THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:10

Quảng Ninh: Trợ giúp, chăm sóc người khuyết tật đạt kết quả tốt

 

Tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cho các đối tượng NKT có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện rà soát đối tượng là người khuyết tật và trẻ em mồ côi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh phục vụ xây dựng Đề án xã hội hóa nhà cấp 4 cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc thực sự không có điều kiện tái tạo nhà ở, hiện còn ở nhà tạm, nhà hư hỏng nặng hoặc chưa có nhà ở theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt chính sách đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, quan tâm thăm hỏi tặng quà cho người khuyết tật là người cao tuổi nhân ngày NCT Việt Nam 6/6; Phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi và các đơn vị tổ chức Chương trình “Nối vòng tay nhân ái vì người khuyết tật” nhân ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 với tổng số tiền ủng hộ gần 2,9 tỷ đồng; triển khai hoạt động kỷ niệm Ngày quốc tế người khuyết tật 3/12,… Không những vậy, Quảng Ninh cũng tạo điều kiện giúp NKT có việc làm ổn định, chủ động kiếm thu nhập cho bản thân và gia đình. Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã tiến hành kiểm tra, thẩm định gia hạn 6 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT, công nhận mới 1 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT; giám sát việc tổ chức đưa đối tượng là NKT hệ vận động đã được khám sàng lọc có nhu cầu và có khả năng phẫu thuật, đo lắp dụng cụ đến cơ sở phẫu thuật chỉnh hình để phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng lao động và đo lắp dụng cụ chỉnh hình.

Tính đến thời điểm này, Quảng Ninh đã vận động thành lập và có Quyết định công nhận 10 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật, công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật được Tỉnh Quảng Ninh triển khai lồng ghép trong Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

 

Giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng- ảnh minh họa (Nguồn Internet)

 

Ghi nhận ở CLB Người điếc của Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) Quảng Ninh cho thấy, các thành viên được hỗ trợ những hoạt động, như: Dạy chữ viết, ngôn ngữ, tổ chức những buổi nói chuyện sinh hoạt, tọa đàm hòa nhập cộng đồng... CLB được thành lập và hoạt động chính thức từ tháng 6/2016. Sau hơn 2 năm hoạt động, CLB đã trợ giúp cho 35 người điếc trên địa bàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên.

Bà Đỗ Thị Lệ, Chủ nhiệm CLB cho biết: Hầu hết các thành viên không được học văn hóa. Họ cần có một nơi được học tập và sinh hoạt riêng. Vì thế, việc được sinh hoạt trong một môi trường có những người có hoàn cảnh giống mình sẽ giúp cho các bạn cởi mở, tự tin hơn. Đồng thời, việc dạy ngôn ngữ, ký hiệu giúp họ có thể giao tiếp được với nhau và đặc biệt giao tiếp được với nhiều người trong xã hội. Được sự hỗ trợ từ Trung tâm CTXH tỉnh, CLB đã phối hợp với Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh khảo sát nhu cầu học nghề của từng đối tượng để lên phương án hỗ trợ.

Anh Văn Khắc Huấn (TP Hạ Long) chia sẻ (thông qua tin nhắn): “Tôi bị điếc bẩm sinh, giao tiếp đối với mọi người khá khó khăn. Vì thế, từ khi nhận được sự trợ giúp của các anh chị trong CLB, tôi được hỗ trợ khá nhiều về ngôn ngữ ký hiệu để có thể nói chuyện với mọi người dễ dàng hơn. Đối với những người bình thường học nghề, xin việc còn khó khăn chứ huống hồ những người bị điếc như tôi. Nhưng nhờ có sự trợ giúp của các anh chị từ Trung tâm cũng như CLB, tôi được kết nối với cơ sở dạy nghề làm tóc trên địa bàn TP Hạ Long để học nghề. Sau khi học nghề tóc xong, tôi cũng đã mở được một cửa hiệu riêng để giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh giống mình; giúp họ có được nghề nghiệp, thu nhập ổn định, hòa nhập với mọi người...”.

Không chỉ có CLB dành cho những người điếc, mà hiện nay Trung tâm còn hoạt động với nhiều mô hình, CLB khác để trợ giúp những người yếu thế trong xã hội như: CLB Gia đình trẻ tự kỷ, CLB Xanh lại ước mơ, mô hình cà phê tư vấn, mô hình công tác xã hội trong bệnh viện… Hiệu quả của những mô hình, câu lạc bộ này là rất lớn; không những giúp cho người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, mà còn là cầu nối giữa các hội viên, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho họ; giúp họ trở thành những người công dân tốt.

Trong thời gian tới, để công tác người khuyết tật được thực hiện tốt hơn nữa, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh đề nghị xem xét có chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng cho nhóm NCT khuyết tật là phụ nữ, người cao tuổi đang sinh sống tại vùng biên giới, hải đảo, người cao tuổi có thời giam dưới 15 năm tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Điều chỉnh mức trợ cấp xã hội cho các đối tượng BTXH bằng 40%-50% mức lương cơ bản trong từng thời kỳ để đảm bảo nâng cao cuộc sống hoặc điều chỉnh mức chuẩn tối thiếu bằng 50% mức chuẩn nghèo theo từng thời kỳ. Đồng thời phối hợp với các Bộ Y tế, các Bộ ngành có liên quan nghiên cứu chuyển đổi các đối tượng thần kinh, tâm thần sang cho các cơ quan chuyên môn về y tế để xác định mức độ khuyết tật, để thực hiện việc xác định được chính xác hơn…

VŨ MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh