Quảng Ninh tạo đà phát triển thị trường lao động, đảm bảo nguồn nhân lực phát triển KT-XH
- Bài thuốc hay
- 17:13 - 29/03/2022
Triển khai các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động
Vượt lên những thử thách khắc nghiệt của đại dịch Covid-19, bức tranh thị trường lao động của Quảng Ninh đang dần "sáng lên" ở cả hai phía cung, cầu. Bên cạnh việc các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn để tăng tốc khôi phục sản xuất, tỉnh cũng đang quyết liệt triển khai các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) kết nối bến vững. Tạo đà phát triển thị trường lao động cũng là cách để tỉnh chủ động nguồn nhân lực phát triển KT-XH trong giai đoạn mới.
Theo tỉnh Quảng Ninh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang từng bước trở thành trụ cột chính trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh. Đặc biệt ưu tiên và thu hút những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít hao hụt tài nguyên, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu. Do đó, những cơ hội việc làm rộng lớn đã và đang được mở ra. Cụ thể, theo khảo sát tại Đề án “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, ước tính lao động trong ngành công nghiệp chế biến cần có của tỉnh cho ngành này đến năm 2025 là khoảng 129.000 lao động; đến năm 2030 là 178.500 lao động.
Đối với lĩnh vực dịch vụ - du lịch, dù gặp phải khó khăn lớn, kéo dài suốt hơn 2 năm do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này của tỉnh cũng đang khẩn trương lấy lại đà tăng trưởng. Đặc biệt là từ ngày 15/3 vừa qua, du lịch Việt Nam đã chính thức mở lại toàn bộ hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Ngày 22/3, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức chương trình liên kết, xúc tiến du lịch với sự tham gia của đại diện 28 Sở Du lịch, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp các tỉnh phía Bắc...; sẵn sàng để mở cửa lại hoạt động du lịch với những sản phẩm đa dạng, thích ứng trong bối cảnh bình thường mới.
Chỉ riêng năm 2021, Quảng Ninh có khoảng 2.000 đơn vị, doanh nghiệp thành lập mới, gần 900 doanh nghiệp tạm dừng sản xuất kinh doanh trước đó bắt đầu hoạt động trở lại. Đến nay, toàn bộ 64/64 doanh nghiệp trong các KCN, KKT của tỉnh đều duy trì hoạt động khá ổn định với trên 33.000 lao động tham gia sản xuất tại khắp các nhà máy, phân xưởng sản xuất. Tổng vốn đầu tư thu hút vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh hiện đạt trên 1.700 tỷ đồng. Từ đó, ngày càng có nhiều hơn các cơ hội việc làm tiếp tục được mở ra cho lao động cả trong và ngoài tỉnh.
Chế độ đãi ngộ - “chìa khóa” để thu hút và giữ chân người lao động
Nắm bắt nhu cầu lao động rất lớn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sau thời gian dài chịu tác động của dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Điển hình như ngành LĐ-TB&XH đẩy mạnh hoạt động thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động... thông qua đầu mối là Trung tâm Dịch vụ việc làmtỉnh. Bên cạnh giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giới thiệu việc làm, “chìa khóa” để thu hút và giữ chân NLĐ lựa chọn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp phải kể đến các chế độ đãi ngộ hấp dẫn, các giải pháp bảo đảm sự an toàn trong lao động, sản xuất trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
Trong năm 2021 và đầu năm 2022, hàng loạt các dự án tầm cỡ được triển khai, các doanh nghiệp khẩn trương bắt nhịp tăng tốc sản xuất sau khoảng thời gian phải hoạt động cầm chừng... Điển hình như các chỉ đạo của tỉnh về ưu tiên quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân lao động, người thu nhập thấp ở khu vực đô thị. Tiêu biểu, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã đầu tư xây dựng khoảng 30 dự án nhà ở tập thể, trên 2.700 căn hộ, đáp ứng chỗ ở gần 8.000 công nhân. Tổng Công ty Đông Bắc hiện đã đầu tư xây dựng 2 khu nhà ở tập thể công nhân, với tổng số trên 1.000 căn nhà chung cư, đủ đáp ứng chỗ ở cho trên 4.500 công nhân.
Còn tại KCN Hải Yên (TP Móng Cái), hiện đã có khoảng 4.000 công nhân được đáp ứng chỗ ở tại 4 khối nhà ở tập thể 5 tầng được đơn vị đầu tư xây dựng... Ngày 24/3 vừa qua, dự án khu nhà ở công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai tại TX Quảng Yên đã được khởi công, Dự án có quy mô 5 tòa nhà 6 tầng với 1.000 căn hộ, đáp ứng được chỗ ở cho khoảng 5.500 người. Mỗi căn hộ có diện tích từ 26-67m2, giá trị từ 185-476 triệu đồng/căn, được đánh giá là phù hợp với thu nhập của công nhân lao động.
Cùng với đó, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược của tỉnh. Nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề được tỉnh triển khai thực hiện, đảm bảo đúng đối tượng, mang lại hiệu quả tích cực. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, các chỉ tiêu về công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại tỉnh qua các năm đều tăng. Riêng trong năm 2021, có trên 34.700 học sinh, sinh viên và học viên tốt nghiệp. Số có việc làm sau tốt nghiệp là 29.122 người, đạt 83,91%.
Trải qua 2 năm ứng phó dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Quảng Ninh đã luôn chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phù hợp nhất để giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, giảm thiểu những tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống xã hội. Đây là nền tảng vững chắc để tỉnh nhanh chóng khôi phục, phát triển KT-XH, đảm bảo hoàn thành “mục tiêu kép”.