình làm việc..)
Đối với doanh nghiệp, nhà thầu thi công: các doanh nghiệp, nhà thầu thi công vi phạm khá nhiều lỗi (trung bình 12 lỗi/công trình) về: thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; thống kê lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; chưa cử cán bộ làm công tác an toàn – vệ sinh lao động; trang bị chưa đầy đủ phương tiện kỹ thuật, y tế để bảo đảm ứng cứu, sơ cứu kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn lao động và phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại. Một số đơn vị chưa trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho công nhân; chưa thường xuyên tổ chức tuyên truyền, huấn luyện kiến thức AT-VSLĐ cho người lao động làm việc ở công trường; thiết bị không đảm bảo, vi phạm về an toàn điện (tủ điện, cầu dao, atomat, cầu chảy, các cực của máy điện và dụng cụ điện...chưa được bọc kín bằng vật liệu cách điện đảm bảo an toàn và thuận tiện cho việc thao tác, không nối trung tính vỏ kim loại của các máy..), vi phạm về sử dụng giàn giáo (sàn thao tác không đủ rộng 01 mét theo quy định, không lắp thanh giằng chéo, hoặc có lắp nhưng không khóa hết các đầu thanh giằng, kê kích chân giàn giáo không chắc chắn, không nghiệm thu an toàn giàn giáo trước khi đưa vào sử dụng), vi phạm quy chuẩn máy hàn điện (không thực hiện nối trung tính vỏ kim loại của các máy hàn điện đề phòng điện chạm vỏ theo quy định, đấu dây dẫn ngược của máy hàn điện vào khung thép nhà xưởng), không có sổ nhật ký an toàn, sổ giao việc cho người lao động, các biện pháp kỹ thuật an toàn tại từng vị trí thi công…
Qua thanh tra, kiểm tra, các Đoàn đã tạm dừng hoạt động đối với 18 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (14 tời điện, 3 vận thăng chở hàng, chở người, 1 cần trục bánh xích) do không có hồ sơ, lý lịch, không được kiểm định kỹ thuật an toàn, công nhân vận hành không có chứng chỉ chuyên môn; tạm dừng 1 vị trí thi công ở trên cao do không có lan can an toàn, không có sàn thao tác, công nhân làm việc chưa được khám sức khoẻ, chưa được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động. Sau thanh tra, có 6 doanh nghiệp là nhà thầu thi công các công trình đã bị Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền phạt là 49,6 triệu đồng về các lỗi vi phạm: Không khám sức khoẻ cho người lao động, không huấn luyện an toàn, vệ sinh cho người lao động, không phân loại lao động theo danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thực hiện các chế độ theo quy định, không kiểm định kỷ thuật an toàn thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động./.