THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:48

Quảng Ninh tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Thực hiện Quyết định số 1139/QĐ-UBND (ngày 17/4/2017) của UBND tỉnh "Quy định hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ", đến hết năm 2022 toàn tỉnh có 11.555 lao động nông thôn được đào tạo nghề phi nông nghiệp, trong đó 86,6% phát huy hiệu quả sau đào tạo; trên 5.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp, trong đó 88,7% phát huy được hiệu quả sau đào tạo. Qua đó góp phần quan trọng tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành kinh tế.

Thực hành lớp nghề Trồng và chăm sóc cây ăn quả tại xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà), tháng 3/2023.

Thực hành lớp nghề "Trồng và chăm sóc cây ăn quả" tại xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà), tháng 3/2023.

Bên cạnh kết quả tích cực đạt được, công tác đào tạo lao động nông thôn của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, tồn tại: Có lúc, có nơi còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành liên quan, nhất là các cơ quan chuyên môn ở địa phương; thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tham gia vào lĩnh vực dạy nghề còn hạn chế, các doanh nghiệp đặt hàng đào tạo lao động cho các cơ sở dạy nghề chưa nhiều; một số địa phương bố trí nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo nghề còn hạn chế; cơ sở vật chất dạy nghề tại trung tâm Giaos dục nghề nghiệp – Giáo dục từ xa chưa đáp ứng yêu cầu dạy nghề; số lượng giáo viên dạy nghề còn thấp (1 giáo viên dạy 2 nghề), thiếu giáo viên dạy nghề phù hợp với nhu cầu đào tạo của địa phương...

Để đảm bảo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đúng đối tượng, có hiệu quả cao, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các địa phương, ngành chức năng tích cực điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn , nhu cầu sử dụng lao động ở các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; chủ động linh hoạt lựa chọn ngành nghề sát với điều kiện, thế mạnh của địa phương. Với cách làm này, việc dạy nghề từng bước gắn sát với nhu cầu học nghề, cơ cấu việc làm và đặc điểm kinh tế của mỗi địa phương, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao chất lượng dạy nghề và hiệu quả việc làm cho nông dân sau đào tạo. Từ năm 2015 đến nay, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đã đào tạo nghề cho trên 26.000 học viên thuộc các huyện miền Đông của tỉnh. 

Lớp học chăn nuôi tại thôn Tiên Hải (xã Điền Xá, huyện Tiên Yên), tháng 1/2023.

Lớp học chăn nuôi tại thôn Tiên Hải (xã Điền Xá, huyện Tiên Yên), tháng 1/2023.

Quảng Ninh có đà tăng trưởng nhanh, nên yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng lớn. Một trong những giải pháp lâu dài được tỉnh xác định là tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, thu hút lao động làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đào tạo nghề, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao đã và đang góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 6 năm liên tiếp (2017-2022), Quảng Ninh dẫn đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 72% (năm 2017) lên 85,85% (năm 2022); tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 40% (năm 2017) lên 47,5% (năm 2022).

Với nhiều giải pháp đã và đang được triển khai, từ những nền tảng cơ bản trong quá trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn , Quảng Ninh tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh.

ĐỨC ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh