Quảng Ninh: Trợ giúp xã hội và nghề công tác xã hội theo hướng chuyên nghiệp
- Dược liệu
- 13:29 - 18/09/2018
Chú trong bồi dưỡng kỹ năng nghề công tác xã hội
Thời gian qua, việc bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng nghề cho cán bộ làm công tác xã hội được Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh đặc biệt chú trọng và quan tâm bằng việc mở các lớp đào tạo tại hầu hết các địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực, sự đoàn kết, chia sẻ trong hoạt động công tác xã hội cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền tại cơ sở.
Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tổ chức hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, người dân về nghề, nội dung của hoạt động công tác xã hội; thường xuyên thực hiện điều tra, rà soát, đánh giá năng lực cán bộ làm công tác xã hội tại các địa phương để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã mở 3 lớp truyền thông tư vấn, tọa đàm cho cán bộ công tác xã hội về hoạt động chăm sóc phát huy vai trò người cao tuổi trên địa bàn Quảng Yên, Đông Triều, Uông Bí; tổ chức 19 lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ cấp thôn, khu, người khuyết tật, trên địa bàn tỉnh theo Đề án trợ giúp người khuyết tật tại Đông Triều, Quảng Yên, Hoành Bồ, Cẩm Phả, Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà; mở 6 lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng truyền thông về công tác giảm nghèo cho đội ngũ trưởng thôn, bản, khu phố tại Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Ba Chẽ, Bình Liêu.
Lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội thăm và tặng quà đối tượng được chăm sóc theo mô hình tự nguyện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh
Ông Trần Quốc Doanh, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TX Đông Triều cho biết: “Công tác xã hội là một nghề đòi hỏi sự khéo léo để giúp các cá nhân, gia đình, cộng đồng, đối tượng xã hội yếu thế tự vươn lên hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy, người làm công tác tuyên truyền cần phải có kinh nghiệm, ứng phó với những hoàn cảnh để hoàn thành tốt công việc. Hằng năm, chúng tôi đều cử cán bộ tham gia các lớp truyền thông tư vấn và đào tạo về công tác xã hội của tỉnh, qua đó công tác tuyên truyền, vận động của cán bộ tại cơ sở trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo được sự tin tưởng và hợp tác từ phía nhân dân trong nhiều lĩnh vực”.
Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh đều mở 1 lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề công tác xã hội cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên… hoạt động trong lĩnh vực trợ giúp xã hội tại cộng đồng và các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Mới đây nhất, tháng 7/2018, Sở phối hợp với Trường Đại học Lao động xã hội tổ chức 1 lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề công tác xã hội cho 68 học viên thuộc các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Quảng Yên, Hoành Bồ, Tiên Yên, Hải Hà. Qua đó, các học viên đã được thực hành, vận dụng trực tiếp một số tình huống cụ thể và đưa ra các ví dụ thực tế trong quá trình làm việc để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phát triển nghề Công tác xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội
Phát triển nghề Công tác xã hội trong cộng đồng là cách thiết thực nhất để thực hiện các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp; trợ giúp các đối tượng yếu thế; thực hiện các biện pháp ngăn chặn loại bỏ những nguy cơ dẫn đến bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi… Phát triển tốt nghề Công tác xã hội sẽ là giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề xã hội, trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội ngay tại địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển xã hội công bằng, hài hoà và bền vững.
Xuất phát từ mục tiêu đó, trong quá trình phát triển Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh đã tập trung nghiên cứu, đưa ra cách thức hoạt động hợp lý, tổ chức mạng lưới trợ giúp linh hoạt qua: Hệ thống văn phòng công tác xã hội tại các huyện, thị xã, thành phố; nâng cao hiệu quả hỗ trợ của đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội; tổng đài tư vấn miễn phí, tiếp nhận thông tin… Qua đây, các nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội sẽ tiếp nhận yêu cầu của đối tượng, lắng nghe, tìm ra các hướng tư vấn, hỗ trợ, can thiệp… giúp các đối tượng tiếp cận dễ dàng khi có nhu cầu. Từ đó, mở ra cơ hội trợ giúp tới nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội như: Người nghèo, người bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật, đối tượng bị nạn bạo hành gia đình... giúp họ giải quyết các khó khăn, từng bước tự vươn lên trong cuộc sống.
Cán bộ công tác xã hội huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) tuyên truyền chính sách cho người dân
Ông Vũ Văn Thông, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh cho biết: Để công tác trợ giúp xã hội và nghề Công tác xã hội một các chuyên nghiệp, ngày càng phát triển phải kể đển công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề cho cán bộ công tác xã hội. Chính vì vậy, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh luôn chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng và coi đây là nhiệm vụ thường niên. Qua các lớp đào tạo, tập huấn, cán bộ tuyên truyền công tác xã hội tại địa phương có nhận thức sâu sắc hơn về nhiệm vụ, vai trò, đạo đức, chuyên môn, phương pháp tiếp cận đối tượng phù hợp với thực tế. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở các lớp để bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác xã hội nhằm thực hiện Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh.